VnReview
Hà Nội

Doanh nghiệp Hàn Quốc loại bỏ vật liệu Nhật để dùng hàng nội địa

Các doanh nghiệp sản xuất chip và màn hình Hàn Quốc đã quyết định sẽ chuyển sang các loại vật liệu trong nước. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới các công ty Nhật trong lâu dài.

Sau khi bị giáng một đòn mạnh vào chuỗi cung ứng, các công ty Hàn Quốc đã phải tìm kiếm nhiều nguồn cung khác nhằm duy trì sản xuất. LG Display đã bắt đầu sử dụng khí ăn mòn được SoulBrain của Hàn Quốc sản xuất từ tháng 11 năm ngoái. Trước đây, hãng sử dụng loại khí ăn mòn siêu tinh khiết nhập khẩu từ Nhật Bản của hãng Stella Chemifa. Một quan chức LG cho biết "bởi vì chúng tôi pha loãng nó ở mức rất cao, không cần loại sản phẩm được sản xuất chính xác như khi ở Nhật Bản nữa".

Một cơ sở bán dẫn của Hàn Quốc (ảnh: SK Hynix)

Hồi tháng 7/2019, chính quyền Nhật Bản và Hàn Quốc đã xảy ra tranh cãi dẫn tới việc Nhật thông qua luật hạn chế xuất khẩu, các vật liệu công nghệ cao như khí ăn mòn, chất cản quang và nhựa dẻo Pi cần có giấy phép xuất khẩu mới được giao tới Hàn Quốc. Đây đều là các vật liệu quan trọng cần cho ngành công nghiệp màn hình, bán dẫn, hai trụ cột kinh tế của Hàn Quốc. Một phần của hạn chế đã dần được tháo gỡ, tuy nhiên ảnh hưởng của nó thì vẫn còn.

Với Stella Chemifa, lãi ròng trong năm tài chính vừa qua đã giảm tới 18%. Xuất khẩu khí ăn mòn suy giảm vì thay đổi trong chính sách xuất khẩu hàng hóa tới Hàn Quốc. Morita Chemical Industries vẫn tiếp tục giao hàng tới đầu tháng Giêng, mặc dù sản lượng đã bị giảm tới 30% cho tới trước có áp đặt xuất khẩu. Rất nhiều công ty Hàn Quốc vì thế mà phải thay thế nguồn cung bằng hàng sản xuất trong nước, tránh bị đứt đoạn cung ứng.

Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những tranh cãi quyết liệt, dẫn tới hành động trả đũa bằng kinh tế (ảnh: Nikkei)

Một giám đốc Morita Chemical thừa nhận: "Rất khó để chúng tôi lấy lại các quan hệ làm ăn như trước". Theo Nikkei, hóa chất của Nhật đã được tín nhiệm rộng rãi trong ngành công nghiệp màn hình và bán dẫn từ lâu, nhờ vào chất lượng cao mà giá cả lại hợp lý, nguồn cung ổn định. Người mua hàng thường miễn cưỡng mới phải tìm đến nguồn cung thay thế khác, bởi khi thay thế có thể khiến cho thành phẩm bị lỗi nhiều hơn cũng như quy trình sản xuất phức tạp, không phải muốn thay là thay được ngay.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản áp đặt hạn chế xuất khẩu đã đẩy họ vào lựa chọn sống còn. Các công ty chip thường sử dụng nhiều khí ăn mòn hơn màn hình đã phải đẩy nhanh quá trình thay thế. Samsung đã bắt đầu dùng hàng nội địa trong một số điểm sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Một giám đốc thừa nhận nếu sử dụng khí ăn mòn từ Nhật thì hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, nhưng họ không có quyền lựa chọn.

Samsung và LG dần đa dạng chuỗi cung ứng, tránh lệ thuộc vào vật liệu Nhật (ảnh: Business Korea)

Các quan chức Hàn Quốc tỏ ra quyết liệt với việc giảm bớt phụ thuộc vào vật liệu Nhật. "Rồi sẽ có một ngày, ngành công nghiệp hóa chất của chúng tôi phát triển và chúng tôi có thể nói - ‘Xin cảm ơn ông, thủ tướng Abe!'" - Kim Sang-jo, thư ký chính sách của tổng thống Moon tuyên bố. Chính phủ Hàn đang xây dựng cửa hàng vật liệu rộng khắp để giúp các doanh nghiệp mua sắm, dựa vào nguồn cung vật liệu từ các quốc gia khác như Mỹ.;

"Các hãng cung ứng Nhật đang mất dần sự ưu tiên" - một nhân viên bán hàng tại một hãng sản xuất các thành phần điện tử Nhật đã được một khách hàng Hàn Quốc cho biết.

Ambitious Man

Chủ đề khác