VnReview
Hà Nội

Bên trong cuộc chiến cả Nhật và Hàn đều sẽ thua, còn Samsung thì đang khốn đốn

Không có ai chiến thắng cả, ở bất kỳ cuộc tranh chấp nào cả hai bên đều có thiệt hại nhất định. Và Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đang gây tổn thương cho nhau lẫn tự tổn thương chính mình. Nạn nhân đầu tiên là các doanh nghiệp lớn ở hai nước.

Hầu như cuối tuần nào, cửa hàng Uniqlo ở Trung tâm bách hóa Hyundai cũng đông nghẹt người, với mong muốn chọn được quần áo giá rẻ, hợp mốt của chuỗi cửa hàng Nhật Bản. Nhưng vào Chủ Nhật vừa rồi, nó vắng tanh vì tác động của phong trào tẩy chay "Boycott Japan" (tẩy chay Nhật Bản) đang lan rộng ở Hàn Quốc.

Người dân Hàn trong cơn cuồng nộ đã trút giận lên mọi thứ Nhật Bản sản xuất, bia, quần áo, mỹ phẩm, xe hơi,... "Chúng tôi dự định đi đến quần đảo Okinawa tháng Tám này, nhưng giờ thì sẽ chuyển sang Jeju" - Ha, quản lý ở một công ty tài chính, cho biết. Anh bổ sung rằng vợ anh sẽ không đi đến bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào nữa. Các điểm du lịch Nhật đang bị xa lánh, kêu gọi hủy tour.

Nói không với việc mua bán và sử dụng hàng hóa Nhật Bản

Đây không phải lần đầu người dân tổ chức biểu tình tẩy chay Nhật. Nhưng người ta lo rằng cơn giận dữ này có thể kéo dài hơn bất kỳ đợt nào trong quá khứ. Sau loạt quyết định của Nhật Bản nhằm bóp nghẹt động cơ tăng trưởng của Hàn Quốc, từ hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao cho đến loại khỏi danh sách hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Giáng một đòn vào niềm tự hào của Hàn Quốc

Đòn kinh tế của ông Abe giáng thẳng vào Samsung, niềm tự hào của người Hàn Quốc, lẫn SK Hynix, đồng hương trong ngành bán dẫn. Một quan chức Samsung bộc bạch: "Đây là một trong những tình thế tồi tệ nhất chúng tôi từng phải đối mặt. Các chính trị gia cứ thản nhiên tạo ra sự hỗn loạn mà chẳng gánh lấy trách nhiệm. Ngay cả khi hỗn loạn gần như giết chết chúng tôi". Người đàn ông đề nghị giấu tên không hề nói quá. Chỉ ít ngày sau khi Nhật tuyên bố hạn chế xuất khẩu, Phó chủ tịch Lee Jea-yong đã bay đến đây, dành ra 6 ngày để đảm bảo nguồn cung cho Samung.;

Samsung chịu ảnh hưởng nặng nề khi Hàn Quốc bị đàn áp kinh tế

Khi trở về, một mặt ông trấn an nhưng mặt khác, yêu cầu các nhà cung ứng địa phương mua tích trữ nhiều nhất có thể vật liệu Nhật. Trong lá thư gửi đi, Samsung đảm bảo sẽ chi trả mọi chi phí phát sinh, miễn là mua sắm đủ ít nhất ba tháng nguyên liệu quan trọng cần cho sản xuất. Ngoài ra, họ gấp rút tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Theo phân tích, các mặt hàng chủ chốt của công ty gồm điện thoại, màn hình, chip nhớ đều lệ thuộc nặng nề vào Nhật.

Trong báo cáo tài chính vừa phát hành, Samsung cũng thừa nhận áp lực của chính phủ Abe khiến họ bị "ngộp", không dám nói trước điều gì từ các chính sách thắt chặt này tác động đến công ty ra sao. Và nếu tập đoàn có ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế Hàn Quốc còn cảm thấy như vậy, các doanh nghiệp khác sẽ khó khăn ra sao? Sau khi Nhật đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi, dự báo nhiều ngành nghề khác như xe hơi, pin,... cũng không thoát khỏi "đau đớn".

Vì sao lại có cuộc chiến này?

