VnReview
Hà Nội

Mỹ làm khó tham vọng tự chủ về công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc

Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, một báo cáo cho biết Mỹ đang tìm cách để gây khó dễ cho tham vọng của Trung Quốc ở ngành công nghiệp chip.

Mỹ đang rà soát kỹ lưỡng danh sách các nhà cung ứng lớn trên toàn cầu, có giao dịch với các công ty Trung Quốc. Ví dụ mới đây là TSMC, công ty đúc chip lớn nhất thế giới và có quan hệ gần gũi với HiSilicon, nhánh bán dẫn của Huawei. Chính quyền Đài Loan và công ty vẫn khẳng định Mỹ không liên quan, mối quan hệ làm ăn với công ty Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục.

ASML đang kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Hãng chip máy tính lớn nhất của Trung Quốc, SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.) đã đặt hàng một công ty Hà Lan các hệ thống sản xuất chip tiên tiến, nhằm tạo ra những con chip mang theo hy vọng cho cả ngành công nghệ Trung Quốc, trên con đường tự chủ công nghệ bán dẫn. Theo báo Nikkei, ba nguồn tin mới cho họ biết các đơn hàng từ tháng Tư năm ngoái vẫn đang bị trì hoãn.

Đơn hàng "đang trong tình trạng xử lý, chờ thông báo sau," một dấu hiệu không tốt cho SMIC. Bởi công ty ASML của Hà Lan đóng vai trò "huyết mạch" trong ngành công nghiệp bán dẫn, tựa như ARM hay Google của ngành công nghiệp smartphone. Họ nắm công nghệ lõi đầu nguồn là các hệ thống EUV dùng để sản xuất chip, mỗi đơn vị bán cho TSMC, Samsung hay Intel,... đều trị giá hơn 100 triệu USD.

Không được nhiều người biết đến, nhưng ASML nắm trong tay công nghệ mà Samsung, Intel hay TSMC đều phải phụ thuộc

Việc ASML dùng từ "trì hoãn" (delay) có nghĩa đơn hàng không bị hủy (hoặc chưa bị hủy), nhưng đó cũng là một đòn giáng mạnh vào tham vọng tự chủ công nghệ chip của Bắc Kinh. "ASML tạm thời hoãn lại việc hoàn thành các đơn hàng. Họ không muốn làm chính quyền ngài Trump mất vui vì cố bán các thiết bị tiên tiến cho Trung Quốc", một nguồn tin bình luận.

Sự thật là các công ty đúc chip đều phụ thuộc vào ASML, kể cả Samsung hay TSMC. Việc trì hoãn này rõ ràng ảnh hưởng đến lộ trình của khách hàng khi không có được thiết bị đúng theo kế hoạch. "Nhưng mà cùng vào lúc này, ASML cũng không muốn làm các khách hàng Trung Quốc thất vọng. Bởi đây là một ngành công nghiệp thay đổi rất nhanh".;Việc thực hiện đơn hàng vốn ấn định vào cuối 2019 giao máy, lắp đặt xong vào giữa 2020.

Trung Quốc mong muốn tự chủ công nghệ, nhưng Mỹ kiên quyết không để họ thành công

Vẫn chưa xác định liệu trì hoãn bất thường này là do Trung Quốc chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp từ chính quyền Mỹ. Hoặc cũng có thể, ASML đang bận làm mới giấy phép xuất khẩu hàng hóa từ chính quyền Hà Lan. Công ty có nhắc đến việc yêu cầu làm mới giấy phép xuất khẩu hệ thống EUV tới Trung Quốc đang trong quá trình chờ xử lý.

Mỹ khá quan trọng với ASML. Khoảng 16% doanh thu hàng năm của họ đến từ thị trường Mỹ, tương đương 9,2 tỷ USD. Đó là tiền bán các máy đúc chip cho Mircon, Intel,... Và 1/5 thành phần máy móc của họ được làm ra ở bang Connecticut. Tuy nhiên, công ty Hà Lan giống như miếng thịt bị kẹp giữa hai lát bánh. Phía Trung Quốc cũng đóng góp đến 19% doanh thu hàng năm, SMIC chỉ là một trong nhiều khách hàng ở đây.

Trong quý 2 năm 2019, ASML bán được 7 máy EUV tương ứng 41% trong tổng doanh thu

Chris Hung, một nhà phân tích công nghệ cao cấp tại Market Intelligence & Consulting Institute, cho biết: "Tất cả các doanh nghiệp làm việc xung quanh con chip, bất kể là công ty Mỹ hay không, đều sẽ phải cẩn trọng hơn nữa khi giao hàng tới Trung Quốc. Sau tất cả, rất nhiều tài sản trí tuệ, vật liệu, khoa học công nghệ cơ bản bắt nguồn từ Mỹ". Họ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiến hành giao dịch, nếu không muốn bị chính phủ Mỹ coi là cố tình phớt lờ.

SMIC là hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, trung tâm trong tham vọng của Bắc Kinh để đạt tự chủ công nghệ bán dẫn. Đặc biệt là các con chip chuyên biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, 5G, xe tự hành, robot tiên tiến. SMIC đã phải trải qua một thời gian dài cố gắng có lợi nhuận. Nếu không có chính quyền chống lưng, họ thậm chí không mua nổi một hệ thống EUV và các dịch vụ có liên quan của ASML. Lợi nhuận một năm của công ty chỉ là 134 triệu USD, ngang tầm với một đơn hàng.

Đây là công ty duy nhất hiện nay trên thế giới sản xuất được các máy quang khắc EUV

ASML cho biết họ đối xử với tất cả các khách hàng đều công bằng như nhau, không phân biệt tới từ quốc gia nào. Công ty bổ sung rằng các hệ thống EUV mà hiện tại chỉ có họ sản xuất được (Nikon và Canon gần như đã từ bỏ loại này), phải chịu ràng buộc bởi Công ước Wassenaar. Một thỏa thuận chung về việc kiểm soát xuất khẩu đa quốc gia, được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan của các công nghệ tiên tiến có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Vốn dĩ họ được miễn trừ bởi chính phù Hà Lan và Liên minh châu Âu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng có vẻ các giấy phép này hiện tại đã hết hạn. Theo quy định, giấy phép cần tới 8 tuần để quyết định xem nó được thông qua hay từ chối. "Chúng tôi chỉ làm việc theo luật pháp" - công ty thông báo. Nhiều người tin rằng chính phủ Mỹ có thẩm quyền nhất định với ASML, một số hoạt động kinh doanh của họ diễn ra trong lãnh thổ nước Mỹ.

Ambitious Man

Chủ đề khác