VnReview
Hà Nội

Xiaomi bán được nhiều TV hơn Sony trong năm 2019

Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit vừa công bố báo cáo về thị trường truyền hình năm 2019. Qua đó cho thấy vị thế thống trị của TV Hàn Quốc cùng sự nổi lên của một cái tên đến từ Trung Quốc.

Theo số liệu từ IHS Markit, Samsung là thương hiệu TV số 1 thế giới 14 năm liên tiếp, với việc dẫn đầu ở nhiều phân khúc và tiêu chí đánh giá trong báo cáo năm 2019 của họ. Dựa trên doanh thu, công ty Hàn Quốc dẫn đầu với 30,9% - lần đầu tiên vượt quá mốc 30%. Con số này tăng so với thời điểm 2017 đạt 26,5% và 29% của 2018.

Samsung chiếm gần 1/3 doanh thu thị trường TV toàn cầu (ảnh: Samsung)

LG đứng thứ hai với 16,3%. Nếu gộp hai thương hiệu Hàn Quốc thì họ chiếm đến gần một nửa doanh thu thị trường TV toàn cầu. Xếp thứ ba vẫn là Sony (Nhật Bản), thị phần giảm 0,7% xuống còn 9,4%. Hisense và TCL của Trung Quốc lần lượt hạng 4 và 5 với cùng 6,4% thị phần. Nhìn chung không có thay đổi lớn so với năm 2018.

Nhưng đó là theo doanh thu, còn theo khối lượng bán hàng, IHS Markit ghi nhận đã có sự xáo trộn về thứ hạng. Top 5 hãng TV lớn nhất theo doanh số lần lượt là Samsung (19,8%), LG (12,2%), TCL (9,2%), Hisense (7,8%) và đặc biệt, vị trí số 5 là Xiaomi với 5,8% thị phần. Công ty đã qua mặt Sony để vươn lên vị trí này.

Dẫn đầu thị trường TV toàn cầu vẫn là ba cái tên quen thuộc Samsung, LG và Sony (ảnh: Pulsenews)

Ở phân khúc TV cao cấp mệnh giá từ 2.500 USD trở lên, Samsung dẫn đầu với 52,4% thị phần, bỏ xa hãng đứng thứ hai là Sony (24,7%). Cả hai chiếm đến hơn 3/4 phân khúc này nhờ "sức nặng thương hiệu". Bên cạnh đó, công ty Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu ở phân khúc TV màn hình lớn (từ 75 inch trở lên) với 49,6%.

Theo các chuyên gia, việc Samsung dẫn đầu ở hai phân khúc quan trọng nhất là nhờ đóng góp của dòng TV QLED. Ước tính trong năm 2019, tổng doanh số dòng này gấp đôi đối thủ OLED, chỉ riêng Samsung đã bán được hơn 5,3 triệu đơn vị, gấp đôi năm 2018.

Sony chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp ở thị trường TV, cạnh tranh Samsung và LG (ảnh: Sony)

Còn với sự soán ngôi TV Sony của Xiaomi, chúng ta cần phải nhìn nhận tổng quan về hai hãng. Sony tập trung xây dựng hình ảnh cao cấp, cạnh tranh LG và Samsung, còn Xiaomi vẫn loanh quanh phân khúc giá rẻ. Trong khi Sony theo đuổi lợi nhuận, Xiaomi lại tích cực thúc đẩy doanh số bằng mọi cách.

Chính sự khác biệt trong tư duy chiến lược đã dẫn đến cục diện giữa hai hãng: Xiaomi áp đảo doanh số, còn Sony chiếm nhiều lợi nhuận. Công ty Nhật Bản từ chối hạ giá để cạnh tranh các hãng Trung Quốc mà điển hình là Xiaomi, nhằm bảo toàn thương hiệu. Còn Xiaomi từ chối ra mắt TV cao cấp đối đầu ông lớn.

Xiaomi chọn đi theo con đường TV giá rẻ, thúc đẩy doanh số nhằm mở rộng hệ sinh thái (ảnh: Xiaomi)

Dẫn đến tuy mất vị thế về khối lượng bán hàng, Sony vẫn đứng hạng cao ở phân khúc cao cấp và chia theo doanh thu. Giá bán trung bình (ASP) TV Sony cao gấp đôi đến gấp ba TV Trung Quốc, nên dù bán ít hơn Hisense, TCL và Xiaomi, thương hiệu Nhật Bản vẫn có mức doanh thu lớn hơn bất kỳ hãng Trung Quốc nào.

Ngược lại, Xiaomi nhắm đến quy mô bán hàng ngay từ đầu nhằm mở rộng độ phủ của hệ sinh thái. Hãng liên tục khoe khoang về doanh số TV, ví dụ trong năm 2019 đã bán được hơn 10 triệu đơn vị tại riêng Trung Quốc (không bao gồm TV Redmi). Việc họ vượt mặt doanh số TV Sony chỉ là xảy ra trong sớm muộn.

Ambitious Man

Chủ đề khác