VnReview
Hà Nội

Huawei liệu có nên vĩnh viễn từ bỏ Android?

Chúng ta từng thấy rất nhiều công ty thử, và rồi thất bại khi tìm cách cạnh tranh với Google và Apple.

huawei

Cách đây vài ngày, trong một buổi họp báo của công ty, một vị đại diện Huawei lên tiếng rằng công ty sẽ không tìm cách để được sử dụng trở lại phiên bản Android chính thức với các dịch vụ Google đi kèm nếu và khi lệnh cấm vận đối với Huawei được gỡ bỏ. Thay vào đó, tham vọng Android của Huawei sẽ tập trung vào hệ điều hành "chính chủ" mang tên Harmony OS.

Tất nhiên, điều này có nghĩa những vấn đề hiện tại mà Huawei đang phải đối mặt – các smartphone của hãng không thể truy cập đến bất kỳ ứng dụng Google nào – sẽ tiếp diễn không hồi kết.

Phát biểu nói trên khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, một tuyên bố sau đó cũng đến từ công ty Trung Quốc dường như đã gạt bỏ sang một bên khẳng định của vị đại diện nói trên. Dù Huawei không thực sự xác nhận hay phủ nhận điều gì, tuyên bố mới của họ cho thấy rõ ràng rằng hãng sẽ vui vẻ mang phiên bản Android chính thức – cùng với các ứng dụng Google – lên các điện thoại của mình nếu có cơ hội.

Dù rằng, có lẽ Huawei nên chọn hướng đi như phát biểu đầu tiên. Có lẽ đã đến lúc Huawei tập trung toàn diện cho Harmony OS và làm điều họ có thể để mang đến cho người tiêu dùng một sự lựa chọn khả thi thay thế cho Android và iOS.

Nếu có một ai đó có thể, thì đó chính là Huawei

huawei

Trước khi lệnh cấm vận đối với Huawei bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái, Huawei đang trên đà trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất hành tinh. Ngay cả lúc này, khi lệnh cấm đang cản trở tiến trình tăng trưởng, Huawei vẫn vượt mặt được Apple trong năm 2019 để trở thành OEM lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung.

Nếu có một công ty nào đó có nguồn lực tài chính và đội ngũ tài năng cần thiết để mang đến một hệ điều hành smartphone thứ 3 đáng để lựa chọn, đó hẳn là Huawei.

Ví dụ, chiếc Huawei Mate 30 Pro, được Huawei ra mắt sau lệnh cấm vận, không đi kèm các ứng dụng Google. Dù vậy, hãng vẫn bán được 12 triệu máy. Với hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã quen với sự vắng mặt của Google, Huawei có thể thoải mái thử nghiệm hệ điều hành của chính mình mà không phải quá lo lắng về hệ quả có thể gây ra đối với doanh thu.

Đầu tư vào một hệ điều hành là một khoản đầu tư lâu dài, và Huawei sẽ không thể tránh khỏi những thua lỗ xét về ngắn hạn trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển Harmony OS để tạo nên dấu ấn cho chính mình. Nhưng hệ điều hành này sẽ ngăn được những vấn đề như lệnh cấm vận xảy ra một lần nữa, cũng như củng cố hơn nữa tham vọng trở thành không chỉ một nhà sản xuất smartphone hàng đầu mà còn là một nhà kiến tạo công nghệ của Huawei.

Nói dễ hơn làm

huawei

Hiển nhiên, tạo nên một hệ điều hành mới để cạnh tranh với Android và iOS không phải là chuyện dễ dàng. Huawei chắc chắn sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Qua nhiều năm, chúng ta đã từng thấy nhiều đối thủ tìm cách phá vỡ thế độc quyền kép trên thị trường hệ điều hành di động, nhưng rồi thất bại thảm hại trong việc lôi kéo người tiêu dùng từ Google và Apple.

Ngay cả khi không để ý đến chuyện đó, Huawei cũng sẽ gặp phải những khó khăn lớn trong việc khuyến khích mọi người sử dụng Harmony OS, vì một lý do: nó là của Huawei. Lệnh cấm vận xảy đến với Huawei là bởi chính phủ Mỹ không tin tưởng Huawei và đưa ra một loạt các cáo buộc nhắm vào công ty, liên quan đến gián điệp, đánh cắp tài sản trí tuệ, lừa đảo, và thậm chí là vi phạm vào các hiệp ước quốc tế.

Tuy nhiên, Huawei đã và đang làm mọi thứ để lau sạch hình ảnh của mình. Cho đến nay, hãng đã chi ra hàng tỷ đô để giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, và các quốc gia khác – đáng chú ý nhất là Anh – hiện đã sẵn sàng cho Huawei một cơ hội.

Huawei vẫn chưa thoát khỏi tình hình tồi tệ. Họ sẽ cần phải tự đưa mình ra khỏi vũng bùn, vậy thì tại sao không tận dụng cơ hội này để biến xấu thành tốt và nhân tiện phát triển Harmony OS thành một lựa chọn khả thi thứ 3?

Có lẽ cả ngành công nghiệp cần một cú hích

huawei

Ai cũng biết ngành công nghiệp smartphone đang trong thời kỳ xáo trộn. Người ta không còn mua smartphone nhiều như họ từng mua, và cải tiến (ngoài điện thoại màn hình gập) thì đang chững lại ở thời điểm hiện tại. Có lẽ một hệ điều hành mới sẽ là thứ mà các OEM cần để xoay chuyển thị trường. Có lẽ một mối đe dọa tiềm tàng, thực sự - rằng hàng tỷ người đang dùng Android và iOS sẽ "nhảy xuồng" sang một thứ gì đó khác – sẽ khiến các công ty lo sợ, buộc phải dấn thân thực hiện những điều mang tính rủi ro cao.

Như đã nói ở trên, hiện nay không nhiều công ty có khả năng làm điều đó, nhưng Huawei thì có thể. Với tất cả những lý do đó, năm 2020 có thể sẽ là một trong những năm quan trọng nhất trong lịch sử Huawei.

Minh.T.T

Chủ đề khác