VnReview
Hà Nội

Với "miếng bánh" khổng lồ game di động, ai cũng muốn có phần

Trên thực tế, ngành công nghiệp game đã nhận 9,6 tỷ USD đầu tư trong 18 tháng qua.

Đến cuối năm 2019, thị trường game toàn cầu dự kiến đạt giá trị 152 tỷ USD, trong đó 68,5 tỷ USD (tương đương 45%) đến từ game di động.

Với mức tăng trưởng cực kỳ lớn (10,2% so với năm ngoái), bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn giành lấy "miếng bánh" béo bở này. Trên thực tế, ngành công nghiệp game đã nhận 9,6 tỷ USD đầu tư trong 18 tháng qua. Cứ đà này, số tiền đầu tư trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ cao hơn 8 năm trước cộng lại.

Điều thú vị là tại sao game được quan tâm nhiều đến thế, và cách người ta đón nhận nó như thế nào.

Hiện tượng mới

Ngày nay, game di động chiếm 33% tổng số lượt tải ứng dụng, 74% chi tiêu từ người dùng smartphone và 10% thời gian sử dụng điện thoại. Ước tính trong năm 2019, lượng người chơi game di động sẽ đạt 2,4 tỷ người - tương đương gần 1/3 dân số thế giới.

Trên thực tế, một nửa người dùng điện thoại có chơi game. Đây là danh mục phổ biến ngang ngửa các ứng dụng nghe nhạc như Spotify hay Apple Music, chỉ đứng sau mạng xã hội về thời gian sử dụng.

Tại Mỹ, thời gian sử dụng điện thoại di động đã vượt qua TV khi người dùng dành nhiều hơn 8 phút mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Đến năm 2021, con số trên ước tính là 30 phút.

Khả năng tiếp cận của game với người dùng cũng rất cao. Từ những game cơ bản đến những trò chơi siêu dễ để tải, dễ chơi và chơi nhanh chóng, chúng thu hút rất nhiều người từ trẻ đến lớn.

Hiện nay, người chơi game trên di động có độ tuổi trung bình là 36,3 (so với 27,7 năm 2014), trong đó 51% là nữ, 49% là nam, độ tuổi 36-50 chiếm đến 1/3 - khá thú vị khi những người ở độ tuổi này thường có suy nghĩ không tốt lắm về game.

Với sự mở rộng về độ tuổi, khu vực địa lý, không có gì ngạc nhiên khi càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường game, không chỉ các công ty, cá nhân trong ngành mà còn từ thị trường tài chính truyền thống và chính phủ.

Hãy xem thị trường phản ứng ra sao với sự phát triển của game.

Đặt cược vào game

Trước hết là các nhà đầu tư lớn có tên tuổi trong lĩnh vực. Tencent của Trung Quốc đã đầu tư 90 triệu USD vào Pocket Gems và 126 triệu USD vào Glu Mobile (14,6% cổ phần). Hãng phát triển Supercell cũng đầu tư 5 triệu USD vào studio Redemption Games chuyên phát triển game di động. Boom Fantasy đã huy động 2 triệu USD từ ESPN. Gamelynx cũng được các nhà đầu tư "rót" 1,2 triệu USD, một trong số đó có Riot Games.

Gần đây nhất, Ubisoft đã mua 70% cổ phần của Green Panda Games để thâm nhập thị trường game casual (thể loại game cơ bản cho những người chơi bình thường).

Doanh thu ấn tượng

Ngoài khoản đầu tư lớn, game di động cũng đang tạo ra doanh thu khổng lồ. Từ khi phát hành, Pokémon Go đã mang về doanh thu 2,3 tỷ USD còn Fortnite có khoảng 250 triệu người chơi.

Điều đó đã thu hút sự chú ý của các tổ chức tài chính. Không chỉ đầu tư game, họ còn muốn nắm cổ phần để hỗ trợ ngành công nghiệp.

Tháng 5/2018, hãng game Voodoo đã công bố khoản đầu tư 200 triệu USD từ chi nhánh đầu tư của ngân hàng Goldman Sachs. Lần đầu tiên một hãng game di động nhận đầu tư từ một tổ chức tài chính lâu đời, uy tín. Sự bùng nổ của game di động casual và quy mô thị trường, mô hình kinh doanh cùng chi phí đầu tư thấp đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vốn không nằm trong lĩnh vực này. Điều đó giúp cơ hội phát triển của ngành game di động tăng lên rất nhiều.

Tháng 7/2018, công ty cổ phần tư nhân KKR đã mua 400 triệu USD cổ phần nền tảng quảng cáo di động AppLovin. Mới tháng trước, tập đoàn tư nhân Blackstone cũng công bố kế hoạch mua lại mạng quảng cáo di động Vungle với giá 750 triệu USD.

Không chỉ đầu tư trực tiếp vào game di động, nhà đầu tư còn chú ý đến các hãng cung cấp nền tảng, công nghệ cho game di động. Họ đang chú ý đến toàn bộ hệ sinh thái game di động nhờ sự bùng nổ trên toàn thế giới trong thời gian gần đây. Doanh thu dự kiến từ game di động trong năm 2019 là 55 tỷ USD, do đó sẽ không ngạc nhiên nếu "làn sóng" đầu tư tiếp tục diễn ra.

Sự hỗ trợ từ chính phủ

Không chỉ các doanh nghiệp, chính phủ cũng đang chú ý tiềm năng của game và có những động thái của riêng họ khi thành lập các quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp game địa phương, chính sách ưu đãi cho các studio để phát triển và duy trì sự sáng tạo, công nghệ và con người trong nước, thậm chí là các chương trình thu hút nhân tài nước ngoài.

Đơn cử như chương trình "Join the Game" của chính phủ Pháp khi quảng bá Pháp là "quê nhà" của nhiều hãng game nổi tiếng, chính sách giảm thuế, tài trợ từ khâu R&D, sản xuất đến tổ chức các sự kiện cộng đồng. Website của chương trình còn hướng dẫn chi tiết để các hãng bắt đầu xây dựng studio tại Pháp.

Tại hội nghị Game Developers Conference năm nay, Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh đã quảng bá quỹ đầu tư game của họ - cho rằng Vương Quốc Anh là "một trong những hệ sinh thái phát triển game mạnh nhất thế giới". U.K. Games Fund hỗ trợ giảm thuế cho cả các studio trong và ngoài nước.

Không chỉ chính phủ, kể cả Nữ hoàng Anh cũng quan tâm đến game. Năm 2008, David Darling, CEO hãng game Kwalee đã được phong danh hiệu Chỉ huy Đế chế Anh (CBE) với những đóng góp cho ngành công nghiệp game. Đây là danh hiệu cao thứ 3 mà Nữ hoàng có thể phong cho một công dân Anh.

Tại Đức, chính phủ đã chi 50 triệu Euro ngân sách năm 2019 để thành lập quỹ đầu tư game. Ở Thụy Điển, Sweden Game Arena là chương trình hỗ trợ sinh viên phát triển game trong các văn phòng, thiết bị do chính phủ tài trợ. Họ cũng được liên kết với các startup để nhận được hỗ trợ tốt hơn.

Sự hỗ trợ từ mọi phía

Sự phát triển của các khoản đầu tư dành cho game cho thấy đây là thị trường vô cùng thú vị và tiềm năng. Với giá trị ước tính đạt 250 tỷ USD vào năm 2023, chắc chắn game sẽ còn được quan tâm nhiều hơn trong tương lai.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác