VnReview
Hà Nội

180 ngày “chống chọi” lệnh cấm của chính phủ Mỹ, phải chăng Huawei quá lớn đến mức không thể “sập”?

Ngày 15/5/2019, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào "Danh sách thực thể" của nước này, theo đó các công ty có trong danh sách trên sẽ bị cấm mua các sản phẩm của các doanh nghiệp Mỹ. Lý do đưa ra rất mơ hồ nhưng không thể phủ nhận: công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Chỉ trong một vài ngày, Huawei đã bị xáo trộn hoàn toàn: Google xác nhận họ đã đình chỉ giấy phép cho Huawei sử dụng Android, và liên tiếp, nhiều công ty và tổ chức khác đã cắt đứt quan hệ làm ăn với Huawei, một trong những công ty viễn thông hàng đầu thế giới.

Trước hàng loạt những tin tức tiêu cực đến dồn dập, một số người đã sớm đưa ra dự đoán "ngày tàn" của Huawei đã sắp tới. Nhưng cho đến nay, công ty công nghệ Trung Quốc vẫn "sống khỏe" – điều khiến nhiều người bất ngờ. Sáu tháng sau, mặc dù Huawei không thực sự phát triển mạnh mẽ như trước kia, nhưng nó vẫn hoạt động rất tốt. Nhờ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau mà đến nay, đà tăng trưởng của công ty vẫn phần nào được duy trì.

Huawei vẫn kiếm được hàng tỷ USD

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Huawei đạt doanh thu 610,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 87,3 tỷ USD), tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng đối với một công ty đang phải "chật vật" để duy trì hoạt động, mặc dù tốc độ tăng trưởng này chậm hơn mức 39% mỗi năm mà Huawei vẫn luôn tự hào trong quý 1 năm 2019.

Huawei có lẽ sẽ dễ dàng cán mốc doanh thu 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Đây là một cột mốc quan trọng, vượt xa kỳ vọng và dự đoán của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei trong năm 2019. Nói cách khác, công ty công nghệ Trung Quốc đã thực sự "vượt qua chính mình".

Tại sao lại có thể như vậy?

Một trong những yếu tố có đóng góp quan trọng vào "thành tích" trên của Huawei chính là mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông - các trạm cơ sở phát tín hiệu 4G và 5G của công ty Trung Quốc hiện vẫn đang bán rất chạy, bất chấp việc Mỹ liên tục kêu gọi các đồng minh ngăn chặn sự tham gia của Huawei trong việc xây dựng hệ thống mạng viễn thông của các quốc gia này.

Một nửa doanh thu của Huawei đến từ mảng kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là các sản phẩm điện thoại thông minh. Công ty đã xuất xưởng 185 triệu smartphone trong năm nay. Huawei không công bố số liệu chính xác về số lượng điện thoại của công ty đã được bán ra trong những tháng qua, song các công ty nghiên cứu thị trường Canalys và Counterpoint đều ước tính lô hàng xuất xưởng quý III của nhà sản xuất Trung Quốc là 66,8 triệu chiếc. Với mức tăng trưởng hàng năm đạt 29%, Huawei không chỉ giữ vững vị trí là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, mà họ còn liên tục đe dọa vị trí dẫn đầu của Samsung. Rõ ràng, nếu không nằm trong "danh sách đen" của chính phủ Mỹ, Huawei đã có thể dễ dàng đánh bại Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Tiếng gọi từ quê nhà Trung Quốc

So với các nhà sản xuất đến từ các quốc gia khác, Huawei có thị trường quê nhà "chống lưng" và góp phần đảm bảo cho sự tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của họ. Các khách hàng Trung Quốc đã "ủng hộ" Huawei như một cách để thể hiện lòng nhiệt thành yêu nước, giúp công ty đạt mức tăng trưởng doanh số khổng lồ lên đến 66% so với năm ngoái. Điều này góp phần giúp Huawei chiếm lĩnh 42% thị trường Trung Quốc trong quý III năm 2019, một cột mốc cao kỷ lục. Để so sánh (và có lẽ không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên), thị phần của Apple tại thị trường Trung Quốc đã giảm 2%, đánh dấu mức doanh số yếu nhất của Táo Khuyết tại quốc gia tỷ dân này trong 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, Samsung còn "thảm hại" hơn, với thị phần chưa tới 1% và đang dần "biến mất" khỏi Trung Quốc.

Nếu như lòng yêu nước có thể giúp giải thích cho thành công của Huawei ở Trung Quốc, thì ở các thị trường nước ngoài, công ty vẫn bán được khoảng 25 triệu điện thoại thông minh trong quý 3. Ở các quốc gia mà ứng dụng Google là thứ bắt buộc phải có, Huawei đang đẩy mạnh kinh doanh các mẫu smartphone cũ của mình, đồng thời ra mắt thêm một vài model mới được trang bị sẵn các ứng dụng của Google, ngay cả khi về mặt lý thuyết họ không có giấy phép để làm điều đó. Trong thực tế, Huawei đang sử dụng chiến lược thực hiện những tinh chỉnh, cải tiến và nâng cấp nhỏ đối với những mẫu điện thoại đã được Google chứng nhận trước đó, nhằm "lách luật" và ra mắt những sản phẩm "bình cũ rượu mới", nhờ đó mà công ty Trung Quốc vẫn duy trì sự xuất hiện của mình tại các thị trường này.

Huawei cũng đang sử dụng các sản phẩm khác để giữ tên mình xuất hiện trên các kệ hàng ngoài Trung Quốc, trong đó có các sản phẩm được đón nhận tốt như FreeBuds 3 và GT Watch 2.

