VnReview
Hà Nội

Từng là những thiết bị phi thường, “flagship killer” nay chỉ còn là một danh xưng tầm thường

"Flagship killer" ám chỉ những thiết bị với cấu hình cơ bản giống hệt những chiếc điện thoại cao cấp, nhưng với mức giá dễ chịu hơn nhiều.

mobile

Hồi đầu tuần qua, Meizu âm thầm ra mắt 16T. Chiếc điện thoại này không nhận được nhiều sự chú ý, một phần bởi Meizu không nổi tiếng lắm ở thị trường ngoài Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là bởi Meizu 16T không có gì đặc biệt.

Làm sao mà một chiếc điện thoại với chip Snapdragon 855 cùng một lượng RAM lẫn bộ nhớ trong khá lớn, chỉ có giá 300 USD, lại không còn là thứ gì đó đặc biệt nữa?

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần quay lại nguồn gốc của cụm từ "Flagship killer". Ra mắt tháng 4/2014, OnePlus One xét theo một vài khía cạnh thực sự tốt hơn chiếc flagship Android lúc bấy giờ là Samsung Galaxy S5. Chiếc điện thoại này có giá khởi điểm chỉ 299 USD, tức bằng một nửa so với Galaxy S5.

OnePlus One không phải là một chiếc điện thoại flagship thực thụ, nhưng nó là một "flagship killer" – kẻ hủy diệt flagship – theo đúng nghĩa đen. Nó có cấu hình cơ bản (vi xử lý/RAM/bộ nhớ trong) giống những chiếc điện thoại cao cấp, nhưng mức giá tốt hơn nhiều.

Trong vài năm sau đó, OnePlus bỏ đi cụm từ "Flagship killer" trong các chiến dịch quảng cáo và dần tăng giá bán sản phẩm. Nhưng ý tưởng đó vẫn tiếp tục tồn tại. Như những từ "jacuzzi", "band-aid", và "velcro", cụm từ "flagship killer" nay đã trở nên rất phổ biến. Dù có phần hơi khoe mẽ và không hoàn toàn chính xác, nhưng đó là cái tên hay nhất chúng ta có thể dùng để gọi danh mục sản phẩm mới này.

Flagship killer ở khắp nơi

Ngoài Meizu 16T, trong tháng qua, có rất nhiều mẫu điện thoại khác với công thức "cấu hình cao cấp" + "giá bình dân" được tung ra thị trường. Chúng bao gồm Nubia Z20, Realme X2 Pro, Xiaomi Mi 9T Pro, Redmi K20 Pro, và Asus ZenFone 6… danh sách vẫn còn dài.

Những mẫu điện thoại này có nhiều điểm chung. Chúng đều được trang bị chip Snapdragon 855 hoặc Snapdragon 855 Plus, sử dụng màn hình AMOLED, RAM 8GB, bộ nhớ trong 128GB, pin khoảng 4.000mAh hoặc hơn, camera kép hoặc 3 ống kính, và đều có giá từ 300 – 500 USD. OnePlus 7T đắt hơn một chút, nhưng vẫn được đánh giá là một "món hời".

oneplus

oneplus

Mới nhìn qua, những mẫu điện thoại này có thể sánh ngang với những chiếc flagship mà chúng nhắm đến, vốn có giá gấp đôi đến gấp 4 lần. Trên thực tế, nếu chỉ nghĩ đến cấu hình cơ bản, thì trên thế giới chẳng còn chiếc flagship nào để bị tiêu diệt nữa!

Nói vậy không có nghĩa những mẫu điện thoại kia về mặt khách quan tốt hơn các điện thoại cao cấp. Không ai có thể phủ nhận rằng một chiếc Galaxy Note 10 Plus hay Huawei Mate 30 Pro sẽ mang lại cho người dùng nhiều tính năng hơn, camera tốt hơn, và được hoàn thiện tốt hơn. Nhưng những chiếc "flagship killer" đơn giản là đã đủ tốt đối với nhiều người.

