VnReview
Hà Nội

Hai ông lớn Trung Quốc bắt tay sản xuất hệ điều hành “nội địa” hoàn toàn mới

CS2C và Tianjin Kylin đã công bố kế hoạch phát triển một hệ điều hành máy tính Trung Quốc mới.

Theo trang Zdnet, hai nhà sản xuất hệ điều hành (OS) lớn nhất của Trung Quốc tuần trước đã công bố kế hoạch hợp tác nhau xây dựng một "hệ điều hành nội địa" mới cho thị trường nước này.

Hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc

Hai công ty này là China Standard Software (CS2C) và Tianjin Kylin Information (TKC), là các công ty phần mềm lớn nhất của Trung Quốc, được cho có mối quan hệ thân thiết với chính phủ Bắc Kinh.

Cả hai công ty này đều là những công ty sản xuất hệ điều hành Trung Quốc. CS2C đã tạo ra NeoKylin OS, hệ điều hành "nhái" Windows XP. Còn TKC là tác giả của Kylin, hệ điều ành "nhà làm" đầu tiên của Trung Quốc.

CS2C và TKC dự kiến sẽ thành lập một công ty mới và đóng vai trò nhà đầu tư, từ đó cùng phát triển hệ điều hành hợp tác giữa hai công ty.

Công ty mới này sẽ đảm nhiệm việc phát triển, đưa ra các quyết định công nghệ, quảng bá, tạo dựng thương hiệu, các vấn đề tài chính và kinh doanh đối với sản phẩm hệ điều hành mới.

CS2C và TKC đã từng có một thoả thuận miệng về việc đầu tư hệ điều hành mới này, và sẽ ký kết thoả thuận chính thức trong tương lai, theo công bố của hai công ty tại cuộc họp báo chung diễn ra vào ngày 6/12 (thứ 6 tuần trước).

Hai hệ điều hành Kylin và NeoKylin hiện tại sẽ đóng vai trò "nền" cho hệ điều hành mới, theo đại diện hai công ty. Như một minh chứng cho sự hợp nhất, hệ điều hành "nội địa" mới của Trung Quốc sẽ kết hợp giữa logo của Kylin OS hiện tại (hình con kỳ lân màu xanh dương) và logo của NeoKylin (hình con kỳ lân màu đỏ). Hệ điều hành "chung" của hai hãng vẫn chưa được đặt tên chính thức.

Lịch sử các hệ điều hành "cây nhà lá vườn" của Trung Quốc

Phần lõi của hai hệ điều hành này đều đến từ hệ điều hành Kylin nguyên bản, được toạ ra hồi năm 2001 bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc.

Hệ điều hành Kylin OS lại được phát triển dựa trên nền hệ điều hành FreeBSD thông qua chương trình 863 nổi tiếng của chính phủ nước này – một quỹ được lập ra vào những năm 1980 để thúc đẩy việc phát triển các công nghệ trong nước, nhằm giúp Trung Quốc giảm sự pụh thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Phiên bản dựa trên nền FreeBSD của Kylin OS chưa bao giờ thực sự thành công. Nó được triển khai trên một số mạng máy tính quân sự của Trung Quốc (nhưng không phải là tất cả), và cũng chưa bao giờ được sử dụng rộng rãi ngoại trừ trong giới nghiên cứu.

Hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc

Hệ điều hành này còn gặp phải một "scandal" lớn hồi năm 2016, khi có một sinh viên Trung Quốc với biệt danh Dancefire tiết lộ rằng các nhà phát triển Kylin đã sao chép một lượng lớn mã nguồn từ hệ điều hành FreeBSD v5.3, mà gần như không có sửa đổi nào (hoặc chỉ sửa đổi rất ít). Sự tương đồng về mã nguồn giữa hai dự án là 99,45%, một con số gây sốc.

Ngoài ra, còn có một phiên bản khác của hệ điều hành Kylin, được phát triển dựa trên kernel Linux, ra mắt lần đầu năm 2009. Đến năm 2014, công việc phát triển hệ điều hành này được chuyển giao từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc sang cho công ty TKC mới thành lập.

TKC đã mở rộng việc phát triển hệ điều hành Kylin. Đến nay, đã có các phiên bản Kylin khác nhau dành cho máy tính desktop thông thường, máy chủ và các thiết bị nhúng; với cả hai giấy phép sử dụng thương mại và miễn phí.

Những phiên bản Kylin trên nền Linux gặt hái được nhiều thành công hơn đáng kể so với phiên bản chạy trên nền FreeBSD. Chúng cũng được cài đặt trên các siêu máy tính Thiên hà 1 và Thiên hà 2, những siêu máy tính nhanh nhất thế giới ở thời điểm chúng ra mắt (vào năm 2010 và 2013). Hiện nay, cả hai siêu máy tính này đều sử dụng một phiên bản Kylin OS đặc biệt có tên gọi là Galaxy Kylin.

Phiên bản "cộng đồng" của Kylin OS hiện vẫn đang được cung cấp miễn phí. TKC cho biết hệ điều hành này được tải về 24 triệu lần mỗi năm.