Hàn Quốc cáo buộc các công ty công nghiệp Nhật như Mitsui, Mitsubishi, Nippon,... có liên quan đến lao động cưỡng bức thời chiến

Khởi nguồn của câu chuyện bùng phát là bởi quyết định vào ngày 30 tháng Mười năm ngoái. Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu Nippon Steel phải bồi thường cho bốn nguyên đơn là lao động thời chiến, mỗi trường hợp 85.000 USD. Phán quyết này thách thức trực tiếp các hiểu biết ngoại giao thông thường, bởi một hiệp ước năm 1965 được ký giữa hai bên. Theo đó, Nhật đã trả 300 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh cùng một số bí quyết công nghệ được chia sẻ.

Phía Nhật cho rằng mọi chuyện đã được giải quyết thấu đáo và hoàn toàn. Phán quyết đi ngược lại hiệp ước này làm dấy lên lo ngại sẽ có một làn sóng bồi thường mới, nếu nó được thực thi. Số trường hợp ước tính 220,000 người gồm cả nạn nhân lẫn người thân, có thể đệ đơn kiện đòi bồi thường hơn 300 công ty Nhật. Con số tiềm năng có thể phải trả là 20 tỷ USD hoặc hơn.

Hàn một mực nói bồi thường chưa đủ, còn Nhật Bản phản pháo đã thực hiện đầy đủ các cam kết vào năm 1965

Hồi tháng Giêng, Tòa án Hàn Quốc cho phép tịch biên tài sản của Nippon Steel ở một liên doanh với Posco (Hàn Quốc), làm quỹ chi trả cho các nguyên đơn đi kiện. Việc này khiến chính quyền tức giận vì đe dọa đến các tài sản khác của doanh nghiệp Nhật, đang có hoạt động làm ăn ở Hàn Quốc. Tài sản của Mitsubishi cũng đang đối diện với nguy cơ tương tự.

Hajime Izumi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, nêu ý kiến: "Không có chuyện chính quyền ngồi yên cho các công ty Nhật bị tước đoạt tài sản". Ông nói rằng các vụ tịch thu tài sản do Hàn Quốc tiến hành sẽ bị trả đũa còn nặng nề hơn. "Nhật Bản sẽ yêu cầu hoàn trả bất kỳ tài sản nào bị thu giữ, không quan trọng tốn bao nhiêu thời gian - 100 hay 1.000 năm" - ông bổ sung. Karl Friedhoff, một đồng nghiệp khác bày tỏ lo ngại cuộc chiến giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, cho cả hai nền kinh tế.

Thương chiến bùng nổ

Đại diện hai nước gặp nhau tại tổ chức WTO hồi tháng Bảy

Sau đòn đánh kinh tế của Nhật, Hàn Quốc đã đưa tranh chấp lên tổ chức WTO. Họ nói rằng đòn trả đũa này không công bằng. Phía Nhật Bản thì trích dẫn ra lí do tương tự như ông Trump dùng để cô lập Huawei khỏi công nghệ Mỹ - đe dọa an ninh quốc gia. Hành động này khiến nhiều chuyên gia lo ngại khi các cường quốc vũ khí hóa hoạt động giao thương, chỉ nhằm giải quyết bất đồng chính trị.

Một trong ba vật liệu bị hạn chế là khí ăn mòn HF. Nó nhạy cảm nhất vì không chỉ dùng để sản xuất màn hình và chất bán dẫn, mà còn có thể dùng trong sản xuất khí độc sarin, làm giàu uranium. Nhật Bản bày tỏ lo ngại xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể gây ra rò rỉ nguyên liệu này tới Triều Tiên, bị biến thành vũ khí chết người. Tất nhiên phía Hàn Quốc phủ nhận chuyện này.

Thái độ chiến đấu không khoan nhượng

Mặc dù bùng nổ khi cả hai đang đối mặt với sự giảm tốc nền kinh tế, nhưng đồng thời họ cũng tỏ thái độ không khoan nhượng. Cả hai đều muốn dạy cho đối phương một bài học, khiến quá trình đàm phán khó đi đến thỏa thuận chung.

