VnReview
Hà Nội

Trong mắt Huawei, Apple là hình mẫu cho sự riêng tư của khách hàng

CEO Huawei gọi Apple là hình mẫu khi nhắc đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Nhà sáng lập kiêm CEO Huawei, Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), trả lời với Thời báo Tài chính rằng nếu công ty ông được chính phủ Trung Quốc yêu cầu mở khóa các thiết bị của mình, ông sẽ noi theo Apple và từ chối. Còn nhớ năm ngoái, CEO của Apple, Tim Cook đã tuyên bố rằng sẽ không bao giờ biến khách hàng của mình thành những sản phẩm mua bán.

Ngoài ra, vào năm 2016, bất chấp yêu cầu của tòa án, Apple đã không mở khóa chiếc iPhone 5C được cho là của tên sát nhân Syed Farook trong vụ xả súng đẫm máu tại San Bernardino. Apple lo ngại rằng nếu họ tạo ra một bản iOS đặc biệt cho phép FBI mở khóa iPhone của Farook thì đồng nghĩa với việc đe dọa đến quyền riêng tư của tất cả người dùng iPhone.

Ông Nhậm cho biết dữ liệu người dùng luôn thuộc quyền sở hữu của khách hàng và chỉ các nhà mạng mới là những bên nên thu thập chúng, chứ không phải các nhà sản xuất smartphone. Nhưng ở hiện tại, Huawei đang bị Bộ thương mại Mỹ liệt vào danh sách cấm sử dụng các công nghệ và phần mềm của nước này với quan ngại rằng Huawei có thể được chính phủ Trung Quốc yêu cầu theo dõi người dùng.

Và điều đó đã dẫn đến những tin đồn rằng điện thoại của Huawei có chứa backdoor để gửi thông tin người dùng về Bắc Kinh. Nhiều lần Huawei đã lên tiếng phủ nhận, thậm chí chủ tịch công ty, Liang Hua còn đề nghị ký cam kết "không gián điệp" với bất kỳ quốc gia nào.

Ông Nhậm cho biết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ bán dữ liệu người dùng. Nếu tôi có làm điều đó dù chỉ một lần thì ắt hẳn Mỹ sẽ có bằng chứng để lan truyền cho khắp thế giới. Sau đó 170 quốc gia mà chúng tôi đang hợp tác sẽ ngừng mua sản phẩm, và công ty của chúng tôi sẽ sụp đổ. Ai sẽ là người trả các khoản nợ mà chúng tôi đang mắc phải? Nhân viên của chúng tôi đều có năng lực nên họ sẽ từ chức và thành lập công ty riêng, để một mình tôi trả nợ. Tôi thà chết chứ không bao giờ làm điều đó".

CEO Huawei nói rằng chính quyền Tổng thống Trump không có cơ sở gì để đưa ra những lo ngại về công ty, cũng như lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc chỉ quản lý các công ty tư nhân thông qua việc sử dụng luật pháp và thuế. Ông cũng tuyên bố rằng chính phủ trong nước không can dự vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của Huawei: "Tôi không biết lý do tại sao chính phủ Mỹ lại quản lý chặt chẽ các công ty công nghệ như thế. Họ cư xử cứ như một bà mẹ chồng, và con dâu của họ sẽ sớm bỏ trốn nếu họ quá khắt khe".

Vì lệnh cấm, Huawei dự kiến ​​sẽ sụt giảm doanh thu nghiêm trọng tới 30 tỷ USD trong năm nay, cùng theo đó là ước tính lợi nhuận chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD cho năm 2019. Tuy trước đó đã nuôi tham vọng vượt qua Samsung từ năm 2016 nhưng giờ đây, nhà sản xuất Trung Quốc đã thừa nhận rằng sẽ không thể trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm tới.

Theo Phone Arena, Huawei đã xuất xưởng 206 triệu smartphone vào năm 2018, đứng thứ ba sau Samsung và Apple, cũng như chỉ đứng sau Samsung trong quý đầu năm nay khi bán ra 59 triệu chiếc. Nhưng giờ đây, Huawei cho biết sẽ giảm số lượng smartphone bán ra ngoài Trung Quốc từ 40 đến 60% trong năm nay, chỉ ra tổng số đơn hàng smartphone chỉ từ 140 đến 160 triệu chiếc cho năm 2019.

Tuần trước, tổng thống của Mỹ và Trung Quốc, Donald Trump và Tập Cận Bình đều đã đồng ý một thỏa thuận hoãn tạm thời cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Trump nói rằng phía Trung Quốc đã đồng ý mua số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ. Ông cũng cho phép "các công ty công nghệ Mỹ buôn bán các sản phẩm của họ cho Huawei. Những sản phẩm được phép sẽ là những thiết bị không có bất cứ vấn đề gì an ninh quốc gia". Tuy nhiên sau đó vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy Huawei được xóa khỏi danh sách đen.

Thái Âu

Chủ đề khác