VnReview
Hà Nội

Nintendo muốn đưa thợ sửa ống nước Mario thành nhân vật nổi tiếng nhất thế giới

Những ngày thống trị của chuột Mickey có thể không còn kéo dài lâu nữa. Shigeru Miyamoto, người đứng sau loạt trò chơi điện tử ăn khách "Super Mario", đã lên kế hoạch nhằm lật đổ biểu tượng lâu đời nổi tiếng nhất của Walt Disney - chú chuột Mickey.

Theo báo Nikkei của Nhật, tham vọng của ông được đặt cả vào chàng thợ sửa ống nước Mario. Miyamoto đã gặp gỡ với giới truyền thông nhằm chia sẻ về những dự định ấp ủ cho tương lai. Vào tháng Mười vừa qua, nhà sáng tạo đại tài đã được bầu chọn là Nhật vật văn hóa (Person of Cultural Merit). Đây là một giải thưởng cấp cao của chính phủ Nhật Bản nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp to lớn cho nền văn hóa quốc gia.

Miyamoto Shigeru được chính phủ Nhật Bản vinh danh vì những đóng góp to lớn của ông cho nền văn hóa

"Thật may mắn là trò chơi điện tử đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Nhật Bản", ông chia sẻ. Mặc dù có địa vị nổi tiếng trong giới làm nghề, cùng một danh sách thành tích dài, ông vẫn rất khiếm tốn và rụt rè. "Bạn sẽ chẳng làm được trò trống gì nếu chỉ có một mình" - Miyamoto nói, ca ngợi tầm quan trọng của làm việc theo nhóm. "Tôi tự hào vì có rất nhiều thành viên từ đội phát triển ở Nintendo, đến nay vẫn tiếp tục cộng tác với mình".

Ban đầu khi còn trẻ, Miyamoto đã hướng đến việc trở thành mangaka (họa sĩ truyện tranh phong cách manga), như một hoài bão tuổi trẻ. Tuy nhiên, sau cùng ông đành bỏ dở việc đó, viện lí do "có những rào cản quá sức". Nhưng niềm đam mê của ông với manga vẫn còn đó, thôi thúc con người tài hoa dấn thân vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử nhằm biến nó trở thành một thú vui cho mọi người.

Ở Nhật, manga, anime hay video game đều cực kỳ thịnh hành

Ở Nhật, truyện tranh manga là một phần văn hóa, đất nước, con người. Dựa vào các khung hình, biểu cảm, con chữ,... để kể lại câu chuyện cho người đọc. Từ những cuốn truyện hay tạp chí, nó dần dần tìm cách đi lên màn ảnh nhỏ và đến cả rạp chiếu phim, trở thành anime. Cùng với nhau, cả hai đã tạo nên ngành công nghiệp tỷ USD chỉ có ở Nhật Bản, cũng như trở thành công cụ truyền tải văn hóa, lối sống của con người nơi đây ra thế giới đem đến giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn giải trí, phục vụ hàng triệu người hâm mộ trên toàn cầu.

Câu chuyện của trò chơi điện tử cũng vậy. Hiếm có quốc gia nào mà người dân say mê chúng như ở Nhật Bản. Phòng khách hoặc phòng riêng các gia đình thường có một bộ PlayStation. Trong cặp sách, ba lô hay trên tay mọi người, rất dễ bắt gặp một chiếc handheld (máy chơi game cầm tay) của Nintendo hay Sony. Khi thế giới bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, các trò chơi cũng tiến hóa theo. "Cứ mỗi khi có một công nghệ mới xuất hiện, sẽ lại có một thứ tựa như Super Mario ra đời theo", Miyamoto nói.

Thủ tướng Shinzo Abe hóa thân thành nhân vật Mario tại lễ bế mạc Olympic Rio 2016;

Sau hàng loạt thành công của Super Mario hay Donkey Kong, Miyamoto bắt đầu nhìn nhận chuột Mickey như một mục tiêu phải vượt qua. Liệu mong muốn đưa Mario trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng mới có thành công?

Mario được xem như thành công đầu tiên của ông và trở thành bệ phóng cho Nintendo. Ông tâm sự rằng khi sáng tạo trò chơi mới, ông muốn "nó phải hấp dẫn ngay cả với những người đứng ngoài". Điều này có nghĩa trò chơi phải thực sự lôi cuốn, phức tạp khiến cho ngay cả khi đứng xem người khác chơi, bạn cũng phai "ngứa ngáy" muốn thử một ván xem sao. Đồng thời, trò chơi cũng phải giống một cuộc chiến giằng co. Ví dụ tựa game Legend of Zelda lần đầu ra mắt năm 1986 đã không hề khiến công chúng phải thất vọng.

