VnReview
Hà Nội

Asanzo có phải là 'Khaisilk' thứ 2?

Dù là một thương hiệu luôn quảng cáo sản xuất tại Việt Nam và sở hữu công nghệ Nhật Bản nhưng Asanzo lại nhập linh kiện và sản phẩm từ Trung Quốc, xé mác và dán đè lên dòng chữ 'Xuất xứ Việt Nam'. Vậy hành vi này có giống với trường hợp của Khaisilk tai tiếng đầu năm nay?

Asanzo nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam

Sáng nay (21/6), một số tờ báo lớn đã có đăng tải loạt điều tra về công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi có xuất xứ tại Việt Nam. Theo đó, phóng viên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ đã phát hiện rất nhiều xe container nhập hàng từ cảng Cát Lái và đi thẳng về nhà máy của Asanzo ở TP.HCM.

Đặc biệt hơn, các container này có điểm xuất phát từ Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc). Các đơn vị nhập lô hàng này là Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn (công ty Trần Thoàn) và Công ty TNHH Hợp tác đầu tư Thạch Sơn (công ty Thạch Sơn) và công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phương Nguyên (công ty Phương Nguyên). Điều đáng nói là công ty Trần Thoàn và công ty Thạch Sơn là những công ty 'ma' khi trụ sở trên giấy tờ đều là giả. Trong khi đó công ty Phương Nguyên lại có trụ sở trùng với công ty cổ phần Tập đoàn AsanZo; (số 14 đường Số 4, khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM).

Xe container chờ "ăn" hàng chở về nhà máy Asanzo. Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM

Theo điều tra của phóng viên báo Tuổi trẻ, từ năm 2014 đến nay, có tới 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asazo từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp tivi, máy lạnh, điện thoại... Các mặt hàng được nhập từ Trung Quốc về mang nhãn hiện Asanzo không chỉ dừng lại ở tivi, máy lạnh, điện thoại mà còn trả sang cả những vật dụng gia đình thường ngày như nồi cơm điện, máy xay sinh tố, lò nướng... Và tất nhiên, tất cả chúng đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Đơn cử như ngày 9/12/2016, Công ty TNHH truyền thông Asanzo nhập hơn 3.000 máy xay sinh tố từ Công ty Winstar Electrical Enterprise (Trung Quốc). Một tuần say, công ty này tiếp tục nhập 2.056 nồi lẩu điện từ công ty Guangdong Zhanjiang Household Electric (Trung Quốc).

Sau khi nhập đồ từ Trung Quốc về, công ty Asanzo theo mô tả của các phóng viên điều tra yêu cầu công nhân gỡ bỏ tem dán ghi chữ ‘made in China' và thay thế bằng tem của thương hiệu này trong quá trình lắp ráp. Điều này khiến các tivi có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi được thay tem dán bỗng chốc trở thành hàng có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo phóng viên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh thì Asanzo xé nhãn 'Made in China' và dán vào đó nhãn 'Xuất xứ Việt Nam'

Asanzo là công ty khá nổi tiếng trên thị trường với đồ gia dụng, điện lạnh, điện máy... giá rẻ. Theo quảng cáo của công ty này thì sản phẩm của họ được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, xuất xứ từ Việt Nam và do chính người Việt sở hữu. Xuất xứ từ những chiếc tivi giá rẻ vào năm 2014, đến năm 2016 công ty này đã lấn sân sang cả lĩnh vực điện lạnh, điện gia dụng và cả smartphone. Công ty này gây ngạc nhiên khi cho ra mắt rất nhiều sản phẩm giá rẻ trong thời gian ngắn, giá thành rất rẻ. Đến năm 2016, tivi của Asanzo đã tiêu thụ được hơn 500.000 chiếc và chiếm 15% thị phần tivi của Việt Nam.

Asanzo có vi phạm pháp luật?

Người đứng đầu của Asanzo là ông Phạm Văn Tam – được giới thiệu là học hết lớp 12, có đam mê kinh doanh và từng đi buôn tivi nội địa cũ. Ông Tam sẽ tham dự show truyền hình thực tế Shark Tank mùa 3 với vai tò ‘cá mập' và được giới thiệu là đã làm nên hãng tivi ‘made in Việt Nam' nổi tiếng.

Điều đáng chú ý là toàn bộ lô hàng điện gia dụng nhãn hiện Asanzo mà 19 công ty nhập về Việt Nam đều có C/O form E do cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cấp. Điều này làm nổi lên lo ngại về việc sản phẩm của Asanzo được nhập về từ Trung Quốc nhưng lại dán nhãn ‘made in Việt Nam' như thương hiệu Khaisilk từng làm và bị lên án cách đây không lâu.

Ông Phạm Văn Tam bên sản phẩm của Asanzo

Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Văn Tam nói: ‘Bên tôi chỉ lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm, rồi sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng nhé. Vì vậy, ở ngoài sản phẩm, công ty ghi là xuất xứ Việt Nam nhé'.

Tuy vậy, theo luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn luật sư TP.HCM) thì ‘Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó'.  Do đó, nếu Asanzo chỉ nhập linh kiện về lắp ráp, xé mác Trung quốc và dán mác Việt Nam vào thì cũng không thể gọi là nơi xuất xứ của sản phẩm.

Diễn biến mới nhất là trả lời báo VietNamNet chiều 21/6/2019, ông Tam thừa nhận công ty Asanzo có sử dụng linh kiện Trung Quốc cho các sản phẩm của mình. Tuy vậy, vị CEO này không nhắc đến hành vi xé mác ‘made in China' và dán nhãn xuất xứ Việt Nam của Asanzo.

Nếu xét theo các văn bản Luật hiện hành thì hành vi xé mác ‘Made in China' và dán mác xuất xứ Việt Nam thì Asanzo có thể có hành vi ‘Lừa dối khách hàng' theo quy định của điều 198 Bộ luật hình sự 2015, và tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật hình sự 2015. Ngoài ra, hành vi của Asanzo còn có thể vi phạm khoản b, điều 213, Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Trong đó nêu rõ hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: ‘là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý'.

Theo nghị định 43/2017/NĐ-CP, điều 9 có quy định Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của Pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Như vậy, việc Asanzo không nhắc gì đến hàng hóa và linh kiện của mình có xuất xứ từ Trung Quốc là sai quy định của pháp luật. Tất nhiên, những điều này đều này chỉ dựa trên văn bản Luật hiện hành và kết luận cuối cùng sẽ phải đợi cơ quan chức năng và Tòa án.

Ngoài ra, khi một thương hiệu trong nước nhập sản phẩm từ Trung Quốc nhưng lại xé nhãn và dán vào là xuất xứ tại Việt Nam với công nghệ Nhật Bản sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thực tế trong các quảng cáo Asanzo chưa bao giờ nhắc đến xuất xứ Trung Quốc của linh kiện và chỉ nói xuất xứ Việt Nam.

T.T

Chủ đề khác