VnReview
Hà Nội

Panasonic và Sony: cùng là chuyển đổi cơ cấu, kẻ lên hương, người ngụp lặn

Panasonic đang tiến gần hơn đến mục tiêu cắt giảm thua lỗ từ ba bộ phận ‘ốm yếu' triền miên. Tuy nhiên, không giống như người đồng hương Sony đang phát triển rất mạnh mẽ, tập đoàn Nhật Bản vẫn chưa tìm thấy lối thoát cho mình.

CEO Kazuhiro Tsuga lên nhậm chức năm 2012, sau đó đã dẫn tập đoàn đi theo công cuộc cải tổ mạnh mẽ đầy đau đớn. Ở phía bên kia, (cựu) CEO Kazuo Hirai cũng đưa Sony vào cuộc ‘đại phẫu' nhằm cứu lấy con thuyền đang tròng trành. Thời điểm đó, có nhiều người tin rằng Sony không thể gượng dậy được, chỉ còn chờ sụp đổ.

Hiện thực trái ngược

Bảy năm sau, Panasonic vẫn ngụp lặn trong cải cách cơ cấu kinh doanh. Hãng vừa tuyên bố sẽ dừng sản xuất tấm nền LCD tại Nhật Bản. Sau đó, tiếp tục thông báo bán đơn vị bán dẫn gồm cảm biến CMOS và xưởng sản xuất liên doanh với Tower. Người mua là Nuvoton thuộc tập đoàn Đài Loan Winbond, giá trị giao dịch 250 triệu USD.

Panasonic bán tháo mảng cảm biến với giá 250 triệu USD

Còn ở Sony, công ty thông báo một quý kinh doanh thắng lợi với sự lên ngôi của âm nhạc, phim ảnh và bán dẫn, bù đắp cho suy giảm từ mảng trò chơi khi PS4 đi đến cuối vòng đời. Cảm biến mang về nhiều lợi nhuận nhất, được công ty mạnh tay rót hơn 900 triệu USD xây nhà máy mới. Còn hoạt động giải trí gồm phim và nhạc, giờ đã sinh lời lớn hơn toàn dải sản phẩm điện tử cộng lại (trừ máy chơi game nằm ở mảng trò chơi riêng biệt).

Các nhà đầu tư tỏ ra hoan nghênh khi Panasonic nỗ lực cắt bỏ các mảng yếu kém. Đặc biệt ở ngành bán dẫn mà họ đã có mặt từ năm 1952, kể từ thời nhà sáng lập Konosuke Matsushita còn dẫn dắt. Cổ phiếu của hãng đã nhích lên một chút sau khi những tin tức này được lan truyền, tuy nhiên, họ vẫn đang bị bỏ xa bởi Sony. Cổ phiếu Sony đang tăng trở lại, lên gần mức đỉnh gần đây nhất nhờ niềm tin lạc quan của giới đầu tư.

Các nhà đầu tư lạc quan hơn vào cổ phiếu Sony so với Panasonic;

Chung điểm xuất phát

Cả hai người khổng lồ Nhật Bản đều chịu thua lỗ thê thảm trong những năm 2011 và 2012, chủ yếu do kinh doanh TV gây ra. Với riêng Sony, truyền hình tạo ra một ‘thập niên u ám' chỉ lỗ và lỗ. Là đơn vị đã đẩy cả tập đoàn vào khốn khó và là nguyên nhân gián tiếp khiến họ phải cắt bỏ kinh doanh laptop, đóng cửa một số hoạt động và bán bớt trụ sở, nhà máy...

Ở vào thời khắc đen tối ấy, ông Kazuo Hirai xuất hiện và lãnh trách nhiệm vực dậy Sony, nhậm chức CEO vào tháng Tư. Còn ông Kazuhiro Tsuga cũng trở thành CEO Panasonic tiếp theo đó vào tháng Sáu. Cả hai lập tức tiến hành cải tổ nhằm cứu lấy tổ chức, sau 7 năm kể từ thời khắc ấy, cổ phiếu Sony đã tăng giá trị lên gấp 4 lần còn Panasonic chỉ là 2 lần. Vậy đâu là sự khác biệt?

Cả hai đều từng thua lỗ nặng nề vì kinh doanh TV

Cắt giảm và đầu tư

Cả hai đưa ra chung một giải pháp đầu tiên: dẹp bỏ những điểm đen gây thua lỗ. Panasonic rút lui khỏi sản xuất tấm nền TV plasma, còn Sony thông báo bán bộ phận laptop Vaio - một quyết định mà sau đó ngài Hirai thú nhận là "rất đau đớn nhưng không thể làm khác". Thời điểm ấy, các lựa chọn này được hoan nghênh vì cả hai thị trường PC và TV plasma đều suy thoái. 

Thậm chí để có tiền tái cơ cấu các đơn vị điện tử đang gây thua lỗ, Sony còn rao bán cả tài sản bên giải trí. Nhánh phim đã phải bán lại bản quyền vật phẩm ăn theo thương hiệu Spider-Man cho Disney (lúc đó đã mua lại Marvel Studios với giá 4 tỷ USD). Tiền bán các vật phẩm ăn theo thành công của phim Spider-Man sẽ thuộc về Disney, còn hãng nhận từ tập đoàn truyền thông Mỹ khoản tiền trả một lần 175 triệu USD.

Tuy nhiên, những bước đi tiếp theo của Panasonic và Sony đã dẫn đến vận may khác nhau của họ.