Mặc dù Samsung và LG đang dẫn đầu thị trường tấm nền OLED cho TV và smartphone, họ lại bị Nhật o bế về công nghệ, vật liệu, máy móc, trang bị 

Hàn Quốc biểu dương nền kinh tế qua việc dẫn đầu ở các thị trường smartphone, TV, màn hình OLED, chip nhớ. Tuy nhiên, họ lại cần đến Nhật Bản để giúp đưa các sản phẩm này ra thị trường, bao gồm công nghệ, vật liệu, linh kiện và máy móc phục vụ sản xuất. Không khó để nhận ra công ty Hàn Quốc nào đang đứng đầu ở bốn mặt hàng kia, và khi Nhật Bản siết chặt xuất khẩu các yếu tố thiết yếu, chính biểu tượng đó sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Nhưng cuối cùng bản chất của cuộc chiến không cần thiết này vẫn là thiệt hại cho cả hai, gồm cả doanh nghiệp Nhật lẫn Hàn. Động thái "ăn miếng trả miếng" của quan chức hai bên chỉ càng làm tổn hại đến các doanh nghiệp của họ. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ không cảm thấy thích thú gì khi việc sản xuất và làm ăn bị gián đoạn, doanh thu sụt giảm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn và màn hình phẳng của Hàn Quốc đều sụt giảm

Không có ngành công nghiệp nào lại muốn bị phụ thuộc vào những quyết sách chính trị. "Ngành công nghiệp bán dẫn Nhật không có tổ chức vận động hành lang của riêng mình, bởi chính phủ nước này trước đây chưa bao giờ phát động cuộc chiến thương mại nào. Nhưng nếu có, đã đến lúc ngành công nghiệp này cần một cách bảo vệ lợi ích của họ". Một chuyên gia nghiên cứu nhận xét.

Tuy vậy, vẫn có công ty Nhật xem nhẹ tác động của việc dỡ tên Hàn Quốc khỏi danh sách hưởng ưu đãi. Ken Sasagawa làm việc tại Tokyo Electron, một hãng chuyên cung cấp máy móc bán dẫn cho Samsung và SK Hynix, nói rằng công ty không có gì đáng lo ngại. Đơn giản là Hàn Quốc bị hạ cấp xuống ngang với Đài Loan và Trung Quốc, Singapore. Trước đây họ vẫn giao máy cho các nước này kịp thời và chính xác, đủ số lượng cần thiết.

Những động cơ chính trị

Các chính trị gia Hàn muốn tranh thủ lấy điểm trước công chúng, vốn đang phát động tẩy chay Nhật Bản

Còn phía Hàn Quốc thừa nhận những đòn trả đũa này sẽ có tác động sâu rộng và mạnh mẽ đến nền kinh tế của họ. "Mặc dù hiểu rõ cần phải tháo gỡ những bất đồng, tránh thiệt hại kinh tế leo thang, nhưng các chính trị gia của Hàn Quốc lại đang khuyến khích luồng cảm xúc chống Nhật. Họ đặt cược điều này sẽ giúp củng cố uy tín trước đợt tổng tuyển cử vào năm tới". Cho Kuk, một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Moon cho hay. Trên Facebook cá nhân, ông viết rằng "sức mạnh quốc gia Nhật Bản đúng là xếp trên Hàn Quốc. Nhưng đừng sợ hãi. Sức mạnh của Hàn Quốc cũng đã phát triển đáng kể, lên đến mức không thể so sánh như hồi 1965, hiệp định hai nước được ký kết".

Cho viết đàm phán ngoại giao vẫn là giải pháp tốt nhất để kết thúc. "Nhưng nếu chúng ta không thể tránh khỏi tranh chấp về pháp lý và ngoại giao. Chúng ta nên chiến đấu và giành chiến thắng" - ông cổ cũ tinh thần người dân trước đàn áp kinh tế của Nhật. Chính phủ đã thành lập một tổ chức chuyên trách việc này, lấy tên "Ủy ban Đặc biệt về Cuộc xâm lăng kinh tế từ Nhật Bản", chỉ trích mạnh mẽ động thái của đối phương áp dụng chiến thuật "đánh bom tự sát" nhằm làm tổn thương nền kinh tế đất nước họ.

Một cuộc chiến là không thể tránh khỏi

Rõ ràng cả hai đều không thể hiện chút thiện chí nào cho khả năng hòa giải. Chuyên gia Friedhoff nói rằng nhà cầm quyền hai nước đã phạm sai lầm ngay từ đầu, khi để cuộc chiến diễn biến ngày một phức tạp. Nhưng giờ thì họ đã lún quá sâu đến mức không thể rút ra. Hậu quả để lại không thể lường trước được nữa.

Ambitious Man (theo Nikkei)

Chủ đề khác