VnReview
Hà Nội

Từ Alibaba đến Zoom, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực video call

Virus corona đã khiến nhu cầu đối với các ứng dụng hội thảo từ xa tăng cao, phục vụ cả mục đích làm việc và giao tiếp.

telecon

Khi ngày càng nhiều người trên toàn thế giới làm việc và giao tiếp xã hội từ chính ngôi nhà của họ vì đại dịch virus corona, thì sự đối địch giữa các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc cũng theo đó mở rộng sang lĩnh vực hội thảo từ xa.

Vào cuối tháng 3, công ty quảng cáo internet Nhật Bản – Opt Holding – đã có những cuộc họp với khách hàng từ xa thay vì gặp trực tiếp sau khi nhận được một cảnh báo về virus. Ứng dụng họ lựa chọn cho việc này là DingTalk của Alibaba Group Holding, cũng là ứng dụng mà công ty sử dụng để theo dõi quá trình làm việc của công nhân và các hoạt động marketing, và để tương tác với nhóm của họ ở Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, có khoảng 200 triệu người dùng thuộc hơn 10 triệu công ty sử dụng DingTalk. Trong bối cảnh mọi người bắt đầu làm việc tại nhà để tránh dịch, trong tháng 3 vừa qua, nền tảng này đã tăng gấp 3 lần số lượng người có thể cùng tham gia vào một cuộc họp trực tuyến cùng lúc, lên con số 302.

Và nay Alibaba bắt đầu chuyển sang tập trung vào thị trường nước ngoài. Chiến lược của hãng tại Nhật là nhằm vào các công ty thực hiện việc kinh doanh ở Trung Quốc, hỗ trợ phiên dịch tự động 14 ngôn ngữ ngay trong chức năng chat của DingTalk. Điều này cho phép một doanh nhất Nhật có thể dịch tin nhắn từ một khách hàng Trung Quốc mà chỉ cần một lần nhấn nút.

DingTalk là một trong top 10 ứng dụng dành cho doanh nghiệp được tải về nhiều nhất trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay – theo công ty phân tích dữ liệu App Annie. Ứng dụng của Tencent Holding cũng phổ biến, đặc biệt tại thị trường quê nhà Trung Quốc.

Nhưng ứng dụng dành cho doanh nghiệp được tải về nhiều nhất lại là Zoom, đến từ công ty Mỹ Zoom Video Communications, vốn thành lập từ năm 2011. Lượng người dùng Zoom đã tăng gấp 30 lần từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020, lên 300 triệu – con số này không chỉ bao gồm người dùng doanh nghiệp mà còn có người dùng cá nhân nữa.

telecon

Dẫu vậy, sự tăng trưởng thần tốc của Zoom đã gây ra những quan ngại về mặt an ninh, đặc biệt sau khi nhiều cuộc họp trực tuyến thực hiện trên nền tảng bị hack. Công ty sau đó đã phải thuê cựu giám đốc an ninh của Facebook để giải quyết vấn đề. Zoom còn thâu tóm Keybase, một startup chuyên về mã hóa, vào tháng 5.

Các công ty công nghệ lớn cũng đang đẩy mạnh lấn sân sang lĩnh vực hội thảo từ xa. Facebook vừa tung ra Messenger Rooms trên toàn thế giới vào thứ 5, cho phép tối đa 50 người tham gia vào các cuộc gặp trực tuyến trong thời gian bao lâu tùy thích, và hoàn toàn miễn phí. Google cũng vừa chuyển dịch vụ Google Meet sang tình trạng miễn phí.

Microsoft Team, dịch vụ cho phép người dùng dễ dàng chỉnh sửa các tài liệu Word và Excel trong quá trình hội thảo từ xa, đã đặt 75 triệu người dùng mỗi ngày trên toàn cầu vào cuối tháng 4 – tức khoảng 4 lần so với 5 tháng trước đó. Những công ty này xem video call như một cách để giữ chân người dùng trên các nền tảng của họ lâu dài hơn, đồng thời là một giải pháp tăng cường cho các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Thị trường ứng dụng hội thảo từ xa toàn cầu được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 16 tỷ USD trong năm 2030 so với mức 6 tỷ USD trong năm 2019 – theo Transparency Market Research. Cuộc chiến trên lĩnh vực này mới chỉ bước vào giai đoạn "hâm nóng", khi mà ngày càng nhiều công ty đang cân nhắc cho phép nhân viên làm việc tại nhà kể cả sau khi đại dịch virus corona đã được dập tắt.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác