VnReview
Hà Nội

Từng tuyên bố không cần thiết, nay Google lại mang những tính năng này lên Pixel

Gã khổng lồ tìm kiếm rốt cuộc cũng giống như bao hãng khác mà thôi…

google

Với Pixel 4, Google cuối cùng cũng trang bị cho điện thoại của mình hệ thống camera kép. Phát biểu trên sân khấu tại sự kiện ra mắt, Marc Levoy giải thích quyết định này theo cách khá đơn giản: "Một số chủ thể ở xa hơn bạn nghĩ, nên để chụp ảnh từ xa phải có ống kính telephoto".

Một điều có vẻ hiển nhiên đến lạ lùng, nhưng Levoy buộc phải nói từng từ bởi cho đến tận năm ngoái, Google vẫn khăng khẳng điện thoại của mình chỉ cần một camera sau là đủ. Trong bài phỏng vấn với trang Wired, một trong những quản lý sản phẩm của Google đã nói rằng ống kính thứ hai là không cần thiết bởi sự xuất sắc của công ty trong lĩnh vực học máy (machine learning). Pixel 3 được trang bị một tính năng gọi là "Super Res Zoom", sử dụng một loạt các bức ảnh chụp liên tục để tăng độ phân giải khi bạn zoom vào; do đó không cần ống kính telephoto. Về phía Apple, hãng này đã thêm camera thứ hai với ống kính telephoto cho iPhone từ hai năm trước.

"Một số chủ thể ở xa hơn bạn nghĩ, nên để chụp ảnh từ xa phải có ống kính telephoto"

Google không phải là hãng duy nhất chê bai những tính năng của một sản phẩm đối thủ, để rồi không lâu sau đó mang chúng lên sản phẩm của chính mình. Xét trên một khía cạnh nhất định, đó đơn giản là hiện thực của vòng xoáy marketing sản phẩm. Ấy thế nhưng nó cũng dẫn đến một vài khoảnh khắc đáng nhớ.

Một ví dụ là chiếc Pixel đầu tiên, ra mắt một tháng sau khi Apple gây tranh cãi vì loại bỏ jack headphone trên iPhone 7. Trong đoạn trailer Google sử dụng để công bố Pixel, hãy chú ý đến giây thứ 48.

Đó là một cú "cà khịa" nhỏ nhưng thú vị. Rồi một năm sau, Google bỗng đổi ý, loại bỏ jack headphone 3.5mm trên Pixel 2, qua đó phạm đúng tội lỗi mà hãng đã móc mỉa Apple trước đó.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra khi Marc Levoy khẳng định Pixel 1 không cần ổn định hình ảnh quang học (sau đó Pixel 2 được trang bị tính năng này), hoặc khi Google tuyên bố Pixel 1 không có cụm camera lồi (và "quả báo" đến trên Pixel 2, 3 và 4).

Google không phải là công ty duy nhất âm thầm đi ngược lại các chiến dịch marketing trước đây khi công bố một sản phẩm mới. Apple thậm chí còn nổi tiếng hơn về điều đó. Ví dụ, vào năm 2010, Steve Jobs nói "nếu bạn thấy một cây stylus, thì sản phẩm đó bỏ đi được rồi", và 5 năm sau, Apple công bố chiếc Apple Pencil. Apple còn nói họ không thấy giá trị của một chiếc iPod màn hình lớn có thể xem video và lướt web, NFC hay sạc không dây, và bạn biết chuyện gì xảy ra rồi đấy.

Tương tự, khi chiếc phablet Galaxy Note của Samsung bắt đầu thâu tóm thị trường, Apple tuyên bố iPhone ưu việt hơn bởi chúng có thể dễ dàng được dùng bằng một tay – thứ "thiết bị ma thuật chúng ta đều có, được gọi là một ngón cái đối nghịch theo chiều ngang". Đó là một triết lý thiết kế đã bị chính Apple ngó lơ trong thời đại của những chiếc iPhone Plus và Max.

