VnReview
Hà Nội

Ngàm E-Mount và tham vọng "nhất thể hóa" hệ sinh thái máy ảnh mirrorless của Sony

Nếu từng sử dụng các loại máy ảnh thay đổi ống kính được của Sony, hẳn bạn đã biết hãng này đang có đến 91 ống kính phù hợp với nhiều mục đích và nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Các ống kính này sử dụng hai loại ngàm (mount) là A-Mount và E-Mount.

sony

Ngàm A được giới thiệu bởi Minolta vào năm 1985, là hệ thống lấy nét tự động (autofocus) hoàn toàn đầu tiên trên thế giới dành cho hệ máy SLR. Chính vì vậy, mọi ống kính A-Mount của Minolta đều có thể sử dụng trên các máy DSLR của Sony, và mọi ống kính A-Mount của Sony cũng hoạt động tốt trên các máy phim và máy DSLR của Minolta.

Năm 2010, Sony giới thiệu ngàm E, ban đầu được thiết kế cho các máy ảnh không gương lật (MRL) Alpha NEX-3 và NEX-5 với cảm biến APS-C của hãng. Ngàm E bổ sung những khiếm khuyết của A-Mount, cho phép Sony phát triển những loại máy ảnh mới nhỏ gọn hơn, trong khi vẫn duy trì được khả năng tương thích với các cảm biến 35mm. Để đạt được điều đó, Sony đã thiết kế E-Mount theo hướng tối giản hóa, loại bỏ khẩu cơ học và động cơ lấy nét, rút ngắn khoảng cách buồng tối (khoảng cách từ ngàm đến cảm biến) từ 44,5mm trên A-Mount xuống còn 18mm và cả bán kính phần ngàm cũng giảm đi.

Tháng 10/2013, Sony công bố Sony Alpha 7 và Sony Alpha 7R – hai mẫu MRL đầu tiên của hãng sở hữu cảm biến full-frame. Tháng 9/2017, Sony tiếp tục ra mắt chiếc camera cao cấp dành cho các videographer mang tên VENICE, với khả năng quay các đoạn phim RAW 16bit, độ phân giải 6K. Điều đáng chú ý là tất cả các mẫu máy này đều sử dụng ngàm E của Sony. Ngàm A về cơ bản đã không còn là lựa chọn của Sony trong thời gian qua nữa.

Chiến lược "One Mount"

Trong một bài phỏng vấn gần đây của DC.watch, ông Masaaki Oshima, Phó Tổng giám đốc Mảng Giải pháp và sản phẩm hình ảnh của Sony, đã đề cập đến chiến lược "One Mount" (Một ngàm). Theo lời vị lãnh đạo này thì các thiết bị nhiếp ảnh của Sony - từ máy quay phim, máy ảnh sử dụng cảm biến APS-C và máy ảnh sử dụng cảm biến full-frame – đều sẽ sử dụng một loại ngàm duy nhất, với một kích cỡ duy nhất, tức các ống kính dành cho hệ máy này sẽ tương thích và có thể sử dụng tốt trên hệ máy kia.

Ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ các máy ảnh hệ thống Micro-Four-Thirds sử dụng ngàm M43 vốn có nhiều hạn chế, chỉ có hệ thống của Sony là "bến đỗ" đáng tin cậy cho giới nhiếp ảnh gia, với khả năng đảm nhiệm mọi thể loại nhiếp ảnh mà chỉ cần duy nhất một loại ngàm, từ chụp studio, phong cảnh, thể thao, thiên nhiên hoang dã, cho đến thể thao. Người dùng Canon hay Nikon vẫn phải sử dụng những chiếc DSLR khổng lồ để chụp thể thao hay thiên nhiên; đó là chưa nói đến chuyện cả hai hãng này đều không muốn doanh số DSLR bị ảnh hưởng nên chưa dồn toàn lực phát triển hệ máy MRL. Canon sở hữu 3 loại ngàm (EF, RF, và EF-M), trong khi Nikon sở hữu 2 (F và Z) – khá rắc rối. Chúng ta không nói về Fujifilm ở đây, bởi có vẻ họ không quan tâm lắm đến cảm biến full-frame, chỉ tập trung vào ngàm X dành cho cảm biến APS-C và ngàm G dành cho cảm biến medium format. Về phía Sony, họ toàn tâm vào ngàm E, khuyến khích những người dùng ngàm A đi theo chiến lược "One Mount" của mình. Tham vọng của Sony không gì khác là "nhất thể hóa" hệ sinh thái máy ảnh kỹ thuật số không gương lật của mình - "One Mount to rules them all" (Một ngàm thống trị tất cả).

Lý do gì để chọn ngàm E?

