VnReview
Hà Nội

Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng đầu tư “tháo chạy” khỏi Trung Quốc

Theo ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, những nước như Ấn Độ và Việt Nam đang hưởng lợi nhiều từ làn sóng đầu tư kéo khỏi Trung Quốc.

Việt Nam và Ấn Độ đều chứng kiến làn sóng đầu tư quốc tế bùng nổ. Trong bối cảnh các công ty kéo dây chuyền sản xuất ra khỏi "công xưởng của thế giới", hai nước đã trở thành điểm sáng trong con mắt nhà đầu tư. Báo cáo phát hành vào hôm thứ Năm viết: "Thương chiến Mỹ-Trung tạo ra sức ép lớn, buộc nhiều công ty phải kéo một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc".

Báo cáo cũng cho biết, bên cạnh tác động của thương chiến, hai nguyên nhân khác là chi phí thuê đất và giá nhân công rẻ cũng được tính đến. Các công ty thuộc chuỗi cung ứng Đài Loan và Trung Quốc sau khi xem xét, rất nhiều đều đã chọn Việt Nam bên cạnh Ấn Độ. Hai điểm đến phù hợp về mặt địa lý, dân cư, chi phí.

Thương chiến Mỹ-Trung khiến nhiều công ty kéo dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc

Ví dụ với nước ta, dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc đã tăng 4,6 lần, đạt 5.200 tỷ đồng chỉ trong vòng năm tháng đầu năm theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Còn với Ấn Độ, Cục Chính sách và Phát triển Công nghiệp (DIPP) công bố tăng trưởng FDI "chảy" vào nước này đã tăng 138%, vượt mốc 391 triệu USD.

Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử AAC Technology đã xây dựng một nhà máy tại Việt Nam. Trong khi ở Philippines, một cơ sở sản xuất khác sẽ sẵn sàng sớm nhất vào cuối năm nay. Khách hàng của họ gồm có Apple, Huawei và nhiều hãng smartphone. Tuy nhiên, quản lý công ty cho biết cơ sở tại Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 15% doanh thu. Phải đến 2020, công suất tăng thêm mới cải thiện được tỷ lệ đóng góp này.

Một hãng khác là Luxshare tuy chỉ có 3% doanh thu đến từ Mỹ, nhưng vẫn cố mở rộng sản xuất ra nước ngoài. Họ đã xây một nhà máy mới ở Việt Nam và sẵn sàng vận hành từ tháng Sáu năm 2020. Cùng với đó, thành lập một công ty con khác tại Ấn Độ và sẵn sàng chạy từ cuối năm nay.

Báo cáo cũng cho biết, Foxconn của Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào cả Ấn Độ và Việt Nam. Bao gồm 14 chi nhánh tại Ấn Độ, đảm nhận sản xuất, logistics, bảo hành, bán hàng và tiếp thị. Ngoài ra còn có 6 cơ sở khác ở Việt Nam cùng 1 điểm mới đang được đầu tư với số vốn 16,6 triệu USD.

Các mặt hàng như smartphone và PC có thể được chuyển tới Việt Nam, Ấn Độ

Bên cạnh xu hướng đầu tư dịch chuyển ồ ạt, báo cáo của Goldman Sachs cũng cho biết thêm các thách thức phát sinh phải đối mặt. Đầu tiên là tốn rất nhiều thời gian cho quá trình đó, cần từ 3 đến 6 tháng để một điểm sản xuất mới được đánh giá xong. Và cần ít nhất 18 tháng để thiết lập một nhà máy trước khi đưa vào sản xuất.

Tiếp theo, các vấn đề phức tạp trong việc vận hành nhà máy bao gồm mua sắm, logistics, phối hợp sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau "có thể không hiệu quả". Thứ ba là trình độ lao động nước sở tại và vấn đề hội nhập văn hóa.

Vì các rào cản này, các nhà phân tích dự đoán chỉ có sản xuất smartphone, PC được di chuyển tới Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi các linh kiện phức tạp hơn như bán dẫn khó có thể được sản xuất tại Việt Nam.

Ambitious Man

Chủ đề khác