Các nỗ lực "tự thân vận động" đã được đền đáp

Điều hiển nhiên là để có thể kinh doanh các sản phẩm nói trên, thì trước tiên Huawei cần phải sản xuất được chúng. Việc đầu tư mạnh tay vào mảng sản xuất chip của công ty Trung Quốc đã chứng minh được giá trị của mình ở thời điểm này, bởi nhờ đó mà Huawei không phải phụ thuộc vào Qualcomm (một công ty có trụ sở tại Mỹ) để mua các con chip SoC và các linh kiện modem thiết yếu. Hơn nữa, vừa qua ARM tuyên bố họ vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei, nhờ đó công ty Trung Quốc có thể sử dụng kiến trúc ARM v9 thế hệ tiếp theo, nền tảng của các dòng chip di động sắp ra mắt vào năm 2020 và sau đó.

Theo Canalys, Huawei cũng vẫn còn có một kho dự trữ thành phần, linh kiện điện tử mà hãng này không thể tự sản xuất – công ty Trung Quốc đã lên kế hoạch dự trữ các linh kiện này trong khoảng một năm trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen.

"Mây đen" vẫn đang kéo đến

Vào ngày thứ 180 "hứng chịu" lệnh cấm từ phía Hoa Kỳ, Huawei đã chứng minh sự bền bỉ của mình cho cả thế giới thấy, vượt xa những tiên đoán trước đó. Nhờ những công nghệ độc quyền mạnh mẽ, các nỗ lực thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu và củng cố vị thế của chính mình tại Trung Quốc, Huawei vẫn có thể tồn tại trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt vốn có thể "giết chết" bất kỳ công ty nào khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là Huawei vẫn có thể "sống tốt" nếu như lệnh cấm từ phía Mỹ kéo dài vô thời hạn.

Những kho dự trữ linh kiện của Huawei sẽ có thể sử dụng được bao lâu nữa? Liệu Mỹ có tiếp tục cho phép Huawei cập nhật các sản phẩm hiện có của mình? Liệu Huawei có thể vừa theo kịp các đối thủ vừa "chiến đấu" với lệnh cấm? Liệu những tin tức tiêu cực liên tục xảy đến với công ty có khiến người tiêu dùng nản lòng và quay lưng? Đây đều là tất cả những câu hỏi khó có thể trả lời ngay ở thời điểm hiện tại.

Trong một vài tuần tới, số phận Huawei sẽ được định đoạt rõ ràng, dù là theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Vào ngày 19/11 tới, thời hạn 90 ngày chính phủ Mỹ tạm hoãn lệnh cấm, cho phép Huawei thực hiện một số hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ sẽ hết hạn. Hồi tháng 9, chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định sẽ không gia hạn việc tạm hoãn này thêm một lần nào nữa. Nếu Huawei không được gia hạn, công ty Trung Quốc sẽ không thể tung ra các bản cập nhật hệ thống cho các sản phẩm chạy hyệ điều hành Android hiện tại – một "đòn" mới nhằm vào hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng.

Cùng ngày, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ bỏ phiếu về quy định ngăn Huawei thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với các nhà mạng viễn thông Mỹ, cũng như yêu cầu các nhà mạng này loại bỏ các thiết bị của Huawei đã lắp đặt. Đây sẽ là một động thái leo thang khác trong lập trường của Hoa Kỳ chống lại tham vọng 5G của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Huawei cũng sẽ phải công bố các kế hoạch tiếp theo của mình về dòng smartphone Mate 30 Pro. Công ty Trung Quốc đã trì hoãn việc phát hành sản phẩm chủ lực này tại châu Âu và các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Không được trang bị các ứng dụng của Google, điện thoại của Huawei sẽ khó thuyết phục được các khách hàng nước ngoài. Nhưng Huawei cũng chẳng thể trì hoãn việc ra mắt sản phẩm này vô thời hạn, trừ khi chính họ từ bỏ để nhường chỗ cho đối thủ cạnh tranh. Phóng viên trang tin Android Authority đã liên hệ với Huawei về việc này nhưng không nhận được hồi âm.

Ánh sáng le lói cuối đường hầm

Cuối cùng, và có thể là "tia sáng le lói cuối đường hầm" đối với Huawei, chính quyền của tổng thống Mỹ Trump cho biết họ có thể giảm bớt áp lực đối với Huawei, bằng cách cấp phép cho các công ty Mỹ xuất khẩu những mặt hàng "không nhạy cảm" cho công ty Trung Quốc. Vào ngày 4/11, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết việc cấp phép này "sẽ sớm diễn ra", đồng thời thông bao đã có 260 hồ sơ xin cấp phép được gửi đến cơ quan này. Google chắc chắn là một trong những công ty đầu tiên xin cấp phép, nhưng chính phủ Mỹ vẫn hoàn toàn có quyền quyết định liệu hệ điều hành Android và các ứng dụng Google có phải là các sản phẩm "nhạy cảm về an ninh" hay không.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng được cho là sẽ sớm kết thúc một thỏa thuận giai đoạn 1, theo đó rút lại một số đòn thuế trước đó và có khả năng làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước. Mặc dù không ai sẽ công khai thừa nhận điều này, nhưng số phận của Huawei dường như gắn liền với thành công (hay thất bại) của những cuộc đàm phán thương mại này.

Huawei có thể không phải là một công ty lớn đến mức "không thể bị đánh bại", nhưng sự bền bỉ của họ cũng đã được chứng minh trong suốt thời gian vừa qua. Câu hỏi đặt ra là, Huawei sẽ "chống cự" được trong bao lâu?

Quang Huy (Tham khảo AndroidAuthority)

Chủ đề khác