Tuy nhiên, khi hệ điều hành Kylin đầu tiên vẫn còn đang gặp khó trong việc tiếp cận thị trường và chưa thể chiếm vị trí hệ điều hành nội địa phổ biến nhất Trung Quốc, thì công ty CS2C đã tiến hành chỉnh sửa mã nền của Kylin và ra đời một phiên bản thân thiện hơn với người dùng có tên gọi NeoKylin vào năm 2010.

CS2C, thông qua công ty con là Winning Software, đã phát triển NeoKylin thành một cái tên "đình đám" thực sự. NeoKylin hiện tương thích với hơn 4.000 sản phẩm phần mềm và phần cứng, được cài đặt sẵn trên đa số các máy vi tính bán ra tại Trung Quốc, và đã "lấy đi" một thị phần lớn từ tay TKC.

Cả Kylin và NeoKylin đều chưa đủ sức "loại bỏ" Apple hay Microsoft khỏi vị trí hệ điều hành phổ biến nhất trên máy tính cá nhân tại Trung Quốc. Song, CS2C cho biết họ và TKC đang nắm tới 90% thị phần hệ điều hành máy tính trong khối nhà nước. Năm 2014, chính quyền Bắc Kinh dã hỗ trợ hai công ty này để thay thế những hệ điều hành nước ngoài bằng sản phẩm trong nước, trong đó chủ yếu là hệ điều hành NeoKylin.

Một nỗ lực mới nhằm thay thế phần mềm nước ngoài đang được tiến hành

Tin tức về mọtt "hệ điều hành nội địa" mới của Trung Quốc đang được phát triển đến cùng thời điểm với việc trang tin Financial Times hồi cuối tuần qua cho biết chính phủ Bắc Kinh lần thứ hai nỗ lực nhằm loại bỏ công nghệ nước ngoài, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Hoa Kỳ.

Trang tin trên cũng cho hay Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ và các tổ chức công phải thay thế các sản phẩm phần cứng và phần mềm nước ngoài bằng các sản phẩm nội địa trước năm 2022, theo một chương trình quốc gia mới có tên "3-5-2".

Một nguồn tin từ một công ty phần mềm Trung Quốc cho hay nỗ lực hồi năm 2014 của Bắc Kinh nhằm thay thé hệ điều hành Windows bằng các hệ điều hành bản địa đã đem đến "tác dụng phụ", khi các cơ quan chính phủ lựa chọn các hệ điều hành khác nhau, làm "phân mảnh" hệ sinh thái "toàn Windows" trước đó.

Mặc dù Kylin và NeoKylin có cùng một mã nền chung, nhưng chúng vẫn có những điểm khác biệt. Kylin chủ yếu tập trung vào môi trường máy chủ và đám mây, còn NeoKylin từ trước đến nay vẫn luôn cố gắng hỗ trợ càng nhiều nền tảng nhất có thể.

Chẳng hạn, NeoKylin là hệ điều hành Trung Quốc duy nhất hỗ trợ "cả 6 mẫu CPU được phát triển và sản xuất trong nước", gồm Feiteng, Godson, Zhaoxin, Shenwei, Haiguang, và Kunpeng.

Hiện tại, có nhiều ứng dụng chạy được trên Kylin nhưng không tương thích với NeoKylin và ngược lại, gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý một hệ thống công nghệ thông tin quốc gia do những vấn đề tương thích.

Với kế hoạch loại bỏ hoàn toàn phần mềm và phần cứng nước ngoài khỏi các hệ thống của chính phủ trong ba năm, có lẽ đã có "lệnh" từ chính quyền Bắc Kinh yêu cầu hợp nhất hai hệ điều hành này thành một nền tảng.

Chính phủ Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn luôn có những động thái "nhúng tay" mạnh mẽ nhằm kiểm soát thị trường công nghệ trong nước, chủ yếu là thông qua các công ty do nhà nước sở hữu và các công ty con.

CS2C, công ty phát triển NeoKylin, là một công ty con trực thuộc Tập đoàn Điện tử Trung Quốc (CEC), công ty công nghệ lớn nhất do nhà nước sở hữu. Buổi thông cáo báo chí chung công bố việc phát triển hệ điều hành nội địa chung giữa CS2C và TKC được tổ chức tại trụ sở chính của CEC tại Bắc Kinh.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung buộc chính quyền Trung Quốc phải can thiệp

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 9 vừa qua, David Roche, Chủ tịch Independent Strategy, cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung buộc chính quyền Trung Quốc một lần nữa phải "nhúng tay" nhằm loại bỏ công nghệ Mỹ, chẳng hạn như bán dẫn, phần cứng và phần mềm.

"Trung Quốc sẽ không bao giờ tin tưởng vào Mỹ được nữa, và họ sẽ tự chủ được công nghệ trong vòng 7 năm tới," Roche trả lời CNBC.

Ông cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.

"Đây là mâu thuẫn giữa một thế lực đang nổi lên và một thế lực đang suy yếu đi… Đó không chỉ là vấn đề thương mại," Roche cho hay.

Rõ ràng Trung Quốc đã có một chiến lược "dài hơn" để đối phó với chiến tranh thương mại. "Hệ điều hành nội địa" chỉ đóng một vai trò nhỏ trong số đó.

Quang Huy

Chủ đề khác