VnReview
Hà Nội

Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi liên minh xây dựng kho ứng dụng đối chọi Google Play

Liên minh Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo mới đây đã công bố hợp tác tạo nên một nền tảng, cho phép các nhà phát triển quốc tế đưa ứng dụng và nội dung của họ lên tất cả các cửa hàng ứng dụng tương thích với từng hãng.

Theo The Verge, Huawei đã kêu gọi các ông lớn smartphone Trung Quốc chung tay tạo ra Liên minh Dịch vụ các Nhà phát triển (GDSA) trong nỗ lực hạn chế sự thống trị độc quyền của các dịch vụ của Google, cụ thể đây là kho ứng dụng Play Store.

Kể từ khi Google bị cấm cửa ở Trung Quốc, người dùng Android nước này đã quen với việc tải xuống các ứng dụng từ nhiều cửa hàng khác nhau, phần lớn trong số đó là của Oppo (với Oppo App Market) hay Huawei (với App Gallery).

Nhưng khi vượt qua biên giới Trung Quốc, cửa hàng Google Play lại chiếm vị trí độc tôn, là nơi duy nhất để các nhà phát triển có thể phát hành ứng dụng của họ đến với người dùng Android. Điều đó đã khiến không ít nhà sản xuất phải phụ thuộc nhiều vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ, cũng như vật lộn với sự hỗ trợ từ các nhà phát triển trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, lợi thế của Google dường như đang bị đe dọa bởi nền tảng GSDA mới từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Trên trang web của mình, GSDA cho biết sẽ bắt đầu khởi động vào tháng 3 tới và sẽ có mặt tại 9 quốc gia, khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Theo đó, GDSA sẽ không có mặt đồng loạt, mà còn tuỳ thuộc vào nhà sản xuất và quốc gia. Oppo và Vivo sẽ là hai nhà sản xuất đầu tiên đưa GDSA vào Việt Nam.

Một điều khá lạ là Huawei không góp mặt trên danh sách trên, mặc cho Reuters khẳng định Huawei có tham gia GDSA.

Hãng tin Reuters lưu ý rằng, mỗi hãng smartphone trong liên minh hiện nay đều đang có cho mình những thị trường tiềm năng. Có thể kể đến như Xiaomi ở Ấn Độ, hay Huawei ở châu Âu. Ước tính, thị phần của bốn hãng gộp lại đang chiếm khoảng 40% lượng smartphone được bán ra trên thế giới tính đến quý 4/2019.

Mục đích chính của GSDA là cung cấp giải pháp giúp các nhà phát triển có thể cùng lúc phát hành ứng dụng của mình lên mọi cửa hàng ứng dụng, mà vẫn đảm bảo mức độ tương thích giữa các thiết bị của các hãng.

Đối với Huawei, sự thống trị của Google Play Store ở thị trường quốc tế là một vấn đề đáng lưu tâm. Năm ngoái, nhà sản xuất Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách đen của Mỹ, cấm tiếp cận với công nghệ nước này, đồng thời mất đi giấy phép sử dụng các ứng dụng và dịch vụ của Google, bao gồm cả kho ứng dụng Play Store trên các smartphone Huawei.

Trước tình hình này, Huawei đã có những động thái đáp trả khi mạnh dạn cho ra mắt chiếc Huawei Mate 30 ở thị trường quốc tế mà không có sự hỗ trợ từ Google. Công ty cũng tuyên bố sẽ xây dựng một hệ điều hành riêng, có tên Harmony OS để thay thế Android trên smartphone Huawei.

Đồng thời, Huawei cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD tài trợ cho sự phát triển của nền tảng này, khuyến khích các nhà phát triển tham gia xây dựng bộ dịch vụ Huawei Mobile Services để thay cho các dịch vụ của Google.

Hiện nay, cửa hàng Play Store đang mang đến nguồn doanh thu cực kỳ lớn cho Google, chiếm 30% doanh số bán trên tổng các kênh bán hàng của hãng. Tính riêng trong năm 2019, Google Play Store đã thu về được khoảng 8,8 tỷ USD trên toàn thế giới.

Việc hợp tác của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm muốn có được một "miếng bánh thị phần" trên toàn cầu. Tuy nhiên, trước tình hình virus corona diễn biến phức tạp, có thể dự án GSDA sẽ bắt đầu trễ hơn dự kiến.;

Thái Âu

Chủ đề khác