VnReview
Hà Nội

Bên trong kế hoạch bí mật của Huawei phá vỡ chính sách cấm vận trong chiến tranh thương mại của Mỹ

Huy động các nhà cung ứng châu Á vào cuộc để tăng sản lượng, công ty Trung Quốc đã khiến các hãng công nghệ Mỹ phải bất ngờ.

huawei

Trong vài tuần đầu tiên của năm 2019, 20 kỹ sư từ Huawei Technologies đã đến một thị trấn ven sông tên Giang Âm, nằm ở phía đông Trung Quốc, để thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Họ liên hệ với các nhà máy thuộc "Công ty Công nghệ điện tử Giang Tô Trường Giang" - công ty được nhà nước hậu thuẫn, chuyên về đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất Trung Quốc – để nâng cấp cơ sở vật chất và cải thiện công suất của các nhà máy này trước đợt sản xuất lớn vào mùa thu.

"Những nhân viên Huawei này ở lại nhà máy 7 ngày/tuần, từ sáng đến tối, nghiên cứu và đánh giá mọi chi tiết… yêu cầu khắt khe rằng công ty địa phương cần đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu càng sớm càng tốt" – một lãnh đạo trong ngành công nghiệp chip nắm được tình hình liên quan cho biết. "Giống như họ đang chuẩn bị cho thời chiến vậy".

Trên toàn châu Á, các công ty trong ngành công nghiệp chip máy tính đều nhận được những thông điệp tương tự từ Huawei: hãy tăng năng suất, và chúng tôi sẽ mua sản phẩm của anh. Trong một thị trường toàn cầu đang trì trệ, Huawei đưa ra một cam kết không thể khước từ: công ty này đảm bảo sẽ duy trì tỷ lệ công suất sử dụng đến 80% trong vòng 2 năm tới đối với các nhà cung ứng hiện tại lẫn có tiềm năng.

Lo sợ sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu – con gái của nhà sáng lập và CEO Huawei, Nhậm Chính Phi – vào tháng 12/2018, đồng thời dự đoán trước được sự leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nhà Trắng, Huawei đã khởi động kế hoạch tách rời chính mình khỏi các nhà cung ứng Mỹ bằng cách hối thúc các công ty đối tác ở châu Á tăng tốc và mở rộng quy mô hoạt động.

Đến tháng 5, khi Mỹ công bố những chính sách hạn chế mới, ngăn cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến. Các công ty khác ở Trung Quốc cũng theo chân họ, sẵn sàng để đưa mảng bán sĩ khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ trong một chiến dịch có thể được xem là một cuộc "phi-Hoa-Kỳ-hóa" vĩnh viễn của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc.

"Chúng ta thấy một xu hướng rõ ràng trong đó các công ty Trung Quốc rời bỏ các nhà cung ứng Mỹ" – Scott Lin, phó chủ tịch WPG Holdings, nhà phân phối bán dẫn lớn nhất thế giới. "Suy cho cùng, không ai muốn bị đột ngột cắt đứt các nguồn cung ứng cả".

Hiện nay, khi các kế hoạch này đang dần vào guồng, Lin nói rằng "không còn đường lùi nữa"

Các dấu hiệu cảnh báo

Ông Nhậm, một cựu kỹ sư của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, sáng lập nên Huawei tại một thành phố công nghiệp phía Nam Thâm Quyến vào năm 1987. Từ một nhà sản xuất switch mạng khá nhỏ, công ty này đã phát triển thành hãng dẫn đầu thế giới về viễn thông và được xem là "nhà vô địch quốc gia" của Trung Quốc. Huawei hiện là nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hoạt động tại 170 quốc gia. Vào năm 2018, hãng đã vượt mặt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Huawei hiện có 194.000 nhân công, với mức lợi nhuận hàng năm hơn 105 tỷ USD – ngang ngửa với công ty mẹ của Google là Alphabet.

Tầm vóc của công ty biến họ thành một thị trường khổng lồ đối với các nhà cung ứng linh kiện và phần mềm. Ngân sách mua sắm thường niên của Huawei là khoảng 70 tỷ USD. Công ty chi ra 15 tỷ USD mỗi năm chỉ để mua sắm bán dẫn; trên thế giới chỉ có Apple và Samsung Electronics chi nhiều hơn thế. Vào năm 2018, hãng đã mua hơn 200 triệu màn hình và hàng trăm triệu ống kính máy ảnh.