Tại phân khúc cảm biến dành cho smartphone, Sony không có mối đe dọa nào là đối thủ xứng tầm

Sony đầu tư vào cảm biến hình ảnh, nơi ít có đối thủ cạnh tranh, nhờ vậy mà họ nếm trái ngọt sau này. Ở năm tài chính 2017 (kết thúc vào tháng Ba năm 2018), Sony ghi nhận lợi nhuận hoạt động kỷ lục, cao nhất trong vòng 20 năm qua. Suốt mấy năm, cảm biến hình ảnh luôn chứng tỏ là một mũi nhọn sắc bén. Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 10%, cao hơn Panasonic (5%) và Hitachi (8%) cùng năm đó.

Theo một chuyên viên phân tích tại một công ty chứng khoán Nhật, năm 2015 được xem là bước ngoặt khiến Panasonic không thành công như người đồng hương. Đó là năm họ đạt được một số mục tiêu tái cấu trúc đề ra, sau đó tập đoàn bắt đầu tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Họ quyết định tung ra một khoản đầu tư chiến lược lên đến 9,1 tỷ USD, nhắm vào lĩnh vực xe hơi và hộ gia đình là chìa khóa sinh lời tương lai. Theo đó, ký hợp đồng với Tesla để sản xuất pin trên quy mô cực đại

Panasonic đã đặt cược vào cung cấp pin cho xe điện Tesla sẽ thu lời lớn

Theo các lãnh đạo cấp cao, họ kỳ vọng hợp tác đầu tư cùng Tesla sẽ giúp mang lại lợi nhuận sau vài năm. Tức nếu đây là khoản đầu tư đúng đắn, có lẽ bây giờ Panasonic đang ‘ngồi đếm tiền' giống như đồng hương của mình. Tuy nhiên, dự đoán năm nay sản xuất pin sẽ gây lỗ do các đối thủ Trung Quốc trỗi dậy, cũng như chậm chạp trong việc tăng công suất. Bù lại, Panasonic vừa thông báo trong năm nay sẽ hợp tác với Toyota ở lĩnh vực pin và nhà ở.

Và vì hợp tác sản xuất pin với Tesla không hiệu quả như kỳ vọng, Panasonic lại quay về với việc tái cơ cấu. Vẫn là ba vấn đề đau đầu: tấm nền LCD, bán dẫn và tế bào pin mặt trời. Trong thông báo tháng Mười Một vừa đưa ra, hai vấn đề đầu đã được giải quyết bằng cách dẹp bỏ. Tuy nhiên, hãng vẫn còn nhiều việc để làm. CEO Tsuga đưa ra thông điệp sẽ "xử lý bất kỳ mảng kinh doanh nào còn gây thua lỗ", nhằm hướng tới tiết kiệm 100 tỷ yên thông qua tái cấu trúc.

CEO Tsuga sẵn sàng xử lý bất kỳ mảng kinh doanh nào còn gây thua lỗ

Câu hỏi cho tương lai: Bạn sẽ là ai?

Mảng kinh doanh TV được xem là một ‘nạn nhân' tiềm năng tiếp theo. Thực chất hoạt động này từng sinh lời một lần dưới thời ông Tsuga, nhưng bây giờ nó đang có chiều hướng trở lại báo động đỏ. TV vốn là mặt hàng cơ bản với một hãng chuyên sản xuất đồ gia dụng, hoặc bất kỳ ai muốn có một vị trí trong phòng khách gia đình bạn. Đại diện Sony từng nói với hãng tin Reuters rằng TV có tầm quan trọng cốt lõi với họ, là linh hồn mà họ không bao giờ chịu để mất. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay của Panasonic, khó ai nói trước được gì.

Nhưng đó cũng không phải là cách. "Cắt giảm các hoạt động thua lỗ là đáng khen ngợi, nhưng nếu không tìm ra động lực tăng trưởng mới, vẫn không thể cải thiện lợi nhuận", một chuyên gia nhận xét. Hiện tại, Panasonic cần tập trung vào kinh doanh B2B, như là điều hòa không khí, thiết bị chiếu sáng, giải pháp tự động hóa nhà máy và kho bãi giao vận. Cùng với đó là kết hợp phần mềm với đồ gia dụng để tăng tính cạnh tranh.

Panasonic vẫn chưa tìm được cho mình con đường đúng đắn

Vào tháng Giêng năm 2018, tập đoàn đã kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, ông Tsuga đã nói: "Tôi tự hỏi mình, rốt cuộc thì công ty chúng ra thuộc loại hình nào?" Giờ thì đã sắp một năm trôi qua, Panasonic vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó: Họ là ai?

Còn Sony, ông Hirai đã thôi giữ chức CEO sau khi hoàn thành lời hứa vực dậy lại gã khổng lồ - tưởng như sắp sụp đổ. Vị CEO đương nhiệm là Kenichiro Yoshida đã sớm hoạch định con đường đi của họ: một công ty giải trí sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ. Được đánh dấu bằng thông báo chi 2,3 tỷ USD mua lại EMI Publishing để trở thành nhà xuất bản âm nhạc lớn nhất toàn cầu, sau khi ông lên nhậm chức. 

Đây là những tài nguyên hàng đầu để Sony theo đuổi mục tiêu trở thành công ty giải trí sáng tạo, dựa trên nền tảng công nghệ

Vẫn lấy trò chơi làm trọng tâm, nhưng bên cạnh còn có hai trụ cột đắc lực khác là bán dẫn và giải trí (nhạc và phim). Thiết bị điện tử chấp nhận lùi về sau, làm nền tảng vững chắc cho tập đoàn đi lên. Họ có rất nhiều lợi thế để theo đuổi con đường mà CEO Yoshida đã vạch ra, con tàu đang băm băm tiến về phía trước.

Ambitious Man

Chủ đề khác