VnReview
Hà Nội

MediaTek "cầm đầu" đường dây gian lận điểm benchmark

Gian lận điểm benchmark không còn xa lạ với ngành công nghiệp smartphone. Tuy nhiên, mặc cho những gì mà truyền thông liên tục chỉ trích, cho rằng đó là hành vì lừa dối khách hàng về hiệu năng thiết bị, hành động đó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Bài viết do trang công nghệ Anandtech đăng tải, bóc trần sự thật về hành vi qua mặt người dùng của MediaTek và các hãng smartphone. VnReview lược dịch cho bạn đọc.

Helio P95 vượt qua Dimensity 1000L?

Chiếc máy đầu tiên khiến tôi chú ý là Oppo Reno3 Pro, bán tại châu Âu với chipset MediaTek Helio P95. Điểm benchmark của nó rất ấn tượng, nằm ngoài dự đoán ban đầu của tôi về một SoC dựa trên Cortex A75. Tuy nhiên, khi tôi nhận được một chiếc Oppo Reno3 khác dành cho thị trường Trung Quốc, chạy chip Dimensity 1000L về lý thuyết phải mạnh hơn Helio P95 mới phải, thì kết quả lại rất mâu thuẫn. Phiên bản Trung Quốc cho thấy điểm benchmark kém hơn bản châu Âu.

Điểm benchmark thực tế và đã gian lận của Oppo Reno3 Pro

Thật không may, suy nghĩ ban đầu của tôi tự nhiên lại nghĩ ngay đến hành vi gian lận. Thực tế thì PCMark mà tôi sử dụng không thường xuyên nhắm đến việc xác định hành vi gian lận điểm số. Nó là một công cụ đánh giá hướng tới tái hiện công việc trong thực tế, nhằm đo đặc khả năng xử lý và tốc độ đáp ứng của máy. Không chỉ phần cứng mà còn cả phần mềm cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả benchmark. Ngoài ra, nếu bạn cố tăng hiệu suất, có thể sẽ ảnh hưởng đến thời lượng pin trong bài test.

Một phiên bản Reno3 Pro chạy chip Snapdragon 765G lại ứng xử rất bình thường với tất cả ứng dụng, bao gồm cả benchmark. Cho nên nếu vấn đề nằm ở Oppo, đáng lẽ nó phải xác định riêng PCMark đang khởi chạy để tăng hiệu suất mới phải. Chính vì thế, tôi quyết định đào sâu vào phiên bản chạy MediaTeck của Oppo Reno3 và dần phát hiện ra, họ là thủ phạm sau cùng để qua mặt người dùng nhiều năm qua.

Danh sách giúp máy nhận biết các phần mềm benchmark để tăng hiệu năng

Lục lọi trong firmware, có một tệp tin liệt kê các ứng dụng sẽ được áp dụng một tinh chỉnh quản lý sức mạnh riêng, bao gồm cả APK ID dành cho PCMark. Danh sách ứng dụng này bao gồm hầu hết các trình benchmark phổ biến của ngành công nghiệp, như GeekBench, AnTuTu và 3DBench,... Có cả những công cụ đánh giá về hiệu suất trí tuệ nhân tạo, mà gần đây chúng tôi cũng đưa vào để đánh giá SoC dựa trên tác vụ AI. Điều khiến tôi shock hơn, đó là phiên bản doanh nghiệp của GFXBench.

Như vậy, họ không chỉ muốn qua mặt người dùng phổ thông hay dùng các trình đánh giá phổ biến. Ngay cả các phiên bản đặc biệt vốn dành cho thiểu số như là các đơn vị xuất bản truyền thông như chúng tôi, cũng thuộc diện mục tiêu. Khi "Sport Mode" được kích hoạt với các ứng dụng cụ thể trong danh sách, ngay lập tức hàng loạt tinh chỉnh phần mềm được tiến hành nhằm mang lại hiệu suất ở mức cao nhất.

Máy cố tình mở khóa nút hiệu suất của chipset để đạt được điểm số cao nhất có thể, còn trong sử dụng bình thường khó đạt tới

Hầu như máy nào chạy MediaTek cũng có

Điều tệ hại ở chỗ, không chỉ Oppo mà nhiều điện thoại khác cũng có cài đặt kiểu này. Nó khiến người dùng lầm tưởng về hiệu suất thiết bị khi các con số trả về khá ấn tượng, dù rằng trong đời thực thì hiệu năng lại không đạt tới mức đó. Một số có thể bị shock khi chứng kiến danh sách kéo dài của các hãng có thiết bị gian lận hiệu năng. Thiết bị cũ nhất là Xperia XA1 của Sony, ra mắt từ năm 2016 với chipset Helio P20.

Việc Sony xuất hiện ở đây rất đáng chú ý. Bởi công ty Nhật Bản vốn tránh rất tốt các vấn đề này, họ được biết tới với hồ sơ tương đối "sạch" và hiếm khi bị bắt gặp gian lận cái gì đó. Điều này củng cố thêm nghi ngờ của chúng tôi ở trên, cơ chế này không xuất phát từ phía hãng sản xuất mà tự có từ MediaTek, tích hợp thẳng vào gói phần mềm hỗ trợ bảng mạch BSP.

Hầu như thiết bị nào chạy chip MediaTek cũng đều cho những con số benchmak không đáng tin

Phản hồi của MediaTek là gì?

Điều này khiến chúng tôi cực kỳ lo ngại và cuối cùng MediaTek cũng đã lên tiếng chính thức. Nhìn chung, nó không được như kỳ vọng ban đầu của chúng tôi. Họ khẳng định việc định trước nhiều mức hiệu suất để tối ưu con chip tốt hơn, điểm số benchmark sẽ cho thấy khả năng của SoC. Tuy nhiên, nó chỉ đúng khi các công cụ đánh giá tốc độ thô của CPU hay GPU riêng lẻ.

Trong trường hợp PCMark, nó tập trung mô phỏng lại sức nặng công việc mà máy phải đối mặt trong đời thực, vận hành toàn bộ thiết bị chứ không đơn thuần là chipset.

Dường như MediaTek đang đi đầu trong công cuộc gian lận điểm số?

Cơ chế gian lận này sẽ không tồn tại nếu không có yêu cầu nó như một giải pháp. Từ góc nhìn của MediaTek rằng họ chỉ đang cố đáp ứng các khách hàng của mình - các hãng điện thoại Android, câu hỏi ở đây là ai đã đưa ra đề nghị trước? Liệu có phải một số hãng đã gặp MediaTek để đưa ra những yêu cầu như vậy, hay do công ty tự mình phát triển các công cụ nhằm "nâng cấp" điểm số cho các chipset của mình? Thực tế, không có bằng chứng cho thấy các đơn vị sản xuất SoC khác cũng làm tương tự. Rõ ràng là MediaTek không nên quanh co nữa, càng chối chỉ càng khiến họ mất mặt hơn mà thôi.

Ambitious Man (tham khảo Anandtech)

Chủ đề khác