Rất nhiều linh kiện trong số đó đến từ Mỹ. Trong năm 2018, Huawei mua sắm số hàng hóa trị giá 11 tỷ USD từ các nhà cung ứng Mỹ. Qualcomm, Intel, và Texas Instruments cung ứng cho Huawei nhiều loại chip; Skyworks Solutions và Qorvo cung cấp công nghệ tần số radio cao cấp; Synopsys và Cadence Design Systems cung cấp các công cụ thiết kế chip; Google và Microsoft cung cấp phần mềm. Xa hơn nữa trong chuỗi cung ứng, các công ty hóa chất như Applied Materials, Corning, 3M và Dow Chemical bán các sản phẩm của họ cho các doanh nghiệp khác nhằm giúp Huawei phát triển các tấm nền cao cấp và xây dựng bán dẫn.

Quy mô của Huawei, và mối liên hệ của họ với nhà nước Trung Quốc, từ lâu đã gây ra những quan ngại với chính phủ Mỹ. Công ty này có 3 gói thầu với các công ty công nghệ Mỹ bị ngăn cấm bởi chính phủ Mỹ vì lo ngại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia – 3Com vào năm 2008, bộ phận cơ sở hạ tầng không dây của Motorola vào năm 2010, và 3Leaf Systems vào năm 2011. Năm 2012, một bản báo cáo được đưa ra bởi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cáo buộc Huawei đang thực hiện hoạt động gián điệp đối với các doanh nghiệp Mỹ nhằm thu thập công nghệ tiên tiến. Tất nhiên, công ty Trung Quốc liên tục chối bỏ những cáo buộc này.

Tình hình leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng. Vào tháng 1/2018, nhà mạng lớn nhất tại Mỹ là AT&T đã hủy bỏ kế hoạch bán mẫu smartphone flagship Huawei Mate 10 sau các công bố của các nhà làm luật các cơ quan tình báo Mỹ rằng công ty Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ gián điệp. Cuôi năm đó, chính phủ ra sắc lệnh ngăn cấm mọi cơ quan công quyền, bao gồm cả quân đội, sử dụng các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất.

Vào tháng 5 năm nay, Nhà Trắng tiếp tục cắt đứt mọi mối liên hệ giữa Huawei với các nhà cung ứng Mỹ của hãng. Huawei đã bị đưa vào danh sách đen (Entity List) của Bộ Thương mại Mỹ, không được phép tiến hành giao dịch với các công ty Mỹ. Qualcomm, Micron Technology, Texas Instruments, Qorvo, Lumentum Holdings, Synopsys và Cadence Design Systems, cũng như Google – hãng sở hữu hệ điều hành Android mà Huawei đang sử dụng – đều xác nhận sẽ ngừng hợp tác với Huawei. Một vài hãng sau đó tiếp tục hợp tác nhưng rất hạn chế. Vào tháng 8, Bộ Thương mại đưa 46 công ty con của Huawei, bao gồm hơn 10 cơ sở nghiên cứu trọng điểm, vào danh sách đen. Những chính sách cấm vận của Mỹ được thiết kế để triệt hạ hoàn toàn khả năng cạnh tranh và cải tiến công nghệ của Huawei.

"Huawei đang nằm ở trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ Mỹ - Trung chủ yếu bởi những quan ngại rằng công ty này sẽ thống trị công nghệ không dây thế hệ tiếp theo trên toàn cầu" – Paul Triolo, giám đốc nghiên cứu địa kỹ thuật tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết.

Nếu kế hoạch của Mỹ nhằm mục đích trì hoãn tiến trình phát triển kỹ thuật của Huawei, có lẽ họ đã rơi vào thế "gậy ông đập lưng ông". Thay vì níu chân, Mỹ đã vô tình đẩy nhanh tham vọng phát triển công nghệ "cây nhà lá vườn" nhằm thay thế cho công nghệ từ Mỹ.

