VnReview
Hà Nội

Transsion, hãng điện thoại Trung Quốc chẳng ai biết đến, đang “làm mưa làm gió” ở châu Phi

Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi ngày càng có nhiều hãng sản xuất khác cũng đang tìm cách giành được một chỗ đứng tại "lục địa đen".

Chuyện lạ về hãng điện thoại Trung Quốc 'vô danh' đánh bại Apple, Samsung để thống trị châu Phi

Trong khi các thương hiệu công nghệ của Trung Quốc như Huawei và Xiaomi vẫn đang "gây bão" tại nhiều thị trường toàn thế giới, thì không biết tự khi nào người dân sinh sống tại châu Phi đã trở nên say mê với một thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc ít "tên tuổi" hơn, có tên là Transsion.

Câu chuyện về Transsion gắn liền với câu chuyện cuộc đời của Zhu Zhaojiang, hồi năm 1996 còn là một sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập Ningbo Bird, một thương hiệu điện thoại nổi tiếng của Trung Quốc thời bấy giờ. Lúc đó, ông phụ trách việc kinh doanh sản phẩm máy nhắn tin.

Sau khi vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của Ningbo Bird, trở thành Phó Tổng Giám đốc của công ty này vào năm 2003 (lúc bấy giờ vẫn đang ở thời kỳ đỉnh cao), Zhu đã thúc đẩy công ty mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Với tầm nhìn đó, ông đã đặt chân đến hơn 90 thị trường, theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc, mở đường cho việc thành lập Transsion tại Hong Kong vào năm 2006.

Mười hai năm sau, Transsion hiện là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ tư thế giới. Công ty đã giao tổng cộng 124 triệu thiết bị cầm tay đến tay các khách hàng vào năm 2018, theo số liệu từ công ty theo dõi dữ liệu IDC. Hơn 70% trong số đó là các thiết bị điện thoại di động cơ bản có kết nối Internet ở mức độ đơn giản nhất. IDC cho biết Transsion chỉ xếp sau Samsung Electronics, Apple và đối thủ đồng hương là Huawei Technologies về lượng máy bán ra trong năm ngoái, IDC cho biết.

Một cột mốc khác mà công ty này đạt được vào ngày 30 tháng 9, khi cổ phiếu Transsion chính thức được giao dịch trên Thị trường Ngôi sao (Star Market), một sàn chứng khoán Trung Quốc tương tự như Nasdaq. Cổ phiếu của hãng khi chốt phiên giao dịch đầu tiên đã tăng 64% giá trị, được định giá 46,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,48 tỷ USD). Cổ phần của Zhu, hiện mới 45 tuổi, có giá trị lên đến hơn 6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 847,35 triệu USD), đạt tỷ lệ sở hữu gần 14%.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này muốn sử dụng 4,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 649,58 triệu USD) được huy động từ thị trường để xây dựng các nhà máy và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trùng Khánh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Được mệnh danh là "vua điện thoại di động" ở châu Phi, Transsion đã thiết lập một hệ sinh thái trên "lục địa đen", bao gồm gần như tất cả mọi thứ mọi thứ, từ phần cứng đến phần mềm, cùng các dịch vụ hậu mãi. Transsion sở hữu các thương hiệu điện thoại di động Tecno, Itel và Infinix, thương hiệu phụ kiện kỹ thuật số Oraimo, thương hiệu điện tử và thiết bị gia dụng Syinix, cùng công ty dịch vụ hậu mãi Carlcare.

Transsion cũng đã phát triển các hệ điều hành di động và ứng dụng khác nhau phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương. Lấy Boom player làm ví dụ. Đây là nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn nhất ở châu Phi, với cơ sở dữ liệu gồm hơn 300.000 bản hit của 4.200 nghệ sĩ châu Phi.

"Trong quá khứ, Samsung và Nokia là những thương hiệu điện thoại chính ở châu Phi, nhưng thông số kỹ thuật của các sản phẩm điện thoại của họ đã được chuẩn hóa tại tất cả các thị trường trên thế giới", Yan Qi, người chuyên theo dõi các diễn biến của ngành công nghiệp di động cho biết trong một bài viết trên trang tin 36Kr. "Nhưng Transsion đã thách thức vị thế của hai công ty trên, bằng cách tung ra các sản phẩm "đánh trúng" các nhu cầu của người Châu Phi, cải thiện trải nghiệm người dùng của họ và với các tính năng đặc sắc giúp sản phẩm của Transsion nổi bật hơn hẳn so với các hãng khác."

Transsion được biết đến với một loạt các tính năng được thiết kế dành riêng cho người dân châu Phi. Chẳng hạn, điện thoại của hãng này có các thiết lập chụp ảnh ban đêm được thiết kế để chụp được tông màu da tối của người châu Phi. Một số dòng máy khác được trang bị nhiều khe cắm thẻ SIM giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà mạng di động khác nhau để tiết kiệm chi phí.

