VnReview
Hà Nội

Ông chủ Huawei: Bỏ rơi chúng tôi, Google có thể mất 700-800 triệu người dùng Android

Ông chủ Huawei tự tin cho rằng nếu Google cắt đứt quan hệ hợp tác với Huawei, hãng công nghệ Mỹ có thể mất từ 700-800 triệu người dùng trên thế giới. Đây chắc chắn sẽ là một con số không hề nhỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh CNBC, ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi đã có những chia sẻ và hàm ý rất rõ ràng với Google và các công ty Mỹ. Ông Nhậm cho biết: "Huawei và Google có cùng một mối quan tâm và nếu chúng tôi không sử dụng hệ thống của Google, hãng công nghệ mỹ sẽ mất từ 700-800 triệu người dùng trong tương lai".

Tuy nhiên số lượng người dùng Android có khả năng rời khỏi nền tảng này vẫn còn là một câu hỏi lớn bởi chưa có thống kê nào về việc có bao nhiêu người đang dùng smartphone Huawei. Có lẽ rằng CEO Huawei biết điều này và cách tính của Huawei có lẽ cũng tương đồng với phân tích về số lượng thiết bị di động. Hiện có khoảng 2 tỷ người dùng đang sử dụng nền tảng Android.

Mặc dù vậy theo trang Android Headlines vẫn còn nhiều thứ cần phải chỉ rõ. Đầu tiên việc ông Nhậm nhắm đưa ra lời cảnh báo tới Google thực chất chẳng đem lại lợi ích gì. Bởi Google không hề có lỗi và lỗi thực tế do sắc lệnh của tổng thống Trump. Không chỉ riêng Google mà tất các công ty Mỹ buộc phải tuân thủ lệnh cấm hợp tác với Huawei.

Việc Google tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ cũng giống như việc Huawei nghe lời chính phủ Trung Quốc. Vì vậy Huawei không thể đổ lỗi cho Google hoặc đe dọa Google về khả năng mất đi một lượng lớn người dùng Android.

Tiếp theo sẽ rất khó để Huawei có thể đạt được con số 700-800 triệu người dùng trong bối cảnh doanh số bán smartphone của Huawei đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh tại các thị trường trọng điểm ở khu vực Châu Âu hoặc Đông Nam Á. Nguyên nhân bởi người dùng ở đây đã quá quen với hệ điều hành Android nên việc không còn đươc trải nghiệm nền tảng này chắc chắn sẽ thôi thúc nhiều người sớm đổi máy.

Nói vui rằng, có lẽ người dùng smartphone Huawei trung thành với hệ điều hành Android của Google hơn là với chính Huawei. Nếu như Huawei không còn sử dụng Android, các fan của Huawei có lẽ sẽ tìm một cái cớ để chuyển sang một hãng khác. Hơn ai hết, Huawei hiểu rằng nếu không có Android, hãng sẽ khó có thể kiếm lời từ việc bán smartphone.

Ngoài ra một điều mà CEO Huawei không tính đến, đó là nhiều người dùng không chỉ dùng riêng model smartphone của một hãng mà dùng nhiều sản phẩm khác nhau từ các hãng như Xiaomi, Samsung và thậm chí là iPhone.

Ông Nhậm nhấn mạnh, công ty về cơ bản không muốn thay thế hệ điều hành Android nhưng nếu mọi thứ đi chệch quỹ đạo, Huawei đã có giải pháp dự phòng với hệ điều hành riêng.

Cần phải khẳng định rằng, giao diện EMUI không đủ để đem lại trải nghiệm độc đáo và thu hút người dùng nếu không có Android. Đó là lý do Huawei đã mất rất nhiều năm âm thầm tự phát triển hệ điều hành riêng Hongmeng OS hoặc Oak OS để thay thế Android trong trường hợp xấu nhất.

Trong một thử nghiệm gần đây với hệ điều hành tự phát triển, các chuyên gia cho biết HongMeng OS nhanh hơn Android tới 60%. Ngoài ra cũng có tin đồn cho rằng, Huawei đang đàm phán để sử dụng lại hệ điều hành Sailfish hay Avrora của Nga nhằm thay thế cho Android trong trường hợp hệ điều hành tự phát triển của Huawei chưa kịp hoàn thiện.

Công ty cũng khuyến khích các nhà phát triển viết ứng dụng cho cửa hàng App Gallery của hãng. Và đối với Hongmeng OS, trở ngại lớn nhất chính là khả năng tương thích với Android.

Tất nhiên Trung Quốc là một thị trường ngoại lệ vì nơi đây từ lâu đã không cần đến các dịch vụ của Google. Nhưng còn thị trường quốc tế, đó sẽ là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cách đây không lâu, Huawei ước tính doanh thu của hãng trong năm 2019 và 2020 có thể giảm tới 30 tỷ USD/năm. Đặc biệt doanh số bán smartphone trong hai năm tới được dự báo sẽ giảm từ 40-60%. Trước đó trong 5 tháng đầu năm, Huawei cho biết hãng vẫn bán được 100 triệu chiếc smartphone. Nhưng dĩ nhiên đây là kết quả lạc quan trước khi chính phủ Mỹ cấm cửa Huawei.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty nước này hợp tác kinh doanh với Huawei. Kết quả là vài ngày sau đó, lần lượt Google, Intel, Qualcomm, Microsoft,…đã dừng hợp tác với Huawei để thi hành lệnh cấm.

Tuy Bộ thương mại Mỹ đã quyết định nới lỏng lệnh cấm thêm 3 tháng để hai bên có thể kịp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến khách hàng nhưng đó là khi sóng gió tạm dừng mà thôi. Cũng trong thời gian này, Mỹ muốn thử xem Trung Quốc liệu có nhượng bộ họ trên bàn đàm phán để cứu Huawei hay không.

Ngay cả tổng thống Trump cũng một mực khẳng định Huawei là "công ty nguy hiểm" nhưng để ngỏ khả năng sẽ thả lỏng cho Huawei nếu đạt được lợi ích với Bắc Kinh trên bàn đàn phám thương mại trong thời gian tới.

Tiến Thanh

Chủ đề khác