VnReview
Hà Nội

Bị khóa iPhone vì vay tiền bằng iCloud

Đến hạn trả lãi nhưng chưa có tiền, anh Hà Phong ở TP HCM bị chủ nợ khóa chiếc iPhone 11 qua iCloud.

Anh Phong biết đến dịch vụ vay tiền bằng iCloud qua mạng xã hội từ 3 tháng trước. Dịch vụ được quảng cáo là "thủ tục đơn giản, không cần gặp mặt, không cần giấy tờ". Điều kiện duy nhất là phải sở hữu một chiếc iPhone chính chủ.

Sau khi trao đổi với nhân viên tư vấn qua điện thoại và gửi hình ảnh để xác nhận thông số chiếc iPhone của mình, anh Phong được yêu cầu đăng nhập iPhone bằng tài khoản iCloud do dịch vụ cho vay tiền cung cấp. Anh Phong phải bật tính năng Find My iPhone, đồng thời bật đồng bộ danh bạ. Sau khi hoàn thành mọi công đoạn, đơn vị cho vay mới tiến hành chuyển tiền.

"Số tiền được vay phụ thuộc vào giá trị của chiếc điện thoại. Tôi dùng iPhone 11 nên được vay 8 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ nhận được 6,4 triệu đồng vào tài khoản, số tiền bị trừ là tiền lãi nộp trước", anh Phong nói.

Sau thời gian hẹn, anh Phong không thể xoay được tiền để trả nợ. Chủ nợ bắt đầu "truy" anh bằng chế độ Find My iPhone. "Ban đầu họ bật chế độ tìm iPhone, khiến chiếc điện thoại kêu inh ỏi liên tục, nên tôi đã phải tắt đi. Đến khi bật lại, máy đã bị khóa", anh Phong nói. Dù tiếc, anh vẫn phải chấp nhận chiếc iPhone 11 biến thành "cục gạch".

Chiếc iPhone của anh Phong bị khóa do chủ nợ dùng tính năng báo mất máy.

Vay tiền bằng iCloud là chiêu cho vay nặng lãi "công nghệ cao" mới xuất hiện trên thị trường. Các dịch vụ này yêu cầu người vay cần có iPhone hoặc iPad chính chủ và phải là các sản phẩm đời mới, như iPhone 8, iPhone X trở về sau.

Để vay tiền, người vay được yêu cầu nhập tài khoản iCloud "trắng" do bên cho vay cung cấp để hạn chế người vay "xù nợ". Khi đó, họ có thể tìm vị trí qua tính năng Tìm iPhone, hoặc "dọa" khóa iPhone từ xa. Trường hợp người vay "chây ì", họ sẽ liên hệ với người thân qua danh bạ đã đồng bộ.

Khoản vay thường có giá trị nhỏ hơn nhiều lần so với giá trị của chiếc iPhone trên thị trường. Chẳng hạn, trong trường hợp của anh Phong, chiếc iPhone 11 có giá trên thị trường gần 20 triệu đồng, nhưng chỉ giúp anh vay được hơn 6 triệu đồng. Một người đang sở hữu iPhone 8 Plus (giá khoảng 15 triệu đồng) từng có ý định vay tiền của dịch vụ này nhưng đã phải hủy do "họ chỉ cho vay 4 triệu, nếu trả chậm thì bị khóa máy".

Tuy nhiên, vay thì dễ, trả thì khó vì lãi suất cao.

Trong trường hợp của anh Phong, sau khi nhận 6,4 triệu đồng, anh Phong phải trả lãi 1,6 triệu đồng mỗi tuần. Nếu trả chậm, bên cho vay tính phí phạt 200 nghìn đồng một ngày, dù trước đó không hề thông báo về khoản phí này. Sau gần 3 tháng, khoản vay của anh Phong đã lên gần 15 triệu đồng, gần bằng một chiếc iPhone 11 mới. Không còn khả năng chi trả, anh đành chấp nhận bị khóa máy và phải lên mạng rao "bán xác iPhone".

"Máy từng được mua với giá 20 triệu đồng nhưng bị khóa nên được định giá chưa đến 5 triệu đồng, cộng với số tiền vay hơn 6 triệu đồng, tính ra mình vẫn mất nửa giá", anh Phong nói. Chưa kể, anh Phong lo ngại chủ nợ sẽ gọi điện làm phiền người thân, do trước đó danh bạ iPhone đã được đồng bộ lên iCloud của họ.

Chủ nhân của tài khoản iCloud hoàn toàn có thể biến chiếc iPhone thành "cục gạch" từ xa.

Theo chuyên gia công nghệ Tuấn Anh, vay tiền bằng iCloud là một việc mạo hiểm. "Khi đăng nhập iCloud của người khác vào máy, bạn đã trao cho họ quyền quyền truy cập nhiều dữ liệu trong điện thoại, như kho ảnh, email, danh bạ, tài liệu, vị trí...", anh nói. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về dữ liệu riêng tư.

Nếu đơn vị cho vay phá sản hoặc biến mất, bạn có thể vĩnh viễn không thể thoát iCloud của họ khỏi máy. Ngoài ra, khi đã kiểm soát được iPhone, các đơn vị này có thể lợi dụng tính năng khóa iPhone từ xa để gây khó khăn cho người dùng, thậm chí tống tiền.

Kể từ iOS 7, iCloud trở thành một tình năng quan trọng và là "chìa khóa" để truy cập vào một thiết bị iOS. Nếu không có tài khoản iCloud, chiếc iPhone hoặc iPad sẽ trở thành "cục gạch" do cơ chế bảo mật của Apple.

Theo Lưu Quý/VnExpress

Chủ đề khác