VnReview
Hà Nội

Tại sao thuốc tiểu đường insulin đắt đến thế?

Hiện có rất nhiều người dân Mỹ không thể mua nổi thuốc insulin. Mức giá trung bình cho mỗi liều insulin ở Mỹ là khoảng 285 USD (khoảng 6,65 triệu đồng). Đa số những người mắc bệnh tiểu đường cần từ 2 đến 4 liều insulin mỗi tháng.

Trước đây, khi một bệnh nhân được chẩn đoán tiểu đường loại 1 tương đương với việc họ nhận bản án tử cho mình. Insulin là loại hormone thiết yếu giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Thiếu hormone này, cơ thể sẽ không thể điều chỉnh lượng glucose đi vào tế bào, do đó chúng ta sẽ bị thiếu glucose. Các nhà khoa học trên lĩnh vực y tế đã được cấp bằng sáng chế sản xuất insulin vào năm 1923 và tất nhiên là họ muốn liều thuốc này có mức giá phải chăng, phù hợp với cả những bệnh nhân nghèo nhất.

Trong khoảng 15 năm qua, insulin vẫn là một loại thuốc phổ biến. Tuy vậy, giá của nó lại tăng một cách chóng mặt. Khi một loại thuốc có mặt trên thị trường trong một thời gian đủ dài, bằng sáng chế của nó sẽ hết hạn, do đó tình trạng độc quyền sản xuất sẽ chấm dứt. Insulin sẽ được sản xuất kinh doanh tự do. Về lý thuyết mà nói thì giá insulin sẽ được giảm xuống.

Nhưng trái lại, thực tế diễn ra hoàn toàn khác, loại thuốc này đang trở nên khó tiếp cận hơn và giá thành cũng cao hơn.

Tại Mỹ, chỉ có ba công ty sản xuất insulin và giá của cả ba đều tăng theo cùng một tỉ lệ. Đây là điều không nên xuất hiện trong nền kinh tế thị trường. Dù vậy thì cả ba vẫn khẳng định giá thuốc mà họ đưa ra hoàn toàn độc lập. Ngay cả loại insulin mới nhất được FDA chấp nhận cũng đã từ rất lâu. Cho nên, có thể bạn sẽ nghĩ rằng insulin đã có những biến thể mới trong vài năm qua nên giá của nó mới tăng như vậy. Bạn có thể phải suy nghĩ lại rồi đấy!

Bản chất insulin không hề thay đổi, chẳng qua là các công ty đã điều chỉnh quy trình sản xuất hay tương tự vậy và thay đổi hình thức sử dụng tốt hơn, nhưng giá thì tăng cao ngất ngưỡng. Về cơ bản thì sản phẩm không hề thay đổi, chỉ có mẫu mã và cách sử dụng là được cải tiến.

Vậy thì tại sao lại có sự tăng giá như vậy?

Các công ty dược phẩm sản xuất insulin và tự định giá cho sản phẩm. Đây là một trong những lý do khiến giá của insulin ngày càng cao hơn. Hoàn toàn không có bất cứ mức giá trần nào cho insulin và các công ty dược cũng không hề tiết lộ phương pháp định giá. Các công ty sản xuất sẽ thương lượng với các Pharmacy Benefit Managers (PBM – công ty bên thứ ba quản lý các chương trình bán thuốc theo đơn) để được đưa vào danh sách thuốc kê đơn của PBM, đổi lại họ sẽ được giảm giá nhập và. Mức giảm giá và ngay cả cuộc đàm phán cũng không được công khai.

PBM sẽ thay cho các công ty bảo hiểm thương lượng với công ty dược phẩm, kết quả là các công ty dược sẽ giảm giá cho PBM để đổi lấy vụ trí thấp hơn trên danh mục thuốc bảo hiểm. Vị trí này thường sẽ là lựa chọn duy nhất của bệnh nhân với giá cả phù hợp nhất. Đây là vị trí tốt nhất cho một công ty, nhưng không phải lúc nào cũng có lợi cho bệnh nhân. Nó khiến cho bệnh nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất là dùng loại thuốc đó, thậm chí đôi lúc nó còn không phải loại mà bác sĩ đã kê đơn.

Business Insider đã liên hệ với ba nhà sản xuất insulin tại Mỹ và những công ty này đều cho rằng sự phức tạp trong chuỗi cung ứng đã khiến giá thành sản phẩm tăng cao.

William Cefalu từ Hiệp hội Bệnh tiểu đường Mỹ cho biết "Chúng tôi nghĩ rằng có sự tác động ở từng cấp trong chuỗi cung ứng dẫn đến sự gia tăng hoặc thúc đẩy gia tăng giá thành từ nhà sản xuất cho đến nhà bán lẻ, PBM hay các chương trình y tế".

Tình hình hiện nay cũng có thể được xem là một cuộc khủng hoảng insulin. Vậy tại sao FDA không can thiệp?

Thực tế, FDA không thể can thiệp vào giá cả. Họ không thể nói rằng "loại thuốc này chỉ được bán với giá 150 USD", cho nên FDA không thể thay đổi được gì, ít nhất là ở Mỹ.

Chính phủ Mỹ không có biện pháp để điều tiết giá insulin, do vậy đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá mạnh của mặt hàng này. Insulin đắt bởi vì chúng có thể tăng giá mà không có bất cứ rào cản nào. FDA chỉ quy định về tiêu chuẩn, cấp phép và cấp bằng sáng chế. Tại Mỹ, bằng sáng chế ngăn chặn các công ty khác sản xuất một sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường là 20 năm. Một số chuyên gia phân tích cho rằng các công ty sản xuất insulin đang lạm dụng chính sách này.

Khi xem xét kỹ lưỡng, chúng ta có thể thấy insulin chỉ có sự thay đổi rất nhỏ mà công dụng của sự thay đổi này chỉ là để gia hạn sự bảo vệ của bằng sáng chế cũng như ngăn cản đối thủ kinh doanh. Lúc này, hệ thống cấp bằng sáng chế giống như một công cụ bảo vệ chiến lược, nó không còn là hệ thống của khoa học và nghệ thuật, mà đã trở thành một chiến lược kinh doanh.

Nhưng vấn đề bằng sáng chế không phải lý do thuốc insulin generic không tồn tại (thuốc generic là loại thuốc tương tự thuốc được cấp bằng sáng chế do các công ty khác sản xuất sau khi hết thời gian bảo hộ). Không giống các loại thuốc hóa học, insulin hoàn toàn không có thuốc generic.

Với các loại thuốc hóa học, mỗi loại thuốc sẽ có lượng chất thành phần hoàn toàn giống nhau. Nhưng đối với loại thuốc sinh học, như insulin, thì quá trình điều chế phức tạp hơn nhiều. Các nhà sản xuất phải tìm ra cách duy trì sự sống cho các tế bào mà vẫn đảm bảo hiệu quả tương đương thuốc được cấp bằng sáng chế.

Ngoài ra, quá trình phê chuẩn của FDA thường rất lâu và tốn kém. Thực tế, trong số tất cả các loại thuốc đã được FDA cấp phép tại Mỹ, chỉ có 17 loại thuốc sinh học. Năm 2016, một nghiên cứu về insulin sinh học đã được FDA chấp thuận cho một trong ba công ty sản xuất insulin hiện tại của Mỹ, Eli Lilly. Tuy nhiên việc này không giúp gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường nhằm giảm giá sản phẩm mà ngược lại, nó chỉ cho bệnh nhân thêm một sự lựa chọn khác mà thôi.

Minh Bảo;theo Business Insider

Chủ đề khác