Một số đặc điểm mới lạ khác của những chiếc điện thoại đến từ Transsion gồm tính năng bảo vệ thiết bị điện tử chống lại nguồn nhiệt cao (do khí hậu châu Phi thường rất nóng) cùng những viên pin có dung lượng lớn. Chẳng hạn, tại các quốc gia như Nigeria, Nam Phi và Ethiopia, nguồn cung điện thường không ổn định, khiến trong một số trường hợp, người dân không thể sạc điện thoại của họ trong nhiều giờ, theo kênh truyền hình CNN của Mỹ.

Ngoài ra, giá bán là một lợi thế khác của những chiếc điện thoại mang thương hiệu Transsion. Năm ngoái, Transsion bán những mẫu điện thoại cơ bản (ở Việt Nam quen gọi là điện thoại "cục gạch") với giá trung bình 66 nhân dân tệ (khoảng 217 nghìn đồng); còn điện thoại thông minh là 454 nhân dân tệ (khoảng 1,49 triệu đồng), theo thông tin được niêm yết.

Những chiến lược kể trên đã hoàn toàn "thu phục" người tiêu dùng châu Phi. Transsion đang chiếm gần 50% thị phần thiết bị cầm tay (gồm các dòng điện thoại thông minh và điện thoại cơ bản) được bán ra tại lục địa này vào năm ngoái, theo dữ liệu từ IDC. Samsung đứng thứ 2 với tỷ lệ 10%, trong khi HMD Global (công ty sở hữu Nokia) đứng thứ ba với 7% thị phần.

Sự phát triển nhanh chóng của Transsion đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, những thế lực "chống lưng" về tài chính cho Transsion bao gồm Quỹ Tài sản có chủ quyền GIC (Singapore), công ty game lớn thứ hai của Trung Quốc NetEase, cùng Hongtai Fund và Maison Capital.

"Transsion đã phát hiện ra tiềm năng của châu Phi ở giai đoạn rất sớm và từ đó đã đầu tư rất nhiều nỗ lực vào thị trường này. Cam kết lâu dài và bí quyết kinh doanh của công ty này rất khó để các thương hiệu khác có thể vượt qua", Cui Wenli, một trong số các đối tác sáng lập của quỹ Maison Capital phát biểu và được kênh truyền thông địa phương Private Equity Daily dẫn lại.

Mặc dù vậy, công ty cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Transsion cho biết các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Lyf đến từ Ấn Độ, cũng đang bán các thiết bị giá rẻ tại thị trường châu Phi. Trong khi đó, các đối thủ "sừng sỏ" tại Trung Quốc như Huawei và Xiaomi cũng đang tăng cường nỗ lực của họ ở châu lục này, nơi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh hiện chỉ ở mức 34% và dự kiến sẽ tăng lên 67% vào năm 2025.

Thiếu bằng sáng chế cũng là một vấn đề gây đau đầu với các lãnh đạo Transsion. Công ty cho biết họ đã nhận được thông báo về một vụ kiện từ Huawei do vi phạm sở hữu trí tuệ, và bị yêu cầu đòi bồi thường 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,82 triệu USD).

Huawei cho biết họ sở hữu bản quyền một thiết kế hình nền được cài đặt sẵn trên các thiết bị di động của Transsion, đồng thời Transsion cũng đã sử dụng thiết kế này trong các sự kiện phát hành sản phẩm, trang web và quảng cáo của ôcng ty. Trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán, Transsion chỉ cho biết việc kinh doanh 6 mẫu điện thoại có khả năng bị ảnh hưởng bởi vụ kiện này.

Công ty cũng đã tìm cách giảm thiểu áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu khác bằng cách mở rộng hoạt động kinh doanh đến các quốc gia và khu vực mới, bao gồm Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Đông Nam Á. Và mặc dù báo cáo của Transsion cho biết thương hiệu này đã hiện diện tại hơn 70 thị trường, nhưng Châu Phi vẫn chiếm đại đa số, tương đương khoảng 80% tổng doanh thu hàng năm của Transsion. Các nhà phân tích cho biết Transsion sẽ cần phải tăng tốc độ đa dạng hóa.

"Transsion không nổi tiếng về sức mạnh trong việc nghiên cứu và phát triển (R&D), và do đó, công ty đã tập trung vào các thị trường ít đòi hỏi những lợi thế về công nghệ hơn", hãng truyền thông Data-viz.cn bình luận trong một báo cáo đăng tải trên 36Kr. "Bước tiếp theo của công ty này là làm thế nào để cải thiện trình độ công nghệ và chống lại sự tấn công từ các đối thủ khác."

Tuy nhiên, Cui Wenli, đối tác quản lý của Maison Capital, một trong những người ủng hộ Transsion, vẫn đặt nhiều hy vọng ở công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này.

"Châu Phi là một thị trường rất đặc biệt theo cách riêng của họ, và Transsion đã dành nhiều năm để gây dựng những nền tảng mới trên mọi khía cạnh từ phân phối kênh, bán hàng và tiếp thị, cho đến nhận thức về thương hiệu", truyền thông Trung Quốc dẫn lời phát biểu của Cui. "Đây không phải là một kỳ tích dễ dàng nhân rộng."

Quang Huy

Chủ đề khác