VnReview
Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp Nhật vẫn bất chấp làm ăn với Huawei, có cả Sony, Panasonic

Mỗi năm Huawei mua hơn 6 tỷ USD tiền thiết bị, linh kiện Nhật. Bất chấp sự quan ngại của giới chức cầm quyền, các công ty như Sony và Panasonic vẫn duy trì quan hệ làm ăn với Huawei.

Linh kiện Nhật chiếm phần nhiều nhất trong chiếc P30 Pro của Huawei.;

Mặc dù nhận thức rõ rủi ro khi làm ăn với Huawei, nhưng các doanh nghiệp Nhật vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng để tạm dừng hoặc cắt đứt quan hệ với một khách hàng lớn. Theo Nikkei, khảo sát với 50 doanh nghiệp lớn cho thấy khoảng 80% cho biết vẫn cố giao dịch với Huawei, bất chấp những hạn chế thương mại của Mỹ với công ty Trung Quốc. Những công ty vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh gồm có Sony, Panasonic, TDK, Kioxia (trước đây là Toshiba Memory). Con số thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều bên từ chối phản hồi khi được hỏi.

Lợi ích kinh tế đem lại từ Huawei quá lớn, khiến nhiều doanh nghiệp Nhật bất chấp

Nguyên nhân chủ yếu do lợi ích kinh tế mà Huawei đem lại quá lớn. Họ đang là hãng thiết bị viễn thông lớn nhất, ký kết nhiều hợp đồng 5G trên toàn cầu, cũng như là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Giá trị mua sắm linh kiện, thiết bị Nhật trong một năm của Huawei đạt 6,48 tỷ USD, là khách hàng lớn của nhiều công ty. "Tất nhiên chúng tôi muốn bán cho họ càng nhiều càng tốt, nếu họ yêu cầu thêm", giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện cho biết.

Lấy ví dụ là Sony. Công ty Nhật đang là hãng cảm biến hình CMOS lớn nhất thế giới, với phân khúc cảm biến dành cho smartphone chiếm 70% thị phần. Huawei và Apple đều là hai khách hàng lớn, trong đó riêng Huawei chiếm khoảng 16-20% doanh thu cảm biến của Sony hàng năm. Tổng doanh thu từ đơn vị này ước tính khoảng 800 tỷ yên, do vậy 20% là con số rất đáng kể. Về cơ bản, lệnh cấm vận từ Washington áp dụng cho các sản phẩm có từ 25% giá trị chất xám trở lên thuộc về công nghệ Mỹ. Sony đã xác định cảm biến hình ảnh của họ không nằm trong phạm vi này.

Huawei chiếm khoảng 16-20% doanh thu hàng năm của Sony từ việc bán cảm biến hình ảnh

Tương tự, Panasonic, Murata, Nidec, Japan Display bán rất nhiều linh kiện điện tử, tấm nền cho Huawei. Nhưng họ cũng xác nhận giống Sony, các sản phẩm giao dịch không thuộc phạm vi cấm của chính phủ Mỹ. Do vậy việc kinh doanh vẫn tiếp tục mà không bị gián đoạn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác đã từ chối ký những đơn hàng lớn với Huawei, hoặc từ bỏ việc đàm phán hợp đồng.

Theo báo cáo, có một đơn vị đã từ chối kinh doanh với Huawei mặc dù sản phẩm của họ không thuộc diện cấm giao dịch. Đây là một đơn vị sản xuất linh kiện điện thoại, chấp nhận từ bỏ dù việc đàm phán khả thi. Một đơn vị khác cũng được Huawei tiếp cận để đề nghị bán các thành phần dùng cho smartphone trong vòng một năm. Nhưng cuối cùng đã từ chối bởi lo ngại thu hút sự chú ý của chính quyền Mỹ. Nhà mạng NTT Docomo cũng từ chối nhập smartphone 5G của Huawei, tuy nhiên vẫn duy trì giao dịch với thiết bị 4G.

Ambitious Man

Chủ đề khác