Huawei đã dự trù trước kế hoạch của Mỹ. Vào tháng 3/2016, chính phủ Mỹ đưa ZTE, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, vào Entity List, sau khi công ty này bị phát hiện ngó lơ lệnh cấm vận và bán trang thiết bị cho Iran. ZTE đã bị điều tra từ năm 2012, nhưng tình hình căng thẳng đã buộc Huawei phải tính toán một kế hoạch dự phòng thật hợp lý để đối phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Ngay khi bà Mạnh bị bắt tại Canada, công ty đã bắt đầu dự trữ các linh kiện quan trọng và tìm kiếm các nhà cung ứng mới.

huawei

Cuốn sách "Dedication: The Huawei Philosophy of Human Resource Management" được trưng bày tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến

Phi-Hoa-Kỳ-hóa

Trong nhiều năm trời, RichWave, một nhà sản xuất mô-đun front-end Wi-Fi (một linh kiện quan trọng của công nghệ viễn thông có trong các smartphone và các thiết bị khác) ít tiếng tăm của Đài Loan đã tìm cách liên hệ với Huawei. RichWave cạnh tranh với các đối thủ hùng mạnh hơn nhiều đến từ Mỹ, như Skyworks, Qorvo và Broadcom, tất cả đều từng thương thuyết thành công để bước chân vào chuỗi cung ứng của Huawei. Dù vậy, RichWave không thể được chứng nhận là một nhà cung ứng.

Mùa hè năm nay, công ty đột nhiên được Huawei bật đèn xanh. Hãng đã bắt đầu bán các sản phẩm cho Huawei vào tháng 8.

"Mối quan hệ của chúng tôi với khách hàng Trung Quốc này đơn giản là bỏ qua quy trình liên hệ kinh doanh truyền thống và nhảy thẳng vào thay thế các nhà cung ứng khác" – Kich Huang, quản lý của RichWave tại thị trường Trung Quốc cho biết. "Và chúng tôi không phải là công ty duy nhất hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này".

Quá trình Huawei tiếp cận với các nhà cung ứng Trung Quốc và trên khắp châu Á đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh Jiangsu Changjiang Electronics Technology, các công ty lắp ráp và thử nghiệm chip hàng đầu, bao gồm ASE Technology Holding, Siliconware Precision Industries, Powertech Technology và King Yuan Electronics đều nhận được những cú gật đầu từ Huawei nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất của họ tại Trung Quốc; điều tương tự cũng diễn ra với nhà sản xuất bo mạch điện tử Unimicron Techonolgy.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã được Huawei đề nghị sản xuất những con chip tùy biến mới với ý định thay thế chip từ Intel và Xilinx. Win Semiconductors, nhà sản xuất bộ khuếch đại công suất, các thành phần quang học, và các linh kiện tần số radio, đã nhận được lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều từ HiSilicon Technologies, công ty thiết kế chip của Huawei. MediaTek, nhà sản xuất chip di động lớn thứ 2 thế giới sau Qualcomm, và Murata Manufacturing của Nhật Bản cũng có các đơn hàng của riêng mình.

FIH Mobile - một công ty con của Hon Hai Precision Industry, được biết đến rộng rãi với tên gọi Foxconn – và BYD, một nhà sản xuất Trung Quốc, đã giành được những bản hợp đồng mới để lắp ráp smartphone cho Huawei. Nhà sản xuất chính trước đây của Huawei, công ty Flex trụ sở tại Mỹ, đã ngừng một số hoạt động giao dịch sau khi lệnh cấm của Mỹ đi vào hiệu lực.

Một số nhà cung ứng xác nhận rằng Huawei đã âm thầm chuẩn bị những công nghệ của riêng mình trong nhiều năm, nhưng chưa đưa chúng vào sử dụng trên quy mô lớn. Công ty đã thử nghiệm các linh kiện tần số radio của chính họ trong cả thập kỷ qua. Công ty Trung Quốc này đã bắt đầu đưa nhiều thiết kế trong số đó vào sản xuất đại trà vào mùa xuân năm 2019.

"Không phải như hầu hết người ngoài cuộc nghĩ – rằng Huawei chỉ bắt đầu phát triển các linh kiện tần số radio trọng yếu sau khi nguồn cung bị cắt đứt" – một vị lãnh đạo công nghệ biết việc nói – "Chất lượng và hiệu năng có thể không bằng 100% so với hàng của Skyworks; nhưng chúng hoạt động được, và có lẽ người dùng sẽ không nhận ra khác biệt quá lớn".

