VnReview
Hà Nội

Nhật Bản đang nắm giữ vận mệnh chương trình phát triển chip 7nm của Samsung

Công ty Hàn Quốc như "cá nằm trên thớt" sau khi chính quyền Nhật áp lệnh hạn chế xuất khẩu. Thiếu chất cản quang, tương lai các con chip của Samsung mờ mịt hơn bao giờ hết.

Nhật muốn "triệt hạ" Samsung của Hàn Quốc?

Ba đơn vị cung ứng chủ chốt chất cản quang cho các dự án phát triển, chế tạo những con chip tiên tiến nhất của Samsung là Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical và JSR. Không ai trong số họ dám đảm bảo về khả năng cung cấp ổn định sau khi có lệnh hạn chế. Một quan chức đã nói với Nikkei rằng quá trình xin cấp phép xuất khẩu các vật liệu quan trọng có thể kéo dài đến 90 ngày. Thậm chí có thể lâu hơn, còn tùy vào từng trường hợp.

Chất cản quang, nút thắt trong việc duy trì sản xuất chip của Samsung;

Theo nguồn tin thân cận, Samsung đã bắt đầu "ngấm đòn" sau khi lệnh hạn chế được đưa ra 10 ngày trước. "Công ty đã trì hoãn một số phần trong dự án phát triển chip liên quan đến tiến trình EUV, nhằm đảm bảo nguồn cung chất cản quang thiết yếu có thể được đảm bảo trong tương lai" - người này cho hay. Bất cứ sự trì hoãn nào liên quan đến loại chất phủ hóa học trong tiến trình quang khắc bán dẫn EUV, đều có thể kéo lùi lại kế hoạch khởi động chip 7nm của Samsung.

Các con chip mạng và di động tiên tiến rất có ý nghĩa với Samsung trong năm tới. Khi họ sẽ đánh mạnh vào công nghệ 5G, từ smartphone dòng flagship cho đến các thiết bị viễn thông. Chưa kể, Samsung đang nuôi tham vọng trở thành hãng bán dẫn số 1 thế giới, dẫn đầu cả về đúc chip, chip nhớ lẫn phi bộ nhớ. Một trong các mục tiêu là lật đổ TSMC của Đài Loan, đang dẫn đầu thị trường đúc chip theo hợp đồng.

Samsung đang hướng tới tiến trình bán dẫn 7nm EUV, nhưng Nhật Bản có thể khiến họ phải trì hoãn

Các nhà phân tích đồng loạt lên tiếng lo ngại về lịch trình các dự án chip tiên tiến. "Chúng tôi vẫn đang lo ngại về khả năng đảm bảo cung ứng chất cản quang cho các dự án chip tiên tiến nhất của Samsung", Mark Li, một nhà phân tích bán dẫn kỳ cựu tại Bernstein Research nói. Đồng thời nhấn mạnh rằng việc thay thế các đơn vị cung ứng chất này là cực kỳ khó. Ông nói rằng nếu vấn đề không được xử lý nhanh gọn, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến chính việc sản xuất các chip "cây nhà lá vườn" trên smartphone".

Không chỉ vậy, ảnh hưởng sẽ lan sang cả tham vọng giới thiệu những con chip tiên tiến nhất, cùng với đó là mục tiêu lật đổ TSMC mà Samsung đã đề ra.

Nhà cung ứng Tokyo Ohka Kogyo (TOK) cho biết không dám chắc kế hoạch khởi động nhà máy mới ở Hàn Quốc, vốn để hỗ trợ cho các dự án của khách hàng, có thể theo đúng lịch đi vào sản xuất năm 2020 hay không. Một hãng khác là JSR cũng không chắc chắn liệu nhà máy đặt tại Bỉ có thể bán hàng cho khách ở Hàn Quốc, bởi một số công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cuối cùng, công ty cung cấp chất cản quang EUV còn lại Shin-Etsu, nói với Nikkei rằng họ chỉ có thể sản xuất ở Nhật, vậy nên chắc chắn sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu. Việc đó sẽ rất lâu nhưng không còn cách nào khác.

Nhật làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Samsung, đẩy công ty vào thế khó

Một trở ngại khiến Samsung không thể tích trữ chất cản quang từ trước, nằm ở mức độ khó khăn của việc bảo quản. Vài nguồn tin trong ngành xác nhận rằng loại chất này sẽ hết hạn sử dụng chỉ trong vài tuần sau khi được mở. Cùng với đó là yêu cầu bảo quản khắt khe ở cấp độ cao nhất, đến mức việc tích trữ một khối lượng lớn trong thời gian dài bị xem là việc không tưởng. Một giám đốc làm trong ngành chip nói rằng rất hiếm có ai lại cố tích trữ như vậy.

Trong khi không thể bảo quản một lượng lớn, Samsung cũng gặp khó trong việc thay thế đối tác cung ứng. Một việc bị coi là phi thực tế trong ngắn hạn. Một người quen thuộc với vấn đề này nói cần có thời gian ít nhất một năm, bởi tiến trình sản xuất và thiết kế chip phải được kiểm tra cẩn thận thêm lần nữa.

Lệnh hạn chế xuất khẩu tạm thời sẽ ít ảnh hưởng đến sản phẩm chip nhớ của công ty. Nguyên nhân là họ đã chịu tình trạng cung vượt cầu nhiều tháng qua. Giá chip nhớ liên tục giảm trong khi nhu cầu từ thị trường smartphone, máy chủ đều yếu ớt. Tuy nhiên, việc sản xuất các chip xử lý, AI,... có thể bị trì hoãn. Các hãng thiết kế chip như Apple, Huawei, Qualcomm, NVIDIA và cả chính Samsung thường tìm đến TSMC hoặc Samsung Foundry (nhánh đúc chip trong tập đoàn) để đặt hàng. Xu hướng hiện nay là các con chip tiên tiến hỗ trợ 5G, AI, xe tự hành,...

Không chỉ Samsung, lệnh hạn chế gián tiếp gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu gồm cả các công ty Mỹ

Apple và Huawei chọn dây chuyền của TSMC, còn Qualcomm vừa thông báo là chọn Samsung cho nền tảng Snapdragon 865 năm sau. NVIDIA dự tính sẽ đặt hàng từ cả hai công ty và sẽ tiếp tục như vậy. Trong khi Qualcomm từ chối trả lời với Nikkei. Trước mắt, các sản phẩm đáng lo nhất chính là các chip 7nm mà Samsung sẽ dùng trên sản phẩm của họ, như điện thoại. Người ta dự báo, sự cố này sẽ ảnh hưởng toàn ngành chip, bởi Samsung có nhiều khách hàng.

Để hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại của Samsung, độc giả có thể xem lại bài đính kèm ở đầu bài viết. Qua đó hiểu rõ hơn về cách mà chính phủ Nhật hạn chế xuất khẩu chất cản quang. Tất nhiên Samsung và chính phủ Hàn đang làm tất cả những gì có thể để tháo gỡ tình hình. Phó chủ tịch Lee và một nhóm giám đốc đã sớm bay sang Nhật, gặp gỡ các đối tác kinh doanh và ngân hàng lớn, thảo luận giảm thiểu tác động của lệnh hạn chế. Trong khi đó, Reuters cho biết chính phủ Hàn thậm chí đã "cầu cứu" Mỹ, mong có thể can thiệp làm giảm leo thang. Dù vậy, thái độ của Nhật có vẻ cương quyết.

Ambitious Man

Chủ đề khác