VnReview
Hà Nội

MIT công bố miễn phí thiết kế máy thở giá rẻ chống dịch Covid-19

Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachussets (MIT) của Mỹ hy vọng rằng thiết kế máy thở tự động giá rẻ của họ sau khi được công bố rộng rãi sẽ có thể giúp các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang gặp vấn đề về hô hấp.

Các thiết bị thở tự động với mặt nạ chụp mũi, tương tự với loại máy thở cơ động được sử dụng trên xe cứu thương, đang được phổ biến rộng rãi. Thiết kế của loại thiết bị này được nhiều kỹ sư, sinh viên y khoa và những người có sở thích nghiên cứu xây dựng nên và chia sẻ tràn lan nhằm khắc phục tình trạng thiếu máy thở khi dịch bệnh bùng phát mạnh hơn. Tuy nhiên những bản thiết kế này chưa được kiểm nghiệm chất lượng và độ an toàn.

Thiết bị hỗ trợ thở thường được dùng trên xe cấp cứu (Ảnh: UNICEF)

Thiết bị hỗ trợ thở thường được dùng trên xe cấp cứu (Ảnh: UNICEF)

Gần đây, nhóm nghiên cứu của MIT đã mở một website tiết lộ Dự án Máy thở khẩn cấp MIT gọi là E-Vent. Dự án này hiện đang "đệ trình" lên Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) để nhanh chóng phê duyệt theo "Ủy quyền sử dụng khẩn cấp". Tuần trước, trang tin MIT Technology Review cho biết nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên lợn trong những ngày qua, tuy vậy kết quả thử nghiệm chưa được công bố.

"Hiện tại, chúng tôi đang chờ phản hồi từ FDA",;một thành viên trong nhóm trả lời phỏng vấn. "Mục đích cuối cùng của chúng tôi là được FDA cấp giấy phép. Tuy nhiên quá trình này sẽ mất một khoảng thời gian".

Nhưng hiện nhóm nghiên cứu đã có thể đáp ứng mục tiêu cơ bản của dự án này là liệu tự động hóa một máy thở thủ công có đủ an toàn để hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong vấn đề hô hấp?

Nếu câu trả lời là có, hy vọng việc công khai rộng rãi thiết kế, kết quả kiểm nghiệm và các thông tin y tế khác có thể giúp các nhà sản xuất có đủ năng lực và chuyên môn cần thiết để sản xuất các loại thiết bị này một cách tin cậy, an toàn và giá cả phải chăng. Dù vậy, trên website dự án vẫn nhấn mạnh rằng thiết bị này chỉ nên được sản xuất dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế đã được đào tạo và đây không phải là thiết bị thay thế cho loại máy thở dành cho các trường hợp đặc biệt "với các tính năng, độ linh hoạt và hiệu quả lâm sàng" đã được FDA thông qua.

"Thiết bị E-Vent của MIT được dự đoán là có thể giúp giải phóng nguồn thiết bị hiện có hay hỗ trợ khi không còn lựa chọn nào khác trong các trường hợp sống còn", website của dự án giới thiệu.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota cũng đang phát triển một thiết bị tương tự dựa trên thiết bị thở tự động có trên xe cấp cứu. Nhóm nghiên cứu này cũng hy vọng họ sẽ sớm có thể công bố rộng rãi thiết kế của mình.

Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đưa vào Trung tâm Y tế Mỹ tại Houston vào đầu tháng này (Ảnh: AP)

Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đưa vào Trung tâm Y tế Mỹ tại Houston vào đầu tháng này (Ảnh: AP)

Dự án của MIT bắt nguồn từ khoảng 10 năm trước, một nhóm sinh viên MIT thuộc khoa thiết kế máy đã hợp tác với Jussi Saukkonen tại Trung tâm Y tế Đại học Boston phát triển một phiên bản máy thở dựa trên những nguyên lý tương tự. Những sinh viên này đã công bố bản thiết kế của mình, tuy nhiên chúng chưa từng được sản xuất.

Thiết kế này tập trung vào nhóm đối tượng là vùng nông thôn ở các quốc gia đang phát triển. Đây là những nơi có tỉ lệ cao gặp phải các bệnh mãn tính về hô hấp trong khi khả năng tiếp cận các loại máy thở chuyên dụng có hạn. Dù vậy, họ cũng khẳng định rằng thiết kế này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng tại Mỹ khi xảy ra bệnh dịch trên diện rộng, đây chính là trường hợp đang xảy ra hiện nay.

Tại thời điểm đó, nhóm thiết kế ước tính mỗi thiết bị sẽ có giá khoảng 100 USD, trong khi những loại máy thở thông thường tại bệnh viện cũng đã có giá lên đến hàng chục nghìn USD.

Nhóm nghiên cứu hiện tại của MIT phát triển thiết bị mới dựa trên bản thiết kế gốc. Nhóm thiết kế đã sửa đổi một số chi tiết để thiết bị có thể dễ dàng sử dụng và có hiệu quả tốt hơn. Trên website của nhóm ghi rằng thiết kế phiên bản mới sẽ chắc chắn hơn và có khung bằng kim loại.

Những nỗ lực sản xuất máy thở tăng mạnh bắt đầu từ sau khi dịch Covid-19 khiến hệ thống bệnh viện tại Ý, Trung Quốc và Iran khủng hoảng, các báo cáo cho biết bệnh viện đã phải đưa ra lựa chọn cứu người có tỉ lệ sống cao hơn. Các quan chức tại New York và Washington cho biết họ sẽ sớm thiếu hụt trầm trọng lượng máy thở cần thiết.

Theo số liệu từ Trung tâm An ninh Y tế Mỹ vào tháng 2/2020, Mỹ có gần 170 nghìn máy thở có thể sử dụng được. Tuy vậy, một đại dịch cúm năm 1918 đã cho thấy số bệnh nhân cần máy thở có thể lên đến 740.000 người.

Các công ty chuyên sản xuất máy thở cũng đã tìm cách đẩy mạnh sản xuất trong thời gian qua. Ventec Life System đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô GM để nâng cao số lượng sản xuất, tương tự, GE Healthcare cũng đã hợp tác với Ford.

Minh Bảo theo MIT Technology Review

Chủ đề khác