Nhiều nhà cung ứng hạng hai và ba, trước đây không hề có cơ hội bước vào chuỗi cung ứng của Huawei, nay đã được trao cho cơ hội chỉ có một trong đời để leo lên "nấc thang lên thiên đường" – theo lời Roger Sheng, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu tại công ty tư vấn Gartner ở Thượng Hải. Quá trình rời bỏ các nhà sản xuất Mỹ có thể tiếp tục sau cuộc chiến thương mại, ông nói thêm: "Ngay cả nếu sau này Mỹ cho phép Huawei sử dụng các linh kiện Mỹ, tình hình sẽ không bao giờ trở lại như ngày xưa, như chưa có gì từng xảy ra".

Phong trào "Phi-Hoa-Kỳ-hóa" đang lan rộng tại Trung Quốc. Năm nay, Xiaomi, một nhà cung cấp smartphone hàng đầu khác, đã đầu tư vào nhiều công ty sản xuất chip trong nước, bao gồm startup chip Bluetooth và âm thanh Bestechnic, và nhà cung cấp dịch vụ thiết kế VeriSilicon Holdings. Alibaba Group Holding cũng tiết lộ nền tảng chip trí tuệ nhân tạo của riêng mình, dựa trên công nghệ mã nguồn mở, vào tháng 7 năm nay.

"Huawei là trường hợp hiển nhiên nhất. Nhưng họ không phải là ngoại lệ" – Lin nói.

Tác động thực tế

Ngay cả khi đã chuẩn bị, Huawei vẫn bị ảnh hưởng bởi các đợt tấn công của Mỹ nhằm vào chuỗi cung ứng và lực lượng khách hàng của hãng. Mỹ đã kêu gọi các đồng minh tìm cách hạn chế các thị trường của Huawei, và những luồng thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện đã gây ra những ảnh hưởng không thể tránh khỏi đến hoạt động kinh doanh của công ty Trung Quốc. Ông Nhậm cho biết ông dự báo lợi nhuận của công ty sẽ giảm 30 tỷ USD trong năm nay. Huawei đã phải rút gần như hoàn toàn khỏi thị trường Mỹ, trong khi số smartphone xuất sang thị trường châu Âu giảm đến 16% trong quý II.

Dù doanh số ở nước ngoài bị ảnh hưởng, Huawei đã cho thấy sự kiên cường đáng ngạc nhiên. Arisa Liu, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, nói rằng: "Washington vẫn có thể đưa ra những phương thức kiểm soát mới, chặt chẽ hơn. Nếu điều này kéo dài, một số dự án của Huawei vẫn sẽ bị trì hoãn và quá trình phát triển công nghệ của họ sẽ bị chậm lại. Nhưng họ sẽ không chết hay sụp đổ".

Có lẽ câu hỏi lớn nhất mà công ty phải giải quyết là về phần mềm sử dụng trên điện thoại. Hệ điều hành Android của Google hiện nắm giữ 80% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu, và đang được sử dụng bởi Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, và LG Electronics. Lượng người dùng khổng lồ này đã tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng di động khổng lồ không kém, và các dịch vụ mà Google cung cấp cùng Android – Google Play, Gmail, YouTube, và Google Maps – là những yếu tố chính thu hút người dùng.

Không có giấy phép từ chính phủ Mỹ, các smartphone mới được Huawei ra mắt sau lệnh cấm có thể sẽ không được sử dụng các dịch vụ di động của Google.

Hồi tháng 8, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành "Harmony" của chính mình. Dù hãng cho biết họ sẽ ưu tiên sử dụng Android trên điện thoại nếu được phép, nhưng hãng cũng khẳng định các nhà phát triển ứng dụng di động có thể xây dựng các ứng dụng trên hệ điều hành mới một cách vô cùng đơn giản, và sẽ "chỉ mất từ 1 đến 2 ngày" để chuyển từ Android sang Harmony nếu cần thiết.

Harmony ban đầu được dự định sẽ xuất hiện trên các TV/đồng hồ/loa thông minh, chứ không phải các thiết bị di động – điều này khiến các chuyên gia quan sát thị trường nhận định quá trình thay thế Android có lẽ không đơn giản như Huawei nói. Tại triển lãm điện tử IFA 2019 vừa diễn ra ở Berin, lãnh đạo mảng tiêu dùng của Huawei là Richard Yu đã cho biết hãng có thể giới thiệu một phiên bản smartphone chạy Harmony cùng với flagship P40, dự kiến được công bố vào tháng 3 năm sau.

