VnReview
Hà Nội

Doanh nghiệp Nhật và Mỹ là “trùm” về máy móc chế tạo tấm nền LCD, OLED, vượt xa Hàn và Trung

Khi nhắc đến thị trường chế tạo tấm nền, ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến sự thống trị của Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ để họ có được vị thế như ngày nay, xuất phát từ Nhật và Mỹ.

Trung Quốc thì dẫn đầu về màn hình LCD, Hàn Quốc lại thống trị màn hình OLED, thế nhưng, cả hai đều lệ thuộc vào máy móc đến từ Mỹ và Nhật. Những công ty có trình độ chế tạo máy móc công nghiệp hàng đầu thế giới, giúp các hãng màn hình chế tạo được tấm nền LCD và OLED. Đó là Canon, Nikon, Applied Materials.

Một hệ thống dùng để sản xuất màn hình của Canon (ảnh: Canon)

Theo số liệu IHS Markit có được, từ năm 2017 đến 2019 thì các doanh nghiệp máy móc và trang bị đến từ Nhật Bản đã chiếm một nửa doanh thu toàn thị trường, còn Hàn Quốc chỉ chiếm 25%. Hai cái tên đình đám là Canon và Nikon chuyên sản xuất các hệ thống tiếp xúc màn hình, nắm 98% thị phần gộp trong suốt ba năm qua.

Nhiều người sẽ chỉ biết đến họ qua máy ảnh kỹ thuật số, nhưng thực ra cả hai đều có mảng sản xuất máy móc công nghiệp rất phát đạt. Các hệ thống phức tạp và đắt tiền của họ được các hãng màn hình như Samsung, LG, BOE,... sử dụng để chế tạo tấm nền LCD, OLED. Đây cũng là loại trang bị tốn kém nhất trong một nhà máy màn hình.

Nhờ các hệ thống của Nhật và Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc có thể chế tạo ra các tấm nền kích thước rất lớn (ảnh: Innolux)

Nikon, dẫn đầu về hệ thống Gen 10.5, được dùng để xử lý các tấm kính nền có kích thước lớn nhất hiện nay. Nhờ vậy mà chúng ta có thể sản xuất được màn hình lên đến 100 inch. Đó là các TV có màn hình khổng lồ của Sony, Samsung. Với đường chéo có thể đạt 98 hay 105 inch, thậm chí 110 inch, hình ảnh trở nên sống động như thể nhìn qua khung cửa sổ chứ không còn là màn hình hiển thị nữa.

Đối với hệ thống làm bay hơi, tiếp tục là Canon và Ulvac chiếm thị phần lần lượt 55% và 11%. Hàn Quốc có một đại diện là Sunic chiếm 12%. Tuy nhiên, IHS Markit cho biết các đơn hàng đang đổ về Canon nhiều hơn vì trình độ kỹ thuật đầu ngành của họ. Đối với hệ thống lắng đọng chân không hóa học CVD, công ty Mỹ Applied Materials nắm trong tay 84% thị phần trong suốt ba năm qua.;

Các doanh nghiệp Canon, Nikon, Applied Materials, TEL, Ulvac,... có sự hiện diện lớn ở thị trường máy móc chế tạo tấm nền (ảnh: Nikkei)

LG sử dụng một số thiết bị nội địa để sản xuất lớp TFE và TFT của màn hình, cung cấp bởi Jusung Engineering. Thị phần của hãng này trên thị trường trang thiết bị sản xuất màn hình toàn cầu là 8%. Ở nhà máy đang được Samsung Display xây dựng, sản xuất màn hình QD-OLED dựa trên công nghệ Blue OLED, người ta tin rằng họ đang mua các hệ thống bay hơi từ Canon.

Đối với hệ thống lắng đọng chân không vật lý PVD, doanh nghiệp Nhật và Mỹ lại tiếp tục đứng đầu. Lần lượt là Ulvac nắm 52% và Applied Materials có 22%. Theo một nhà quan sát ngành công nghiệp, "các hãng Nhật vẫn dẫn đầu khi nói về doanh thu của máy móc công nghiệp chế tạo". Nhìn chung, họ kiểm soát phần lớn thị trường trang thiết bị dùng để chế tạo tấm nền.

Màn hình OLED 8K của LG Display (ảnh: LG)

Tuy nhiên, vẫn có một số nơi mà Hàn Quốc nắm thế thượng phong. Ở thị trường thiết bị ELA, AP System có thị phần lớn nhất với 60%, theo sau là hãng Nhật JSW 26%, LG PRI 14%. Ở thị trường thiết bị làm ướt, DMS và KCTech lần lượt dẫn đầu với 36% và 29%.

Năm 2006, Nhật nắm thị phần 66% ở thị trường trang thiết bị chế tạo tấm nền, Hàn Quốc có 18%, Mỹ và châu Âu có thị phần gộp 14%. Đến 2017, nhờ sự đầu tư mạnh tay mà Hàn Quốc vươn lên 33%, Nhật giảm xuống 46% và khối Mỹ-châu Âu là 18%. 


Ambitious Man

Chủ đề khác