VnReview
Hà Nội

Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 1998 vì Covid-19

Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ xuống mức thấp nhất trong năm nay sau 22 năm, do đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh doanh tại các khu vực lớn trên thế giới phải đóng cửa, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo Nikkei, ADB cũng cảnh báo về những cuộc khủng hoảng tài chính và ước tính dịch bệnh có thể sẽ lấy đi 2 nghìn tỷ USD đến 4,1 nghìn tỷ USD, tương đương 2,3% -4,8% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới vào năm 2020.

Tại châu Á, khu vực được đánh giá là đang phát triển, ngân hàng ADB cho biết tăng trưởng sẽ giảm còn 2,2% trong năm nay, mức chậm nhất kể từ khi "đáy" 1,7% vào năm 1998, một năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực này đã chậm lại ở mức 5,2% trong năm ngoái do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Dự kiến, tăng trưởng có thể tăng trở lại mức 6,2% vào năm tới, với giả thuyết virus SARS-CoV-2 được kiểm soát và nền kinh tế tiếp tục hoạt động như trước.

"Không ai có thể nói đại dịch COVID-19 có thể lan rộng đến mức nào và việc ngăn chặn đại dịch có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến", Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho biết trong ấn phẩm Phát triển Kinh tế châu Á, một ấn phẩm về kinh tế của ngân hàng được nhiều người theo dõi. "Tình huống bất ổn tài chính nghiêm trọng và khủng hoảng tài chính không thể xem nhẹ".

Trung Quốc, nơi xuất hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào tháng 1, có khả năng sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, giảm so với mức 6,1% của năm ngoái. Song Trung Quốc sẽ sẵn sàng phục hồi lên mức 7,3% vào năm tới.

Du lịch và các ngành công nghiệp hàng hóa bị tác động mạnh mẽ bởi lệnh cấm du lịch và phong tỏa các thành phố. Chín nền kinh tế châu Á có mức tăng trưởng dựa vào các lĩnh vực này có khả năng chịu tác động lớn hơn. Các nền kinh tế này là Thái Lan (-4,8%), Hồng Kông (-3,3%), Maldives (-3,3%), Timor Leste (-2,0%), Fiji (-4,9%), Vanuatu (-1,0%), Cook Islands (-2,2%), Palau (-4,5%) và Samoa (-3,0%).

Các quốc gia có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, nước đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại, dự kiến mức tăng trưởng sẽ giảm tốc mạnh mẽ. Sau khi tăng 4,4% vào năm ngoái, Đông Nam Á được dự đoán chỉ tăng thêm 1,0% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,7% vào năm tới.

Trong đó, ADB dự báo Việt Nam ​​sẽ có sự tăng trưởng vượt trội trong khu vực với 4,8% vào năm 2020, và lên 6,8% vào năm 2021.

Sau khi tăng 5,1% trong năm ngoái, Nam Á sẽ tăng 4,1% trong năm nay và 6,0% trong năm tới. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được cho là tăng 4,0% trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng, trước khi đạt mức 6,2% tăng trưởng vào năm tới.

"COVID-19 chưa lan rộng ở Ấn Độ, nhưng các biện pháp ngăn chặn virus và môi trường toàn cầu yếu hơn sẽ khiến Ấn Độ gánh chịu hậu quả", ADB cho biết.

Trung Á, quê hương của các nhà sản xuất dầu mỏ như Kazakhstan và Azerbaijan, sẽ tăng 2,8% trong năm 2020 trước khi đạt 4,2% trong năm tới trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu thấp hơn.

Sawada cho biết cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus là những nỗ lực "mạnh mẽ và phối hợp", đặc biệt là đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương. Ông cũng nói rằng mức tăng trưởng vẫn có thể được điều chỉnh xuống.

"Diễn biến của đại dịch toàn cầu – kèm theo đó là triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và khu vực – rất không chắc chắn," Sawada nói. "Tăng trưởng có thể thấp hơn, và sự phục hồi có thể chậm hơn mức chúng tôi hiện đang dự báo".

Hoàng Lan

Chủ đề khác