Huawei biết họ cần một hệ sinh thái dịch vụ để có thể giúp Harmony phát triển, và có thông tin hãng sẽ đầu tư 1 tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng trên nền tảng của mình.

Một số nhân viên Huawei nhận thức được khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện. "Chúng tôi đã được chuẩn bị đầy đủ cho những thời điểm khó khăn, khi chúng tôi cần phải dùng đến hệ điều hành của riêng mình" – một nhà quản lý của Huawei nói. "Một hệ điều hành thực sự cần một lượng người dùng lớn, và cần có thời gian để thu thập phản hồi và gỡ lỗi mới có thể hoạt động mượt mà được. Chúng tôi tin rằng mọi nhà phát triển Trung Quốc sẽ đứng về phía mình, nhưng sẽ mất từ 1 đến 2 năm để hệ sinh thái này phát triển thịnh vượng".

Người tiêu dùng trong nước có thể sẽ kiên nhẫn, nhưng mất quyền sử dụng các dịch vụ của Google có thể khiến tham vọng smartphone toàn cầu của Huawei gánh chịu những tác động thực sự. "Không có Android và các ứng dụng phổ biến, nhiều khả năng Huawei sẽ buộc phải trở thành ‘Huawei của Trung Quốc' thay vì ‘Huawei toàn cầu' đầy sức mạnh như bản thân họ hiện nay" – một lãnh đạo công nghệ nói.

huawei

Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018

Tự hào dân tộc

Một yếu tố không thể chối cãi đằng sau sự kiên cường của Huawei là sự ủng hộ mà họ nhận được từ chính phủ Trung Quốc. Tên gọi của công ty này có nghĩa là "Trung Quốc có thể làm được", và việc bảo vệ công ty khỏi những mối đe dọa từ nước ngoài được xem là một dự án quốc gia cũng là điều dễ hiểu.

Đối mặt với chiến tranh thương mại, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển sang mua hàng hóa trong nước. Thị phần của Huawei trong thị trường smartphone quốc nội đã tăng lên mức cao kỷ lục 38% trong quý II/2019.

Trung Quốc đã chuyển giai đoạn cấp phép sử dụng mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) sang tháng 6, đẩy nhanh tiến trình triển khai công nghệ 5G để tạo đà tăng tốc cho Huawei, vốn là công ty đảm nhiệm cung cấp phần lớn cơ sở hạ tầng cho mạng thế hệ mới. Và chính phủ Trung Quốc có kế hoạch công bố danh sách đen của riêng mình – có thể xem là một lời cảnh báo đến các công ty toàn cầu rằng đừng dại mà cắt nguồn cung ứng của Huawei.

Công ty kho vận Mỹ FedEx hiện nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh, sau khi bị cáo buộc gửi những kiện hàng chứa trang thiết bị của Huawei đến…nhầm địa điểm, đồng thời lưu giữ hơn 100 lô hàng liên quan đến Huawei thay vì gửi chúng sang Trung Quốc.

Bản thân ông Nhậm từng nói rằng ông mong chính phủ không chùn bước trong cuộc chiến thương mại, ngay cả khi Huawei đang bị giữ làm con tin. Trong bất kỳ trường hợp nào, Bắc Kinh cũng sẽ không xem công ty này như một quân cờ thương; thuyết. Các nhà quan sát thị trường và lãnh đạo các công ty công nghệ nói rằng thành công của Huawei đã giúp gây dựng nền móng cho tham vọng trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc; hãng này quá lớn, không thể gục ngã được.

"Họ là công ty công nghệ thành công nhất Trung Quốc xét về lợi nhuận, về công nghệ, và về tổ chức. Họ là niềm tự hào dân tộc" – Jonah Cheng, giám đốc đầu tư tại J&J Investment, và là cựu phân tích công nghệ tại UBS, cho biết. "Đối với hầu hết người Trung Quốc, tấn công Huawei chính là nỗ lực của Mỹ nhằm tận diệt cả Trung Quốc… Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và không cho phép Huawei sụp đổ".

Minh.T.T (nguồn Nikkei)

Chủ đề khác