Miyamoto muốn bạn phải nỗ lực mới có thể vượt qua trò chơi của ông

"Khi mới chơi, ngay cả những con quái yếu ớt cũng có thể ‘bán hành' cho bạn, mọi việc dường như dậm chân tại chỗ. Nhưng sau khi bạn tiến bộ hơn, bạn sẽ trở thành một anh hùng có thể càn quét lại những kẻ đã từng hạ đo ván mình". Nó không đơn thuần là 'cày cuốc', hay cuộc giằng co giữa nhân vật và kẻ thù bằng sức mạnh. Đó còn là cuộc chiến ở bên trong bạn, giữa một bên là ý chí chinh phục thử thách, bên còn lại là suy nghĩ chán nản muốn bỏ cuộc. Trò chơi đã cực kỳ thành công với hơn 106 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới.

Tuy vậy, Super Mario vẫn tiếp tục là "gà đẻ trứng vàng" cho Nintendo suốt nhiều năm qua. Tận dụng sức hút của anh thợ sửa ống nước, một công viên theo chủ đề tên là 'Super Nintendo World' sẽ khai trương vào năm 2020 ở Universal Studio Japan. Ngay sau Mario Shopping Kart vừa khai trương trong tháng này tại Tokyo - cửa hàng chính thức đầu tiên của Nintendo tại Nhật Bản. Một bộ phim về Mario cũng đang được thực hiện và sẽ ra rạp vào năm 2020.

Một rào cản với tham vọng lật đổ chuột Mickey của ông là tâm lý e ngại trò chơi điện tử của các vị phụ huynh

Nhưng cũng có những khó khăn nhất định. "Rất nhiều phụ huynh muốn tránh cho con mình chơi trò chơi điện tử. Nhưng cũng chính họ lại cho phép bọn trẻ xem các bộ phim hoạt hình Disney". Đây thực sự là thách thức với tham vọng lật đổ nhân vật biểu tượng cho Disney của ông. "Chúng tôi thực sự không thể tạo ra thách thức đủ lớn cho Walt Disney, trừ khi các vị phụ huynh thoải mái với việc cho trẻ em tiếp xúc với Nintendo", ông nói. 

Với việc Super Mario đã bán được 361 triệu bản trên toàn cầu, Miyamoto tự tin rằng nhân vật của ông có thể đối đầu với biểu tượng huyền thoại của Disney, từ tầm ảnh hưởng văn hóa cho đến thành công mặt thương mại. Tuy nhiên, đó hẳn sẽ là một chặng đường rất dài, trước khi Mario có thể ăn sâu vào tâm trí khán giả toàn cầu như chuột Mickey đã làm. Một hành trình có thể kéo dài qua nhiều đời người.

Trang phục Mario xuất hiện tại cuộc thi Miss Grand 2017 

Theo thống kê của TitleMax, thương hiệu truyền thông Chuột Mickey của Walt Disney đã kiếm được tổng cộng 70,5 tỷ USD, chủ yếu đến từ các mặt hàng ăn theo (gần 69 tỷ USD). Trong khi đó, thương hiệu Mario của Nintendo kiếm được 36,1 tỷ USD, trong đó trò chơi điện tử chiếm phần lớn với 30 tỷ USD và sản phẩm ăn theo đóng góp 4,3 tỷ USD. Đứa con tinh thần của Miyamoto là trò chơi điện tử thành công nhất mọi thời đại, nhưng so với một biểu tượng văn hóa đại chúng lâu đời như chuột Mickey, chàng thợ sửa ống nước cần phải cố gắng rất rất nhiều nữa mới đuổi kịp.

Nhà sáng tạo kỳ tài vẫn tiếp tục làm những việc mà ông giỏi nhất. "Tôi dự định sẽ cố gắng tạo ra một cái gì đó mới mẻ, mang lại nụ cười cho mọi người trên khắp thế giới mà không quá tập trung vào những thứ chúng tôi đã tạo ra", ông nói. Miyamoto sẽ không để tài năng bản thân bị chìm trong cái bóng quá lớn của Mario. Ông không phải kiểu người bòn rút thành công quá khứ mà quên mất việc kiến tạo tương lai. 

Ambitious Man

Chủ đề khác