VnReview
Hà Nội

Nhật Bản đứng trước canh bạc lớn: Chuyển dây chuyền từ Trung Quốc về nước hoặc sang ASEAN

Gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp đã được chính phủ Nhật Bản thông qua hôm 7/4 có đề cập đến việc tái lập chuỗi cung ứng, hỗ trợ các công ty Nhật chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc mang sang các quốc gia Đông Nam Á. Liệu đây có phải là cơ hội tốt để Nhật Bản thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc?

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tính đến gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp, gồm khoản tiền hơn 2,25 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản di dời cơ sở sản xuất tại Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên liệu canh bạc này có thành công?

Giữa mùa dịch Covid-19, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề xuất chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để tránh sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Nhưng tại sao Nhật Bản lại có kế hoạch như vậy trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải chịu tác động từ đại dịch Covid-19?

Liệu rằng việc tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc có hiệu quả và nó có ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước? Tất nhiên còn quá sớm để biết chính sách "thoát Trung" của Nhật Bản có phát huy tác dụng hay không. Nhưng đã có nhiều bài học đi trước cho thấy điều này không hề dễ dàng.

Cụ thể là bài học của Mỹ trong việc kéo chuỗi cung ứng thoát khỏi Trung Quốc. Kết quả thu về cho đến nay vẫn rất khiêm tốn. Việc giảm thuế suất doanh nghiệp năm 2017 của Trung Quốc đã đem tới những món lợi cực kỳ lớn về lợi nhuận tích lũy ở nước ngoài, đồng thời làm mờ mắt các công ty đa quốc gia của Mỹ. Bước đi này của Trung Quốc cũng giúp nước này thu hút khoảng 500 tỷ USD đầu tư trong năm 2018. Tuy nhiên phần lớn số tiền này được dùng để mua lại cổ phiếu và tăng chi trả cổ tức thay vì đầu tư vào chuỗi cung ứng mới ở Trung Quốc.

Có vẻ như các công ty quốc tế đã cân nhắc rất lâu về các rủi ro chính trị, thể chế, pháp lý và quy định liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc. Do đó ngay cả khi đỉnh điểm căng thẳng trong thương chiến giữa Mỹ-Trung Quốc nổ ra, dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng khoảng 3% mỗi năm. Vào cuối năm 2019, một cuộc khảo sát doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, 87% doanh nghiệp không định di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và không có kế hoạch làm điều đó trong lúc này.

Theo The Diplomat, lý do để các công ty Mỹ tiếp tục gắn bó với Trung Quốc không hề khó hiểu. Bởi lẽ họ thường đầu tư vào chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc hòng dễ dàng tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Theo một khảo sát gần đây của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, có hơn 3/4 các công ty Mỹ cho biết hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc thậm chí còn phát đạt hơn tổng thể trên toàn cầu.

Vậy các công ty Nhật Bản có thể làm được điều mà các công ty Mỹ không làm được?

Đầu tiên vị trí địa lý của Nhật Bản phù hợp hơn với so với Mỹ. Đông Á đang nổi lên là khu vực sản xuất nhiều hàng hóa quan trọng cho thế giới. Đáng chú ý khi các lĩnh vực như máy tính/điện tử chiếm tới một nửa tổng giá trị xuất khẩu của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nền kinh tế Đông Nam Á.

Do đó sẽ dễ hơn để một công ty của Nhật Bản chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và quay trở lại Nhật Bản hoặc chuyển tới một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam. Điều này nhìn chung thuận lợi và khả thi hơn rất nhiều so với các công ty Mỹ nếu muốn quay trở lại Mỹ để hoạt động. Ngay cả khi di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, các công ty Nhật Bản vẫn có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực mà không bị phụ thuộc như các công ty Mỹ.

Hơn nữa những tiến bộ về công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và in 3D sẽ giúp giảm nhu cầu lao động và chi phí đầu vào, thậm chí thu hẹp quy mô nhà xưởng. Nhờ đó ngay cả khi các công ty Nhật phải đưa dây chuyền về nước họ cũng không quá lo lắng về vấn đề nhân lực.

Lao động Nhật Bản tuy có tay nghề cao nhưng dân số lại đang bị thu hẹp và hạn chế đất đai xây dựng các nhà xưởng. Hiện tại Nhật đang đứng thứ 4 trên thế giới về mật độ robot, sau Hàn Quốc, Singapore và Đức.

