VnReview
Hà Nội

LG đang qua mặt Samsung ở mảng điện tử gia dụng

LG và Samsung được ví như hai "oan gia" nổi tiếng của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc, với đủ các sự vụ từ kiện cáo, đấu tố đến cạnh tranh trên cùng nhiều ngành nghề kinh doanh của nhau.

So với Samsung Electronics, LG Eletronics vẫn bị xếp ở chiếu dưới ít nhất là về doanh thu hay vốn hóa. Cùng tham gia ngành công nghiệp smartphone nhưng LG giờ đã không thể bắt kịp, thay vào đó, họ lại đang vượt lên Samsung ở một lĩnh vực khác. Nhờ doanh số bùng nổ ở quê nhà và Mỹ, đồ điện tử gia dụng của LG đang dần qua mặt cả Samsung.

Tỉ suất lợi nhuận đồ gia dụng LG cao hơn các đồng nghiệp khác trong ngành (ảnh: Nikkei)

Ba tháng đầu tiên của năm 2020, LG Electronics ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục từ đơn vị đồ gia dụng. Bắt từ năm 2016, đơn vị kinh doanh này ngày càng phát đạt, tỉ suất lợi nhuận tăng mạnh sau khi công ty nỗ lực thúc đẩy các hoạt động marketing, mở rộng thị trường. Hồi 2015, tỉ suất khoảng 2-3% nhưng chỉ sau một năm đã tăng vọt lên 7,4% và đến bây giờ vẫn đạt trên 8%.

So với một số đồng nghiệp khác trong ngành, Samsung Eiectronics đạt tỉ suất lợi nhuận 5,8%, Panasonic 2,1% và Haier Electronics là 4,5%, rõ ràng LG Electronics đang tạo ra nhiều tiền nhất từ mỗi đồng doanh thu đem về. Do đại dịch khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn, các sản phẩm gia dụng có cơ hội được người dân để mắt tới, giúp LG trở thành điểm sáng trên thị trường.

Thương hiệu đồ gia dụng hạng sang Signature của LG (ảnh: AP)

Theo ông Scott Sim, ảnh hưởng của virus tới họ sẽ bị giới hạn bởi nếu nó đạt đỉnh vào giữa tháng Năm. Bởi vì từ tháng Sáu trở đi, nhiều quốc gia đã bắt đầu cân nhắc tới các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trở lại bình thường. Đồ gia dụng là nhân tố quan trọng góp phần đưa lãi ròng hợp nhất của LG Electronics tăng trưởng 88%, đạt 907 triệu USD từ một năm trước, bên cạnh TV OLED.

Từ năm 2016, LG theo đuổi chiến lược mới là dần thoát khỏi thị trường phổ thông đại chúng, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc cao cấp với dòng Signature. Đó là thương hiệu cao cấp dùng chung cho tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo. Đối với TV, họ đẩy mạnh OLED và đưa nó trở thành tiêu chuẩn của phân khúc cao cấp. LG Electronics đã lôi kéo được nhiều hãng khác tham gia cùng mình, như Sony, Panasonic,...

Tủ chăm sóc quần áo 50 triệu đồng của LG

LG cũng công bố một loại thiết bị mới của ngành hàng điện gia dụng - tủ chăm sóc quần áo Styler. Thành quả sau 9 năm nghiên cứu và phát triển đã đem lại trái ngọt cho hãng. Chiếc tủ sử dụng hơi nước để loại bỏ mùi hôi, nếp nhăn trên áo trong khi tiến hành quy trình vệ sinh. Sự thành công của Styler đã buộc Samsung phải tung ra sản phẩm tương tự để cạnh tranh.

"Chúng tôi đã mở rộng quy mô của các sản phẩm cao cấp" - đại diện LG cho biết. Ông nói công ty đã xác định mình phải trở thành một thương hiệu đồ gia dụng cao cấp hàng đầu, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Mỹ. Nhóm các sản phẩm cao cấp này đang chiếm hơn 50% doanh thu của đơn vị kinh doanh gia dụng, cho thấy chiến lược chính xác đem lại hiệu quả như thế nào.

Đồ gia dụng đang đóng góp nhiều nhất cho doanh thu và lợi nhuận LG Electronics (ảnh: Nikkei)

LG dự trù giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay sẽ bị giảm doanh thu, chủ yếu do trì hoãn sản xuất tại nhiều cơ sở và gián đoạn các điểm bán lẻ ở châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng Bảy thì hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường.

Tuy vậy, dù doanh thu đạt tới 50 tỷ USD nhưng họ vẫn bị đánh giá thấp khi giá trị thị trường chỉ đạt dưới 10 tỷ USD. Chủ yếu do mảng smartphone liên tiếp thu lỗ. Trong ba tháng kinh doanh gần nhất, smartphone đã gây thâm hụt hơn 200 triệu USD. Hệ quả của việc lợi nhuận âm trong thời gian dài là LG Electronics khó có thể tái đầu tư cho các công nghệ mới, vốn rất cần để tung ra những sản phẩm đột phá.

Ambitious Man (theo Nikkei)

Chủ đề khác