VnReview
Hà Nội

Chip bảo mật T2 của Apple là cơn ác mộng của giới chuyên tân trang MacBook

Lựa chọn duy nhất của họ là phá hủy những chiếc MacBook tuyệt đẹp mà chỉ hai năm trước còn có giá lên đến 3.000 USD, rồi bán đống phế liệu thu được với giá 12 USD/máy, thay vì sửa chữa để bán lại.

macbook

Đúng như dự đoán, hệ thống khóa bảo mật độc quyền mà Apple tung ra cùng những chiếc MacBook Pro 2018 đang gây đau đầu cho các cửa hàng sửa chữa độc lập, các cơ sở tân trang, và các công ty chuyên tái chế hàng điện tử. Bằng cách kết hợp giữa khóa phần mềm, công cụ chẩn đoán độc quyền và chip bảo mật T2, Apple khiến việc "hồi sinh" những chiếc MacBook Pro cũ đã bị người dùng ném vào sọt rác nhưng vẫn có thể dễ dàng sửa chữa và sử dụng tiếp nhiều năm nữa trở thành điều không tưởng.

Và vấn đề này cho thấy thái độ thù địch của Apple đối với thị trường thiết bị secondhand, cũng như sự cần thiết phải có những bộ luật về "quyền được sửa chữa" tại các quốc gia như Mỹ - quê nhà của Apple.

"Thật trớ trêu là mặc cho tôi muốn làm những việc có trách nhiệm và xóa sạch dữ liệu người dùng (cũ) khỏi những chiếc máy này, Apple lại không để tôi làm vậy", John Bumstead, một người chuyên tân trang MacBook, chủ tiệm sửa chữa RDKL INC, nói trên Twitter của anh, kèm theo đó là hình ảnh hai chiếc MacBook Pro đã bị hỏng. "Lựa chọn duy nhất ở đây là phá hủy những chiếc MacBook xinh đẹp giá 3.000 USD này, và thu lại 12 USD/máy theo đúng giá phế liệu".

Được biết, nếu không có phần mềm chẩn đoán "chính chủ" từ Apple, không ai có thể sửa chữa hoặc reset những chiếc MacBook thế hệ mới cả.

"Mặc định, bạn không thể vào chế độ recovery và xóa sạch máy mà không cần mật mã người dùng, và bạn không thể khởi động vào một ổ cứng gắn ngoài và xóa dữ liệu theo cách đó, bởi mặc định chuyện này bị ngăn cấm", Bumstead nói. "Bởi những chiếc MacBook với chip T2 không có ổ cứng tháo rời được, và ổ đĩa đơn giản chỉ là những con chip gắn trên bo mạch, thiết lập mặc định nói trên đồng nghĩa một cửa hàng tái chế (hoặc bất kỳ ai) không thể xóa hoặc cài đặt lại một chiếc máy với chip T2 có các thiết lập mặc định kia trừ khi nắm trong tay mật mã người dùng."

Trước đây, tình trạng tương tự từng xảy ra với iPhone: bởi nhiều người dùng không reset thiết bị của họ trước khi ném bỏ hoặc cho tặng, điều duy nhất có thể làm với các thiết bị này – một số có tuổi đời chưa đến con số 2 – là cho vào máy cán nát thành phế liệu!

Tương tự, nếu người chủ trước của những chiếc MacBook được trang bị chip T2 không thực hiện việc factory reset thiết bị của họ trước khi bán hoặc cho tặng, thì không ai có thể làm được gì cả. Chiếc laptop lúc này chẳng khác gì một viên gạch. "Các cửa hàng tái chế hiển nhiên bị cấm bán các máy tính vẫn còn dữ liệu người dùng" – Bumstead nói. "Nhưng nay, họ buộc phải nghiền nát bo mạch bởi Apple không cho họ xóa dữ liệu người dùng nếu không có mật mã, mà thường thì họ chẳng hề có".

Apple bắt đầu trang bị chip T2 cho MacBook Pro vào năm 2018, và hiện con chip này đã hiện diện trên MacBook Air lẫn Mac Mini sản xuất sau 2018. Chip T2 yêu cầu hệ thống kiểm tra chéo với một phần mềm độc quyền của Apple sau khi ai đó thực hiện một thay đổi về mặt phần cứng, như thay thế một phần linh kiện lỗi, trên máy tính của hãng. Nếu không kiểm tra được, máy tính sẽ không hoạt động. Chip T2 giúp thiết bị trở nên bảo mật hơn, nhưng các chuyên gia nói rằng ít nhất nên có một giải pháp khả thi nào đó để xóa sạch một thiết bị và đưa nó về tình trạng xuất xưởng mà vẫn đảm bảo được quyền riêng tư của người dùng.