Thứ hai và liên quan đến thời điểm dịch bệnh hiện nay. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ nghiêm trọng chuỗi cung ứng khu vực và trên toàn cầu. Và khi nhu cầu tăng chậm lại, các nhà sản xuất cũng ít phải gồng mình chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì đây là lúc thích hợp để đánh giá và tổ chức lại chuỗi cung ứng.

Thứ ba môi trường chính trị khu vực và thế giới đang có sự thay đổi. Thế giới hậu Covid-19 chắc chắn sẽ là sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt khi Mỹ đang liên tục chỉ trích và đưa ra các cáo buộc liên quan đến dịch bệnh tại Trung Quốc.

Rất có thể trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục giáng các đòn trừng phạt và hạn chế kinh tế mới đối với quốc gia tỷ dân. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải có kế hoạch phòng ngừa bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nếu không may các biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng lây tới họ.

Hơn nữa việc Trung Quốc dồn sức cho cuộc chiến thương mại và gia tăng căng thẳng với Mỹ sẽ là cơ hội hoàn hảo để Nhật Bản bứt lên, tự làm chủ chuỗi cung ứng và tạo khoảng cách kinh tế với Trung Quốc.

Nền kinh tế thứ hai thế giới có nguy cơ "trọng thương" nếu Mỹ, Nhật Bản cùng lúc rời khỏi Trung Quốc?

Không bất ngờ khi những kế sách của ông Abe đã tới tai các chính khách Trung Quốc và nó đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi tại nước này.

Một nguồn tin trong ngành kinh tế cho biết, giới lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại về việc các công ty nước ngoài "lũ lượt" rút khỏi Trung Quốc. Trong đó các quan chức có nhắc đến cả kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ Nhật Bản.

Nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã kết thúc chuyến thăm tới Nhật Bản. Và ông Tập có thể đã tự hào tuyên bố rằng một kỷ nguyên mới trong quan hệ Trung-Nhật đã mở ra. Và ông cũng sẽ cổ vũ ông Abe tổ chức thành công sự kiện Olympic 2020. Tuy nhiên chuyến thăm đó đã bị hoãn lại và mối quan hệ Trung-Nhật đang đứng ở giữa ngã ba đường.

Tín hiệu về việc xây dựng chuỗi cung ứng độc lập và thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc đã xuất hiện từ ngày 5/3. Đó cũng là thời điểm có thông báo về chuyến công du của ông Tập chính thức bị hoãn. Khi đó chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp. Với tư cách chủ tịch hội đồng, ông Abe cho biết ông muốn các cơ sở sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ sớm quay lại Nhật Bản.

Ông Abe nhấn mạnh: "Do đại dịch Covid-19, có rất ít sản phẩm được chuyển từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Mọi người đang rất lo lắng về chuỗi cung ứng. Chúng ta nên cố gắng di dời các mặt hàng có giá trị gia tăng cao sang Nhật Bản. Và với các mặt hàng khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở các quốc gia ASEAN".

Thông điệp của ông Abe là chính xác trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt khi hoạt động mua sắm phụ tùng ôtô và các sản phẩm khác mà Nhật Bản sử dụng nhà máy ở Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Còn về phần Trung Quốc, quốc gia tỷ dân vẫn đang phải vật lộn với hậu quả để lại của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế trì trệ trong suốt một khoảng thời gian dài ban hành lệnh cách ly, phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố lớn. Chưa kể theo thống kê mới đây của Tổng cục thống kê Trung Quốc, GDP quý I của nước này đã giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992.

Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc vực dậy nền kinh tế trong tháng 2 nhưng do áp lực của lệnh phong tỏa, người dân hạn chế chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm đã khiến nền kinh tế Trung Quốc không thể gắng gượng được.

Trong trường hợp các công ty Mỹ và Nhật Bản đều rút dây chuyền khỏi Trung Quốc, đó chắc chắn sẽ là một vấn đề đau đầu cho nền kinh tế nước này vì ngoài các công ty trong nước có tiềm lực lớn thì Trung Quốc cũng đang phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn đầu tư nước ngoài và gia công sản phẩm cho các công ty đa quốc gia.

Tiến Thanh

Chủ đề khác