VnReview
Hà Nội

Samsung hạ quyết tâm đánh bại cảm biến hình ảnh Sony

Công ty Hàn Quốc đang tăng tốc tối đa để có thể bắt kịp và vượt qua đối thủ Nhật Bản ở thị trường cảm biến cho smartphone.

Để có thể đạt được mục tiêu khó khăn này, Samsung đang thực thi chiến lược kép. Một mặt, họ đẩy mạnh chi tiêu R&D để tung ra nhiều sản phẩm tiên tiến, đi trước Sony về công nghệ. Mặt khác, hãng cố gắng đưa ra mức giá cạnh tranh hòng lôi kéo thêm nhiều khách hàng, đặc biệt là những hãng đang chuộng cảm biến Sony. Họ mong muốn có thể tăng thật nhiều thị phần để trở thành cái tên dẫn đầu vào năm 2030, vượt mặt Sony.

Samsung mong muốn tăng thị phần để vượt mặt cảm biến hình ảnh Sony

Samsung đang cố ký kết càng nhiều càng tốt các hợp đồng với các hãng smartphone. Ví dụ gần đây, LG Electronics đã bất ngờ sử dụng cảm biến ISOCELL của Samsung thay vì Sony IMX. Cả hai đã đối đầu nhau suốt nhiều năm trên nhiều mặt trận, từ TV, màn hình, tủ lạnh, máy giặt cho đến smartphone. Mới đây nhất là tranh cãi về chất lượng TV 8K và cái tên "TV QLED" bị LG tố "gây hiểu nhầm cho khách hàng".

Theo báo cáo của Jongaang Daily, bất chấp những bất hòa dai dẳng đó, mẫu smartphone màn hình kép V50S đã tích hợp cảm biến của Samsung. Đó là ISOCELL Bright GD1 32MP, thay vì Sony và SK Hynix như mẫu smartphone hai màn hình tiền nhiệm. Việc này đã được cả Samsung lẫn LG xác nhận. LG nói cảm biến trên V50S do Samsung cung cấp giúp thu sáng tốt hơn so với loại trên V50.

LG ra mắt V50S ThinQ đầu tháng Chín vừa qua, sử dụng cảm biến hình ảnh Samsung;

Bên cạnh việc lôi kéo được LG, Samsung cũng đã xây dựng quan hệ kinh doanh với Xiaomi và Oppo, vốn là hai khách hàng thân thiết của Sony. Công ty tung ra cảm biến 64MP và 108MP, vượt xa con số 48MP trước đó ghi nhận trên camera smartphone. Xiaomi và Oppo là hai hãng đầu tiên sử dụng các cảm biến này, khiến cuộc chạy đua số ống kính và số megapixel trên camera smartphone thêm phần gay cấn. Samsung kỳ vọng sẽ tăng thêm thị phần nhờ các khách hàng mới này.

Theo IHS Markit, thị phần cảm biến hình ảnh cho smartphone của Sony đang là 51,1%, dẫn đầu thị trường trong quý 1 năm 2019. Theo sau là Samsung 17,8%, OmniVision 13,5% và ON Semi 5,7%, SK Hynix 2,7%. Còn theo một báo cáo mới đây của Counterpoint, 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận Sony chiếm 57,2% thị phần cảm biến di động (không bao gồm cảm biến 3D) còn Samsung là 27,8%. Nhìn chung, công ty Hàn Quốc còn một chặng đường dài để có thể đạt tới mục tiêu lật đổ vị thế cảm biến Sony.

Thị phần cảm biến hình ảnh di động nửa đầu năm 2019, không bao gồm cảm biến 3D

Theo IHS Markit, một trong những lợi thế lớn của Sony để bảo toàn ngôi vị thống trị chính là năng suất làm việc. Các nhà máy sản xuất của họ có thể xử lý 110 ngàn tấm wafer 12 inch mỗi tháng, Samsung chỉ là 60 ngàn còn OmniVision khoảng 50 ngàn. Do công suất áp đảo gấp hai lần như vậy, Sony có thể đáp ứng nhiều đơn hàng và khối lượng cảm biến cho ra lò cũng nhiều hơn đối thủ. Đây là mấu chốt hàng đầu để Samsung hoặc Sony chiếm được vị trí số 1 về cung cấp cảm biến.

Samsung đang cố gắng vượt mặt về tiến bộ công nghệ bằng cách tung ra nhiều mẫu cảm biến đi trước. Họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt cảm biến 18MP từ tháng Tám, giới thiệu cảm biến 64MP và 108MP, ra mắt cảm biến có cỡ điểm ảnh nhỏ nhất hiện nay 0.7 micron. Tất cả chúng đều là sản phẩm đầu tiên trong ngành, và đều đi vào sản xuất trong năm nay. Các chuyên gia nói đây là những bằng chứng rõ nét cho thấy quyết tâm đánh bại công nghệ Nhật Bản của Samsung.

Sony không chỉ cung cấp cảm biến hình ảnh cho smartphone mà còn nhiều ứng dụng khác tinh vi hơn

Tuy vậy, thực tế Samsung vẫn chỉ đang nhắm vào phân khúc màu mỡ nhất là cảm biến hình ảnh cho smartphone. Trong khi Sony không chỉ thâu tóm phân khúc này từ trước mà còn có mặt ở nhiều phân khúc khác. Ví dụ cảm biến cho máy ảnh từ crop, full-frame cho đến medium format. Cảm biến trên drone, camera hành động, camera giám sát an ninh,... Mới đây, còn tung ra cảm biến dùng cho máy móc công nghiệp, mỗi đơn vị có giá ngang với một chiếc iPhone đời mới nhất.

Ambitious Man

Chủ đề khác