VnReview
Hà Nội

Cuối năm căng thẳng: Sony không sản xuất kịp cảm biến hình ảnh đáp ứng nhu cầu thị trường

Sony đang chạy đua với thời gian để sản xuất cảm biến hình ảnh theo đơn đặt hàng từ các đối tác, nhưng có vẻ như lãnh đạo công ty lúc này đang ước gì một ngày dài hơn 24 giờ.

sony

Theo hãng tin;Bloomberg, đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà máy sản xuất chip của công ty Nhật Bản phải hoạt động xuyên kỳ nghỉ lễ cuối năm để kịp đáp ứng nhu cầu về cảm biến sử dụng trong các camera trên điện thoại di động của khách hàng. Gã khổng lồ điện tử trong năm tài khóa vừa qua đã chi gấp đôi số vốn so với năm ngoái, lên mức hơn 2,6 tỷ USD, vào lĩnh vực kinh doanh này và còn đang xây dựng một nhà máy mới tại Nagasaki, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 4/2021.

"Xét theo tình hình hiện tại, kể cả khi tất cả các khoản đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, có lẽ là vẫn chưa đủ" – Shimizu Terushi, giám đốc bộ phận bán dẫn của Sony, cho biết. "Chúng tôi sẽ phải xin lỗi khách hàng vì chúng tôi không thể sản xuất đủ đơn hàng".

Hiện nay, các cụm camera sau 3 ống kính đã trở nên khá phổ biến, khi mà các nhà sản xuất xem thông số camera là một yếu tố then chốt để thuyết phục khách hàng "lên đời" điện thoại. Các mẫu smartphone mới nhất từ Samsung và Huawei được trang bị các cảm biến với độ phân giải vượt mức 40MP, có thể chụp các hình ảnh ở góc siêu rộng và kèm theo đó là các cảm biến chiều sâu. Năm nay, Apple cũng tham gia vào cuộc đua với chiếc iPhone 11 Pro sở hữu cụm camera 3 ống kính. Đó là lý do tại sao trong khi sức tăng trưởng của thị trường smartphone đang chững lại, thì doanh số cảm biến hình ảnh của Sony tiếp tục tăng cao.

"Camera đã trở thành yếu tố lớn nhất để phân biệt giữa các nhãn hiệu smartphone, và mọi người muốn các hình ảnh và video họ đăng tải lên mạng xã hội trông thật đẹp" – Masahiro Wakasugi, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence nói. "Sony đang tận dụng làn sóng nhu cầu đó rất tốt".

iphone

iPhone 11 Pro với cụm camera 3 ống kính

Bán dẫn hiện là lĩnh vực kinh doanh sinh lời nhất của Sony sau PlayStation. Hồi tháng 10, công ty này đã nâng dự báo thu nhập hoạt động đối với bộ phận chip thêm 38%, lên mức 200 tỷ Yên, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020, sau khi lợi nhuận quý II nhảy vọt lên gần 60%. Sony dự báo doanh thu từ bộ phận bán dẫn sẽ tăng 18% lên mức 1,04 nghìn tỷ Yên, trong đó cảm biến hình ảnh chiếm 86%.

Công ty còn đang tái đầu tư một phần rất lớn lợinhuận đó vào kinh doanh với các kế hoạch đầu tư khoảng 700 tỷ Yên (khoảng 6,4 tỷ USD) trong giai đoạn 3 năm, kết thúc vào tháng 3/2021. Hầu hết các khoản chi sẽ được dùng vào việc nâng cao năng suất sản phẩm cảm biến hình ảnh hàng tháng lên 138.000 tấm wafer, so với hiện nay là khoảng 109.000 tấm. Samsung, đối thủ lớn nhất của Sony trên lĩnh vực này, công bố tại cuộc họp cổ đông gần đây nhất rằng họ cũng sẽ tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu, mà theo Samsung thì sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Hồi tháng 5, Sony cho biết họ kiểm soát 51% thị trường cảm biến hình ảnh xét theo doanh thu và đang hướng đến con số 60% vào năm tài khóa 2025. Shimizu ước tính chỉ trong năm nay, "miếng bánh" của Sony sẽ tăng khoảng vài phần trăm.

Như nhiều đột phá công nghệ quan trọng khác của cuối thế kỷ 20 – từ bóng bán dẫn đến laser và các tế bào quang điện – cảm biến hình ảnh được phát minh tại Bell Laboratories. Nhưng chính Sony là công ty đã thương mại hóa thành công phát minh này. Sản phẩm đầu tiên của họ là một "con mắt điện tử" lắp đặt trên máy bay vận tải All Nippon Airways vào năm 1980 để chiếu các hình ảnh hạ cánh và cất cánh từ buồng lái. Kazuo Iwama, người dưới vai trò là một phó chủ tịch của công ty, từng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển kéo dài cả một thập kỷ, đã qua đời trước khi bộ phận kinh doanh máy quay phim của Sony ra mắt thành công vào năm 1985. Trên bia mộ của Iwama hiện có gắn một cảm biến CCD để tri ân những đóng góp của ông đối với công ty.

sony

Module camera 3D Time-of-Flight của Sony

Sony hiện đang nghiên cứu một thế hệ các cảm biến mới có thể nhìn thế giới trong môi trường 3 chiều. Công ty sử dụng một phương thức gọi là "time of flight" (thời gian bay), trong đó cảm biến sẽ bắn ra những xung laser vô hình và đo quãng thời gian chúng chạm đến vật thể và dội ngược lại để tạo ra các mô hình chiều sâu chi tiết. Phương thức này giúp camera di động có thể cho ra những bức ảnh chân dung đẹp hơn bằng cách chọn chính xác hơn vùng hậu cảnh để làm mờ đi, và nó còn có thể được áp dụng trong các game di động, nơi các nhân vật ảo có thể tương tác với các môi trường thế giới thực một cách thực tế hơn. Nếu được tích hợp vào camera trước của điện thoại, các cảm biến ToF sẽ cho phép sử dụng các cử chỉ tay và bắt chuyển động khuôn mặt để tạo ra các avatar hoạt họa.

Samsung và Huawei từng giới thiệu các mẫu điện thoại flagship với cảm biến 3D. Apple được cho là sẽ giới thiệu một mẫu iPhone có camera 3D vào năm 2020. Shimizu từ chối bình luận về các khách hàng cụ thể, nhưng cho biết Sony đã sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao đáng kể trong năm tiếp theo.

"Đây là năm khởi đầu của time of flight" – Shimizu nói. "Một khi bạn bắt đầu thấy các ứng dụng thú vị của công nghệ này, nó sẽ là động lực để mọi người mua những chiếc điện thoại mới".

Minh.T.T

Chủ đề khác