VnReview
Hà Nội

Những công nghệ TV thất bại ê chề nhất lịch sử

Khi nhắc đến bước tiến của lịch sử công nghệ, thường người ta sẽ nói về các công nghệ thành công. Tuy nhiên, không phải lúc nào công nghệ mới cũng đạt hiệu quả như mong muốn ban đầu.

Trang công nghệ Digital Trends tổng hợp dưới đây các thất bại công nghệ ê chề nhất lịch sử ngành truyền hình. VnReview xin lược dịch gửi tới bạn đọc.

Cuộc chiến băng Beta và VHS

Đây được xếp vào hàng kinh điển của lịch sử công nghệ thế giới. Vào những năm 1980, định dạng băng Betamax của Sony, lúc ấy đã là gã khổng lồ công nghệ, đối đầu với băng VHS của người đồng hương JVC. Định dạng do Sony phát triển cung cấp chất lượng hình ảnh, âm thanh cao hơn, kích thước nhỏ gọn hơn. Tuy nhiên, Sony từ chối cấp phép bản quyền cho các công ty điện tử khác mà muốn độc quyền định dạng này.

Hai định dạng băng từ Betamax (trên) và VHS (dưới) (ảnh: paste Magazine)

JVC lại có cách tiếp cận khác, họ mở cửa cho các hãng cùng tham gia phát triển sản phẩm dựa trên VHS. Kết quả, các thiết bị hỗ trợ VHS bùng nổ trên thị trường, làm giảm nhu cầu sử dụng băng Betamax. Đứa con của Sony dần thất thế và cuối cùng phải chịu thất bại cay đắng trước đối thủ, dù có chất lượng cao hơn. Tuy vậy, đó chỉ là câu chuyện ở thị trường tiêu dùng, còn ở môi trường phát sóng chuyên nghiệp, Betamax lại sống khỏe và trở thành định dạng băng từ thống trị.

TV máy chiếu sau

Khi nói đến TV, kích thước luôn là giới hạn. Trong những năm 1990, công nghệ CRT đã thống trị ngành công nghiệp truyền hình gặp phải nhược điểm lớn - khó sản xuất kích thước trên 32 inch vì quá đắt. Plasma sau đó khắc phục được nhược điểm đó, nhưng nó lại đắt tiền và gặp vấn đề về nhiệt độ, burn-in, độ sáng kém.

TV LCD khắc phục hầu hết các vấn đề mà CRT và plasma gặp phải, ngoại trừ chất lượng hình ảnh thời gian đầu không bằng, màu đen không sâu và tương phản kém. Và thế là một giải pháp được tính đến, đặt một máy chiếu RGB ở sau lưng thùng TV, sau đó phản chiếu hình ảnh của nó qua một màn hình trong suốt. Tạo thành một chiếc TV giống như rạp phim thu nhỏ.

TV máy chiếu sau của Sony (ảnh: Digital Trends)

Công nghệ này có lợi thế lớn nhất là chi phí, nó rẻ hơn bất kỳ công nghệ nào trước đó xét theo từng inch đường chéo. Tuy nhiên, nhược điểm cũng không ít, góc nhìn của loại này cực kỳ kém. Theo thời gian, plasma và LCD dần lấn át và biến loại TV này thành đồ bỏ. Chúng đã bị đào thải từ năm 2005 như một công nghệ mang tính bước đệm và thử nghiệm.

Cuộc chiến HD DVD và Blu-ray

Sau cuộc chiến đình đám giữa Betamax và VHS, ngành công nghiệp lại tiếp tục đi vào một cuộc chiến định dạng nữa. Toshiba dẫn đầu phe HD DVD và phía bên kia lại vẫn là Sony với định dạng đĩa Blu-ray. Thật trùng hợp phải không nào, Sony lại một lần nữa tham gia vào cuộc chiến định dạng mới, đủ cho thấy họ là một công ty điện tử có bề dày thành tích như nào trong ngành.

Với bài học từ thất bại chua chát của Betamax, Sony lần này đã có hẳn một chiến dịch mang tính toàn cầu nhằm đè bẹp HD DVD. Họ tìm cách lôi kéo các hãng phim lớn trên thế giới để hỗ trợ cho Blu-ray, đặc biệt có một lợi thế áp đảo đối thủ là sở hữu sẵn một hãng phim cho riêng mình - Sony Pictures.

Ở cuộc chiến Blu-ray và HD DVD, Sony đã là kẻ chiến thắng (ảnh: Engadget)

Cuộc chiến định dạng giữa Sony và Toshiba đã lôi kéo rất nhiều công ty công nghệ và giải trí tham gia, tốn nhiều giấy mực của báo chí. Đối thủ Microsoft lúc đó đã lựa chọn hỗ trợ HD DVD cho hệ console Xbox của mình tại thời điểm ấy, đối chọi lại Sony đưa Blu-ray vào PS3 bất chấp ổ đĩa đó khiến máy bị đội giá. Nhưng cuối cùng, kẻ chiến thắng lại là Sony.

HD DVD nhanh chóng bị đánh bật và chìm vào lãng quên, dù bạn có thể tìm thấy vài đĩa còn sót lại ở đâu đó trên các kệ hàng. Toshiba đã phải chịu tổn thất lên tới 1 tỷ USD vì cuộc chiến này. Từ đó về sau, ngành công nghệ rất dè chừng trước nguy cơ bùng nổ môt cuộc chiến về định dạng, các hãng lựa chọn hợp tác và hỗ trợ chéo cho nhau, thay vì cố tách riêng và đối đầu.

