VnReview
Hà Nội

Forbes: Người Việt có xu hướng mua smartphone sản xuất trong nước

Bài viết trên tạp chí Forbes của Mỹ mới đây trích dẫn ý kiến các nhà phân tích quốc tế cho rằng xu hướng người dùng Việt mua smartphone trong nước tương tự như đã và đang diễn ra ở thị trường Trung Quốc.

Theo nhận định của bài báo, điện thoại sản xuất ở Việt Nam có lợi thế kinh tế là điều dễ hiểu. Đất nước phụ thuộc vào sản xuất trong 30 năm qua này đang giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành sản xuất điện tử. Hãng điện tử Samsung Electronics đã đầu tư 17,3 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam là một ví dụ. Các trường học công lập chú trọng vào khoa học. Những sinh viên tốt nghiệp làm việc cho công ty công nghệ nước ngoài sẽ biết nhiều hơn về việc làm thế nào để tạo ra một chiếc smartphone.

Forbes: Người Việt có xu hướng mua smartphone sản xuất trong nước

Thực tế, các công ty Việt Nam đã giới thiệu danh sách sản phẩm của mình, chủ yếu là điện thoại Android. Bphone của là điện thoại đầu tiên trong số đó. Bkav mất 5 năm nghiên cứu và phát triển Bphone để đi đến lễ công bố Bphone đầu tiên năm 2015. Dù là tâm điểm của dư luận và được đánh giá sự kiện công nghệ đột phá của ngành sản xuất trong nước, Bkav thừa nhận sản phẩm chưa hoàn thiện. Đó là lý do họ đã dành đến hai năm để nghiên cứu, cải tiến thế hệ Bphone tiếp theo vào năm 2017. Cho đến lần ra mắt năm 2018, Bphone 3 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng về cả giá cả lẫn công nghệ. Bphone 3 là smartphone tầm trung duy nhất trên thị trường được trang bị các tính năng chỉ có trên smartphone cao cấp như chống nước chống bụi chuẩn cao nhất IP 68, chống trộm, chụp ảnh macro. Đến tháng 7/2019, Bkav đưa Bphone 3 sang chinh phục người tiêu dùng Myanmar.

Để sản xuất được một sản phẩm công nghệ cao trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển đã là một khó khăn, còn một thách thức khác mà Bphone phải vượt qua đó chính là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích mà tạp chí Forbes ghi lại, đây cũng là hiện tượng tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc cách đây 20 năm. Khi thu nhập bắt đầu tăng, đầu tiên họ chọn thực phẩm, rượu và đồ điện tử nước ngoài, nhưng sau đó dần dần chuyển sang thương hiệu nội địa.

Theo tạp chí Practical Ecommerce, đến nay người dùng Trung Quốc vẫn mua hàng hóa nước ngoài khi họ muốn đồ thật chất lượng hoặc sợ hàng giả. Song với việc nhiều thương hiệu nội địa chứng minh được chất lượng, cùng với việc mua hàng trong nước như là hành động yêu nước, người Trung Quốc trở lại lựa chọn sản phẩm nội địa. Các hãng Trung Quốc như Huawei, Oppo hay Xiaomi đều bán rất tốt trong nước. Trong khi đó, các thương hiệu lớn nước ngoài như Samsung, Apple đều bị lu mờ, thậm chí bị đánh bật ra khỏi thị trường này.

Mới đây nhất, trong khi Huawei bị cấm bán sản phẩm ở Mỹ và các nước đồng minh ở Mỹ thì tại thị trường Trung Quốc, doanh số smartphone của Huawei tăng mạnh, đến 34% trong nửa năm 2019 nhờ "người Trung Quốc mua hàng Trung Quốc". Thị phần của Huawei tại Trung Quốc cũng tăng mạnh, lên đến 36% trong quý II/2019, bỏ xa người đứng sau là Vivo 19%, Oppo 19%.

"Tôi nghĩ điều tương tự sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Tôi cho rằng xu hướng quay lại hàng tiêu dùng nội địa sẽ xuất hiện khi người dùng cảm thấy niềm tự hào quốc gia", ông Maxfield Brown, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Dezan Shira & Associates, TP.HCM nhận định.

Hồng Thúy

Chủ đề khác