Chip T2 đã và đang là một bóng ma ám ảnh các cửa hàng tân trang và sửa chữa độc lập, bởi ngày càng nhiều laptop Apple sản xuất sau năm 2018 được mang đến cho họ. Bumstead cho biết vấn đề lớn nhất anh phải đối phó là với chương trình đăng ký thiết bị (DEP) của Apple. DEP cho phép một công ty mua một thiết bị Apple, đăng ký số seriel của thiết bị đó với công ty, và từ đó dễ dàng phân phối các bản cập nhật phần mềm cũng như chuyển giao phần mềm độc quyền của công ty.

t2

DEP như một món quà trời cho đối với các công ty, nhưng là một cơn ác mộng đối với các cửa hàng độc lập như của Bumstead. Nếu một công ty tham gia vào chương trình, sau đó không factory reset các máy tính của họ trước khi bán chúng đi, thì các cửa hàng secondhand không thể tiếp tục bán chúng cho khách được.

Việc xóa sạch thông tin cá nhân khỏi thiết bị bạn sắp sửa bán hoặc cho tặng là một biện pháp bảo vệ dữ liệu nên được thực hiện nghiêm túc, nhưng không phải người dùng đơn lẻ là những khách hàng duy nhất mua máy tính. Thông thường, các công ty mua và bán máy tính với số lượng lớn. "Khi các máy tính nằm trong hệ thống được rao bán, các công ty hiếm khi hủy đăng ký máy tính của họ" – Bumstead.

"Và nếu một máy tính được xóa sạch, và nó là một máy trong hệ thống DEP, nó sẽ không sử dụng được trong quá trình thiết lập mới, khi người dùng kết nối vào Wi-Fi" – Bumstead nói. "Lúc này hệ thống sẽ nhận diện việc đăng ký và người dùng sẽ được nhắc đăng nhập vào công ty, nhưng họ không thể, và thế là máy tính trở thành cục gạch. Nếu họ tìm cách vào được desktop, họ sẽ liên tục bị quấy rầy bởi thông báo ‘máy tính này đã được đăng ký bởi trường XYZ'. Hầu hết người tiêu dùng khi thấy như vậy sẽ cho rằng máy tính họ mới mua là đồ ăn cắp, và họ có quyền nghi ngờ như vậy".

Bumstead nói rằng khoảng 20 – 30% số máy Mac mới mà anh từng thấy gặp phải vấn đề này.

"Điều này còn gây ảnh hưởng đến các cửa hàng tái chế" – anh nói. "Hầu hết các công ty quyên tặng/bắn thiết bị đều không sẵn lòng hủy đăng ký chúng kể cả khi cửa hàng tái chế yêu cầu. Nhưng cho dù họ sẵn lòng, mọi chuyện cũng rất phức tạp đến nỗi hầu như các cửa hàng tân trang sẽ đem chúng ra bán phế liệu thay vì mất công tân trang".

Nếu một cửa hàng tái chế nhận về 1.000 chiếc MacBook, và 500 trong số đó nằm trong hệ thống DEP, thì cửa hàng phải xóa và cài đặt lại hệ điều hành 500 lần thông qua một ổ cứng gắn ngoài. "Sau đó, họ phải tạo một bản ghi các số serial và trao nó cho công ty để hủy đăng ký. Sau đó, khi công ty đồng ý, cửa hàng tái chế phải lặp lại toàn bộ quá trình nhằm xác nhận các máy đã thực sự được hủy đăng ký. Mà chúng thì thường chưa được hủy" – Bumstead nói. "Đấy, bạn có thể thấy vấn đề này đang ảnh hưởng đến hệ thống tân trang/tái chế ra sao, và đang thực sự tàn phá nó".

Quyền được sửa chữa các thiết bị của chính bạn là điều cơ bản đối với chức năng của một xã hội lệ thuộc rất lớn vào công nghệ. Nhưng các công ty như Apple và John Deere đã khiến việc sửa chữa các thiết bị họ bán ra một cách hiệu quả, an toàn, và quan trọng là rẻ, trở nên bất khả thi. Được biết, hiện nhiều bang tại Mỹ đang thúc đẩy đưa ra những điều luật nhằm đảm bảo thực hiện quyền được sửa chữa này. Và những khó khăn mà Bumstead nói ở trên đã cho thấy sự cần thiết phải có những điều luật đó.

Minh.T.T (Theo Vice)

Chủ đề khác