TV 3D

Một trong những công nghệ bị "ném đá" nhiều nhất sau khi chứng minh được sự thất bại của mình. Nếu như ở các rạp chiếu, phim 3D cùng các máy chiếu 3D vẫn còn được ưa chuộng vì đem lại trải nghiệm ấn tượng, thì công nghệ này đã chết ở phòng khách các gia đình. Bất chấp các hãng TV đã cố quảng cáo và thúc đẩy nó.

Rất nhiều người đã mua TV 3D vì những lời quảng cáo hấp dẫn, để rồi nhanh chóng bỏ xó tính năng này (ảnh: Digital Trends)

Sau khi trở thành xu hướng năm 2010, chỉ ba năm sau người ra bắt đầu đặt câu hỏi về tính thực tiễn của công nghệ này. Đến năm 2019, chẳng còn chiếc TV nào hỗ trợ tính năng xem 3D nữa. Theo Digital Trends, nhiều lý do khiến TV 3D không cất cánh như kỳ vọng của các hãng sản xuất. Ngoài trải nghiệm không tốt, thiếu hụt nội dung 3D cũng là nguyên nhân nhiều người nhắc đến.

TV màn hình cong

"Cú lừa" vĩ đại nhất của các hãng sản xuất TV. Khi mà TV 3D đang "hấp hối", người ta mong muốn có thứ gì đó mới mẻ, hấp dẫn để thu hút khách hàng. Và TV màn hình cong xuất hiện như một cứu cánh cho các công ty sản xuất TV. Ý tưởng là mở rộng tầm nhìn cho người xem bằng cách bẻ cong màn hình, đem lại cảm giác nhập vai hơn, chìm vào bộ phim.

Thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Trong khi thiết kế cồng kềnh hơn và khó treo tường cũng như bố trí trong không gian, TV màn hình cong không thực sự cung cấp trải nghiệm nhập vai như hứa hẹn. Đặc biệt, góc nhìn trở thành vấn đè nhức nhối vì hình ảnh chỉ được bảo toàn khi ở góc chính giữa. Theo Digital Trends, họ đã thử rất nhiều mẫu nhưng không tìm ra điểm vượt trội so với màn hình phẳng thông thường.

Samsung vẫn kiên quyết bám trụ với màn hình cong dù không còn quảng cáo nó rầm rộ nữa (ảnh: Samsung);

Hiện tại, gần như các hãng đều đã bỏ màn hình cong ra khỏi danh mục sản phẩm. Samsung hay TCL vẫn còn kinh doanh một số TV màn hình cong nhưng họ cũng không tập trung quảng bá đặc điểm này nữa. Có thể nói, đây là tính năng dư thừa không cần thiết khi tính toán mua một chiếc TV mới. Mặc dù thất bại ở thị trường truyền hình, màn hình cong lại trở thành điểm nhấn ở màn hình máy tính.

TV màn hình 21:9

Trong ngành công nghiệp, có hai tỉ lệ tiêu chuẩn phổ biến nhất là 16:9 và 21:9, cái trước là tỉ lệ truyền hình, cái sau là tỉ lệ điện ảnh. Các phim chiếu rạp đều áp dụng tỉ lệ 21:9 cho khung hình rộng hơn, trình bày được nhiều nội dung hơn, ví dụ Jaws, The Matrix, Alien, Blade Runner,...

Do vậy, khi thưởng thức một bộ phim 21:9 trên màn hình 16:9 của TV, có hai dải đen to đùng xuất hiện ở trên và dưới. Nếu bạn đang xem TV OLED thì điều này không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng với LCD, đó thật là trải nghiệm tệ hại vì công nghệ này không sản sinh màu đen đủ sâu.

Màn hình 21:9 nhanh chóng biến mất trên TV vì lợi bất cập hại (ảnh: Digital Trends)

Vậy là một số hãng lại nghĩ ra loại TV 21:9 nhằm triệt tiêu dải đen khi xem phim. Thật không may, những video 16:9 lại không thể xem trọn vẹn với màn hình này mà có dải đen ở hai bên trái và phải. Khỏi phải nói cũng biết, khách hàng khi được lựa chọn đã quyết định sống chung với tỉ lệ 16:9 hơn là 21:9.

Tuy vậy, tỉ lệ 21:9 lại rất được ưa chuộng ở thị trường màn hình PC. Với những người phải xử lý nhiều công việc cùng lúc hoặc game thủ, những màn hình ultrawide cong là lựa chọn yêu thích số 1. Trên smartphone, sau khi tỉ lệ 16:9 bị loại bỏ thì các hãng không thống nhất chung một tỉ lệ nữa. Gần đây, họ có xu hướng kéo dài màn hình điện thoại và áp dụng các tỉ lệ 20:9, 21:9.

Tích hợp camera

Camera trước đã xuất hiện trên nhiều đồ công nghệ như smartphone, laptop,... Vậy tại sao không đặt chúng vào TV? Thật không may, các chuyên gia bảo mật đã nhanh chóng chỉ ra mối nguy hại từ những camera dễ bị hack đó. Chúng quá dễ bị chiếm quyền kiểm soát, sau đó phục vụ mục đích xấu của hacker. Vậy nên danh mục TV tích hợp camera nhanh chóng biến mất.

Một chiếc TV Samsung tích hợp camera trước đây

Thế nhưng, gần đây lại có một số hãng quyết đem nó trở lại. Khác với trước đây, camera sẽ tích hợp lên viền và luôn luôn nhìn vào phòng khách, phòng ngủ, đem lại cảm giác bất an cho gia chủ, loại mới sử dụng cơ chế trồi sụt. Nhờ thế mà chúng ta có thể phát hiện bất thường khi nó bỗng nhiên hiện lên.

Ambitious Man

Chủ đề khác