VnReview
Hà Nội

Các thương hiệu thời trang nhanh như H&M và Zara “gặp hạn” lớn vì dịch Covid-19

Theo một phân tích của hãng nghiên cứu tài chính UBS, các thương hiệu thời trang nhanh đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, đặc biệt là các thương hiệu lớn như H&M, Inditex và thương hiệu con Zara.

Hồi tháng trước, UBS đã chia sẻ một nghiên cứu cho thấy các nhà bán lẻ Châu Âu sẽ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất. Đứng đầu là H&M, Inditex và nhà bán lẻ đồ gia dụng Dunelm (Anh Quốc). Kết luận này được UBS đưa ra sau khi phân tích doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc, tổng giá trị sản phẩm và số lượng hàng tồn quay vòng nhanh ra sao. UBS cũng cân nhắc tất cả các yếu tố tác động tiềm năng.

Giá trị của các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất. Dịch Covid-19 buộc các nhà máy sản xuất hàng thời trang nhanh phải đóng cửa trên khắp Trung Quốc, khiến chuỗi cung thời trang tại Trung Quốc bị xáo trộn mạnh. Ngay cả khi các nhà máy đã dần mở cửa trở lại, công suất vẫn chưa thể đạt mức tối đa.

Theo UBS, thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 50% tổng giá trị sản phẩm bán ra của H&M và chỉ đứng hai sau Dunelm.

Nhìn vào tổng giá trị thay vì tỷ lệ phần trăm các mặt hàng tại một quốc gia giúp việc đánh giá sự phụ thuộc chính xác hơn. Các nhà bán lẻ thời trang nhanh như Dunelm thường sản xuất các mặt hàng có chi phí cao tại Trung Quốc, vì tại đây có nhiều nhà máy đủ năng lực sản xuất sản phẩm may mặc phức tạp như áo khoác. Trong khi đó, hãng chọn sản xuất các loại hàng may mặc cơ bản như áo phông ở các quốc gia khác.

Biểu đồ cho thấy tác động của Dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến các nhà bán lẻ thời trang ở Châu Âu

Nhiều sản phẩm có thể đến từ các quốc gia khác. Nhưng nếu bạn nhìn vào lượng hàng tồn kho và xét về giá bán của chúng tại các cửa hàng, bạn sẽ thấy thế cân bằng đã bị thay đổi.

Inditex mặt khác chỉ chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa từ Trung Quốc. Nhưng thương hiệu này lại có tỷ lệ hàng tồn kho cao nhất. Thương hiệu lớn nhất của hãng là Zara có thể biến một thiết kế thành sản phẩm hoàn chỉnh nhanh hơn nhiều so với các đối thủ và nhanh chóng đưa sản phẩm đó lên gian hàng trực tuyến của mình. Nhưng tất nhiên Zara cũng dựa vào chuỗi cung ứng để vạch ra các chiến lược sản phẩm. UBS ước tính, Inditex có tỷ lệ doanh số chiếm tới 8,7% tại thị trường Trung Quốc, cao hơn H&M là 6,1%.

Hiện rất khó để có thể dự đoán tác động của dịch Covid-19 với ngành thời trang nhanh trên thế giới, bởi tình hình dịch bệnh có thể thay đổi theo từng ngày và từng giờ. Tuy nhiên, H&M cho biết, hãng chưa ghi nhận tình trạng chậm trễ về nguồn cung nào cho tới thời điểm này.

Trên thực tế, Trung Quốc với vị thế là nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới chính là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn cho các hãng. Nếu Trung Quốc "khỏe mạnh", ngành thời trang thế giới sẽ được hưởng lợi. Trung Quốc đang là nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn nhất cho các nhà sản xuất hàng may mặc trên thế giới. Trong đó các thương hiệu đồ thể thao có khả năng gặp rủi ro cao nhất bởi họ có ít sự lựa chọn thay thế đối với các loại vải và chất liệu đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc.

Trong khi đó, một số nhà máy dệt may ở Campuchia và Myanmar đã cảnh báo, họ có thể phải ngừng hoạt động nếu nguồn cung nguyên liệu thô từ Trung Quốc không sớm phục hồi.

Tiến Thanh

Chủ đề khác