Đây là một bước phát triển mới. Ngành công nghiệp di động đã từng chứng kiến một làn sóng điện thoại cấu hình khủng giá tốt trước đây, nhưng chưa bao giờ chúng đông đúc như lúc này, và chưa bao giờ người tiêu dùng hào hứng như vậy. Mới năm ngoái thôi, chiếc Pocophone F1 còn là một món hời lớn. Hiện nay, danh mục "flagship killer" đã đông đúc đến nỗi Xiaomi có lẽ đã âm thầm hủy bỏ (hoặc trì hoãn) ra mắt chiếc Pocophone F2.

Khi smartphone trở thành những món hàng thông dụng

Thông dụng hóa là một trong những cụm từ nghe có vẻ phức tạp nhưng lại miêu tả một khái niệm rất đơn giản. Trong trường hợp chúng ta đang nói ở trên, hàng hóa phổ biến là khi thị trường ngày càng trưởng thành, lợi nhuận biên ngày càng mỏng hơn – và những khác biệt giữa các sản phẩm cạnh tranh nhau ngày càng nhỏ dần đi.

Những mẫu điện thoại giá rẻ với cấu hình cao cấp – "flagship killer" – đang nhanh chóng trở thành một món hàng thông dụng. Khi những sản phẩm này ngày một rẻ hơn, chúng có thể dần thay thế cho nhau. Điều gì đã dẫn đến tình trạng này?

Cạnh tranh là yếu tố lớn nhất, khi mà ngày càng nhiều công ty tham gia vào cuộc chiến smartphone. Hầu hết các nhãn hiệu đang tả xung hữu đột trong phân khúc "flagship killer" thậm chí 5 năm trước đây còn chưa xuất hiện.

Một yếu tố lớn khác dẫn đến thông dụng hóa là thị trường đã hạ nhiệt. Thị trường điện thoại đã bước qua giai đoạn tăng trưởng nóng. Khi khách hàng ngày càng có kinh nghiệm và ít bị tác động bởi những chiến dịch marketing và các trào lưu, họ nhận ra rằng mình có thể có được một chiếc điện thoại đủ tốt mà không cần phải trả nhiều tiền.

Đà cải tiến cũng đang chậm lại, cho phép "những kẻ bám đuôi" như Realme và Honor tiến lại gần "những kẻ đi đầu" như Samsung và Huawei hơn.

Trên thực tế, có một công ty cũng đang khiến tình trạng thôn dụng hóa diễn ra ở phân khúc cao cấp. Trừ các thiết bị Huawei, Qualcomm gần như độc tôn về SoC cao cấp, linh kiện quan trọng bậc nhất quyết định không chỉ hiệu năng mà còn những tính năng một chiếc điện thoại có thể hỗ trợ. Nếu mọi người sử dụng cùng một con chip thì thị trường liệu sẽ đa dạng hóa như thế nào đây?

mobile

Nhàm chán là… tốt?

Thông dụng hóa có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên các nhà sản xuất không kịp thích ứng, nhưng đó lại là điều tuyệt vời đối với người tiêu dùng. Nó khiến những chiếc điện thoại tốt trở nên rẻ hơn, nhưng kém hấp dẫn hơn.

Sự nhàm chán, tĩnh lặng của ngành công nghiệp di động mang lại cảm giác u ám và một chút rờn rợn nếu bạn làm những công việc xoay quanh lĩnh vực di động. Nhưng cải tiến không hề mất đi – nó chỉ chuyển trọng tâm mà thôi.

Các nhà sản xuất điện thoại vẫn đang hết mình nghiên cứu để tạo sự khác biệt trong những lĩnh vực rất cụ thể: ví dụ, radar Soli của Google, màn hình gập của Samsung, phần cứng camera của Huawei, hay sạc siêu nhanh của Oppo. Không phải mọi ý tưởng đều được đón nhận, nhưng những ý tưởng hay sẽ tiếp tục tồn tại xuyên suốt hệ sinh thái, dần trở nên đủ rẻ để mọi người có thể được sử dụng.

Và chúng ta sẽ tiếp tục được thấy nhiều hơn nữa những chiếc điện thoại giá rẻ với cấu hình tuyệt vời. Có lẽ từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm ít nhất một vài "flagship killer" nữa xuất hiện. Và sẽ chẳng ai thèm quan tâm cả.

Minh.T.T

Chủ đề khác