VnReview
Hà Nội

Samsung đẩy mạnh thuê ngoài ODM chính là cơ hội “trời ban” cho một công ty Trung Quốc

Mới đây, công ty Hàn Quốc thông báo sẽ đẩy mạnh sản xuất smartphone bằng hình thức thuê ngoài ODM. Thông tin này mang đến cơ hội phát triển cho một hãng Trung Quốc, vốn là chuyên gia trong lĩnh vực ODM.

Mặc dù là hãng điện thoại lớn nhất thế giới, Samsung lại phải chật vật cạnh tranh ở Trung Quốc. Sau khi đóng cửa hai dây chuyền sản xuất tại đây, công ty thông báo sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty địa phương, cụ thể là Wingtech, để sản xuất smartphone dưới dạng ODM. Như vậy, cùng với sự đi xuống trong năng lực sản xuất của Samsung, một công ty Trung Quốc lại như "bắt được vàng" khi được trao cơ hội mở rộng sản xuất.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường smartphone khiến công ty phải đẩy mạnh thuê ODM nhằm giảm chi phí

Wingtech Technology, được thành lập năm 2006 bởi cựu kỹ sư Zhang Xuezheng ở Gia Hưng, một thành phố phía đông tỉnh Chiết Giang. Đây là hãng ODM smartphone lớn nhất thế giới hiện nay. Theo các nguồn tin, đây là đối tác chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất rất nhiều điện thoại Galaxy, chủ yếu là dòng A tầm trung. Trong nửa đầu 2019, thị phần của Wingtech trên thị trường ODM đã tăng lên 28%, nhờ các đơn hàng gia công sản xuất của Samsung.

Theo hãng tin Reuters, chiến lược mở rộng thuê ngoài sản xuất điện thoại là điều tất yếu phải đến, nếu Samsung muốn cạnh tranh với các hãng Trung Quốc. Áp lực đến từ Xiaomi và Huawei rất lớn, họ đặt hàng với các công ty nội địa để sản xuất phần lớn dải sản phẩm, đặc biệt là các mẫu thuộc phân khúc tầm trung và giá rẻ. Hình thức này giảm tải chi phí và rút gọn thời gian phát triển sản phẩm, khiến họ giành được lợi thế về giá bán trước điện thoại Samsung.

Nhiều mẫu Galaxy A và M có thiết kế càng ngày càng giống điện thoại Xiaomi, Oppo

Để so sánh, mô hình của Wingtech khác với Foxconn. Với ODM, các thông số của sản phẩm đã được định hình trước, khách hàng chỉ việc chọn mẫu và yêu cầu chỉnh lại một chút là có thể đi vào sản xuất, sau đó dập thương hiệu lên và bán dưới tên của mình. Với OEM, Foxconn sẽ được Apple cấp phép để có quyền lắp ráp sản phẩm dựa theo thiết kế có sẵn. Bản thiết kế này do Apple kiểm soát và chỉ định cho Foxconn lắp ráp khâu cuối cùng.

Zaker Li, một nhà phân tích cao cấp của IHS Markit, nhận xét: "Hình thức ODM sẽ giúp các thương hiệu smartphone đạt được cấp độ sản xuất hàng loạt với mức chi phí giảm đáng kể. Điều này cực kỳ có ích khi mà thị trường đang suy thoái".

Wingtech bắt đầu sản xuất cho Samsung từ năm 2017, bắt đầu với 3% tổng lượng điện thoại xuất xưởng của công ty Hàn Quốc. Đến năm 2020, Samsung dự tính sẽ giao 300 triệu thiết bị, trong đó có 60 triệu là làm ra bằng hình thức ODM. Wingtech từ chối bình luận khi được hỏi về thông tin Samsung đã ký hợp đồng với họ.

Xiaomi, Lenovo, LG, Nokia là các hãng đang đẩy mạnh hình thức thuê ngoài ODM

Công ty Trung Quốc chủ yếu sản xuất máy có giá dưới 300 USD, phân khúc chiếm đến 70% tổng lượng giao hàng tại thị trường tỷ dân. Điển hình thành công nhất chính là dòng Redmi của Xiaomi, ngoài ra còn có các thương hiệu lớn khác như Oppo, Huawei, Lenovo. Công ty đã giao được 59 triệu máy dưới nhiều thương hiệu khác nhau trong sáu tháng đầu năm. Các đối thủ của Wingtech là Longcheer và Huaqin lần lượt giao được 39 và 38 triệu đơn vị. Bên cạnh smartphone, các công ty ODM còn mở rộng hoạt động sản xuất sang cả laptop, thiết bị VR, Internet of Things.

Vừa rồi, Wingtech còn thông báo mua lại một hãng chip Hà Lan với giá 4 tỷ USD, Nexperia, nhằm dấn thân vào ngành công nghiệp bán dẫn. Hợp đồng với Samsung càng giúp công ty có thêm nguồn thu lớn và cải thiện năng lực sản xuất, tạo đà cho các kế hoạch tham vọng trong tương lai.

Ambitious Man

Chủ đề khác