VnReview
Hà Nội

Huawei thắng lớn trong cuộc đua xây mạng 5G trị giá 170 USD tại Trung Quốc

Huawei đang nổi lên là người thắng lợi trong nỗ lực xây dựng loạt mạng 5G trị giá 170 tỷ USD của chính phủ Trung Quốc nhằm chiếm vị trí dẫn đầu về công nghệ mạng thế hệ mới trước đối thủ Mỹ.

Hồi đầu năm nay, Huawei đã đánh bại các đối thủ Ericsson AB và ZTE trong thương vụ lắp đặt thiết bị mạng 5G trị giá 4 tỷ USD cho nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile. Theo hãng tin Bloomberg, Huawei hiện chiếm hơn nửa hợp đồng mạng 5G của nhà mạng China Mobile.

Trong bối cảnh bị nhiều nước phương Tây cô lập, Huawei đang dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước để giữ đà tăng trưởng. Sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Bắc Kinh đã liên tục đứng ra bảo vệ Huawei và ba nhà mạng lớn của nước này cũng tham gia hỗ trợ thông qua các hợp đồng xây dựng mạng.

Trung Quốc đã dành nhiều năm để dẫn đầu về 5G và nỗ lực này giờ càng trở nên cấp bách hơn sau khi đại dịch virus Covid-19 khiến nền kinh tế nước này lần đầu suy giảm sau nhiều thập kỷ. Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao vào tháng Ba, chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra tầm quan trọng của công nghệ trong việc vực dậy nền kinh tế. Vài tuần sau đó, cơ quan quản lý viễn thông của Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đẩy nhanh mở rộng vùng phủ sóng mạng 5G.

"Mạng 5G sẽ là nền tảng quan trọng để các công ty sáng tạo như Alibaba, Tencent, Baidu và nhiều kỳ lân công nghệ có thể xây dựng các ứng dụng mới", Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận chính sách công nghệ toàn cầu tại Eurasia Group cho biết. "Bắc Kinh muốn các công ty Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua 5G".

Trung Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 170 tỷ USD để xây dựng mạng 5G trong vòng 5 năm tới, trực tiếp tạo ra việc làm cho hơn 3 triệu người. Nhà phân tích Cui Kai đến từ hãng IDC cho rằng, đầu tư 5G của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2022 và 2023.

Năm nay, ba nhà mạng viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sẽ chi tổng cộng 25 tỷ USD cho các dự án liên quan đến mạng 5G, bao gồm xây dựng các trạm phát sóng và smartphone hỗ trợ mạng 5G. Tất nhiên, các nhà mạng này vẫn phải đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp công nghệ.

Các hợp đồng 5G ở Trung Quốc mang lại cho Huawei khả năng suy trì tăng trưởng cần thiết trong bối cảnh các dự án ở châu Âu bị đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19. Đầu tuần này, Huawei công bố tăng trưởng doanh thu đạt 1,4% trong 3 tháng đầu năm, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do tác động của chính sách cấm vận của Mỹ và sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Huawei dự kiến sẽ xây dựng hơn 132 ngàn trạm phát sóng 5G cho China Mobile trên toàn quốc với tổng gói thầu trị giá 3 tỷ USD. Tổng cộng Huawei chiếm tới 56% tổng giá trị các gói thầu 5G của China Mobile. Trong khi đó, đối thủ ZTE chỉ được hưởng gói thầu trị giá 1,4 tỷ USD và Ericsson chỉ trúng gói thầu khoảng hơn 700 triệu USD. Điều đáng buồn là hãng viễn thông Nokia Oyj không trúng được gói thầu nào.

Huawei đã dành được 56% tổng số gói thầu xây dựng mạng SPN, chịu trách nhiệm truyền dữ liệu 5G giữa các trạm gốc và mạng lõi. Số gói thầu này cũng mang lại doanh thu gần 800 triệu USD.

Cũng theo tài liệu mua sắm từ nhà mạng China Mobile, Huawei và ZTE cũng chia nhau đơn hàng trị giá 141 triệu USD về quản lý dữ liệu 5G, trong khi đó, Ericsson chỉ nắm giữ một phần nhỏ.

Ngoài các gói thầu xây dựng mạng 5G, China Mobile trước đó đã đặt hàng bộ phận điện tử tiêu dùng của Huawei gồm 70.000 smartphone hỗ trợ 5G và khoảng 140.000 thiết bị phát sóng 5G di động. Hầu hết điện thoại 5G ở Trung Quốc hiện có giá bán lẻ khoảng 560 USD nhưng các nhà mạng thường mua với giá ưu đãi hơn.

Oppo và Huawei chiếm phần lớn lượng smartphone hỗ trợ mạng 5G cung cấp cho nhà mạng China Mobile

China Mobile hiện có khoảng 31,7 triệu thuê bao 5G tính đến tháng 3 vừa qua, nhiều gấp đôi số thuê bao 5G trong tháng 2. Doanh số bán smartphone 5G dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi nhiều chi nhánh của các nhà mạng viễn thông đang đặt hàng các sản phẩm mới để cung cấp cho khách hàng. Tất nhiên Huawei không phải là hãng được hưởng lợi duy nhất từ việc bán smartphone 5G. Tính đến nay, các nhà mạng đã mua hơn 130 ngàn smartphone 5G từ các hãng sản xuất như Oppo, Vivo.

Sự tăng trưởng về 5G của Huawei cũng mang lại doanh thu cho các nhà cung cấp của hãng viễn thông này. Cổ phiếu của nhà sản xuất bo mạch in Shennan Circuits đã tăng hơn 60% từ đầu năm nay. Công ty Wuhan Fingu Electronic, nhà sản xuất các linh kiện sóng vô tuyến dùng trên các trạm gốc, cũng tăng 25%.

Tiến Thanh

Chủ đề khác