Đầu tiên là sự đa dạng về ống kính. Hiện trên thị trường có hàng trăm ống kính ngàm E với dải tiêu cự trải rộng từ siêu rộng (5mm) đến siêu zoom (600mm), mức giá cũng dao động từ hàng phổ thông đến cao cấp; trong số này có hàng chục ống kính với chất lượng quang học rất cao, được trang bị nhiều tính năng lấy nét và chống rung vượt trội. Điều đáng nói là chúng không chỉ do Sony sản xuất, mà còn có sự tham gia của các hãng quang học trên toàn thế giới như Carl Zeiss, Voigtlander, Sigma, Tamron, Samyang (Rokinon), Tokina, Meike, Lensbaby, 7artisans, Zenit..., cho thấy sức ảnh hưởng của Sony đối với thị trường nhiếp ảnh là rất lớn.

sony

Số lượng ống kính ngàm E của Sony là vô cùng nhiều

Tiếp theo là về kích cỡ và hiệu năng. Như đã đề cập ở trên, ngàm E được thiết kế dành riêng cho các máy ảnh MRL, vốn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với máy ảnh DSLR truyền thống. Ngàm E là tiền đề để Sony có thể thiết kế ra những ống kính gọn gàng hơn, nhưng hiệu năng không hề thua kém các ống kính cồng kềnh ngàm A. Sony đã tập trung tối ưu hóa cơ chế chuyển động tuyến tính của các ống kính ngàm E, với nguyên tắc "5 không": không bánh răng, không thành phần cơ khí, không tiếp xúc, không ma sát, và không tiếng động; qua đó cải thiện được khả năng lấy nét trên hệ thống máy ảnh của mình (bù lại, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, vì tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhưng "tiền nào của nấy"). Một đặc điểm của máy ảnh Sony mà anh em "fanboy" rất tự hào là khả năng lấy nét ánh mắt người lẫn động vật thuộc hàng siêu tốc, vượt trội so với các máy ảnh DSLR trên thị trường. Tất nhiên, với những anh em "tay to", thích vẻ "hầm hố", vẫn có những ống kính ngàm E với kích thước khủng phù hợp với nhu cầu và sở thích.

Ống kính ngàm E còn có khả năng tương thích chéo, sử dụng được với các hệ thống APS-C lẫn Full-frame. Ông Masaaki Oshima khẳng định trong bài phỏng vấn với DC.watch rằng Sony sẽ tiếp tục phát triển dòng máy ảnh sử dụng cảm biến APS-C xa hơn nữa, chứ không thiên vị cảm biến full-frame. Có nghĩa là với chiến lược "One Mount", người dùng dòng máy ảnh A6XXX sẽ không phải lo lắng việc thiếu hụt những ống kính chất lượng. Sony A6XXX, A7X, A9X, VENICE... đều sử dụng một loại ngàm, một hệ ống kính, quả là tiện lợi. Hãy tưởng tượng bạn sử dụng một chiếc Sony A6400, còn bạn bạn sử dụng Sony A7r. Bạn có thể sắm những ống kính nhỏ gọn như 28mm f2 và 56mm f4 cho những dịp thông thường, và khi cần thiết, có thể mượn người bạn kia những ống kính full-frame như 70-200 hay 135mm – vấn đề thật đơn giản. Thậm chí sau này, khi bạn có nhu cầu cao hơn, cần nâng cấp lên những body tiên tiến hơn như A9 chẳng hạn, bạn cũng chẳng lo ngại việc phải cắn răng bán lỗ những ống kính cũ; chi phí đầu tư đường dài cho việc chơi ảnh đã được giảm thiểu như vậy đấy!

Kết

Nếu bạn đang thắc mắc, thì Sony đã theo đuổi chiến lược "One Mount" từ những ngày đầu phát triển dòng máy ảnh kỹ thuật số không gương lật. Trên thực tế, số lượng ống kính ngàm E xuất hiện ngày càng nhiều, với chất lượng ngày càng cao, đã chứng tỏ chiến lược của hãng dù cực kỳ tham vọng nhưng bước đầu đã đạt được thành công nhất định. Câu hỏi cần đặt ra lúc này là làm thế nào Sony có thể cân bằng giữa khả năng tương thích và chất lượng ống kính, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng ống kính cao cấp của người dùng các dòng máy cảm biến APS-C (mà hãng đã xác nhận sẽ tiếp tục là một trọng tâm), vừa hỗ trợ tốt cho các cảm biến full-frame với độ phân giải ngày càng cao mà hãng đã trang bị cho các máy ảnh thuộc dòng A7X và A9X thời gian qua.

Minh.T.T

Chủ đề khác