Về phía Samsung, công ty này từng chọc ngoái tai thỏ của iPhone X năm 2017, để rồi tung ra những mẫu điện thoại với màn hình tai thỏ một năm sau đó. Và bạn còn nhớ đoạn quảng cáo Note 9 chê bai iPhone không có jack headphone không? Note 10 chính là mẫu flagship đầu tiên của Samsung không có jack này.

google

Đôi lúc có những lý do chính đáng khiến một công ty thay đổi chính kiến, như vào năm 2017 khi Microsoft nói rằng kết nối USB-C chưa sẵn sàng để được trang bị cho các laptop chính thống. Lý do hãng đưa ra là vì người dùng dễ nhầm lẫn và hệ sinh thái phụ kiện USB-C vẫn chưa đủ "trưởng thành". Nói vậy, nhưng họ cũng dần đưa cổng USB-C lên một số ít thiết bị. Và như bạn đã biết, các thiết bị Surface năm nay cuối cùng đều đã được trang bị cổng kết nối này.

Điều tương tự cũng diễn ra với sự ra đi của jack headphone. Khi Apple dũng cảm loại bỏ jack này trên iPhone 7, headphone không dây vẫn chưa phổ biến. Quyết định này được xem là khá thô lỗ khi mà để "bù đắp" cho việc không có jack headphone, Apple bắn cho bạn một cặp AirPods không dây giá 159 USD. Đến hiện tại, nhiều người vẫn than vãn về sự vắng mặt của jack headphone, nhưng headphone không dây đã tràn ngập thị trường, và tình hình đã không còn quá tệ như xưa nữa.

Năm nay, Google khẳng định hãng không cần camera góc rộng

Đôi lúc, có những lý do hợp lý để trì hoãn những thay đổi về phần cứng. Có thể chúng quá đắt để sản xuất ở quy mô mà một công ty mong muốn, đẩy giá sản phẩm vượt mức người tiêu dùng sẵn sàng mua. Có thể công nghệ mới đòi hỏi quá nhiều năng lượng, quá kén người dùng, hay đơn giản là quá chèn ép người dùng và trông thật ngớ ngẩn. Đôi lúc thị trường thay đổi quá nhiều so với tầm nhìn ban đầu, khiến những giả định xưa kia không còn phù hợp nữa. Đó đều là những lý do hợp lý. Nhưng để thừa nhận chúng thì không vui chút nào.

Các công ty biết rằng mỗi lần công bố sản phẩm là một ván game, và chúng ta ai chẳng muốn xem các tỷ phú công nghệ xâu xé lẫn nhau? Lộ trình sản phẩm phải được cân đo đong đếm qua nhiều năm, không phải nhiều tháng. Khi một công ty đứng trên sân khấu chê bai thiết kế của người khác, họ đều hiểu "cười người hôm trước hôm sau người cười". Nhưng sau tất cả, thứ họ muốn là bán được những chiếc điện thoại mới toanh vừa ra mắt.

Năm nay, camera góc rộng "xui xẻo" lọt vào danh sách những tính năng Google nói không cần thiết, dù hàng triệu người cho biết chúng khá hữu dụng và chẳng phần mềm nào mang lại được thứ mà chúng mang lại cả. Một tháng trước, Apple tập trung nói về những lợi ích của ống kính góc rộng mới họ vừa thêm vào iPhone 11, nhưng hôm thứ 3 vừa qua, Google nói họ nghĩ điều ngược lại. "Dù góc rộng có thể vui đấy, nhưng chúng tôi nghĩ telephoto quan trọng hơn" – Levoy nói. Xét những gì Google từng làm, tuyên bố của Marc Levoy về camera góc rộng nhiều khả năng chính là lời đảm bảo rằng Pixel 5 sẽ có ống kính này.

Câu hỏi duy nhất lúc này là tính năng nào sẽ bị Google đưa vào "sổ đen" trong năm sau?

Minh.T.T (Tham khảo The Verge)

Chủ đề khác