VnReview
Hà Nội

5 thay đổi iFan mong chờ nhất tại WWDC 2020

Khả năng chúng xuất hiện có thể không cao, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không được chào đón.

wwdc

Apple sắp sửa tổ chức hội nghị nhà phát triển thường niên trong bầu không khí kỳ lạ và gây tranh cãi nhất trong suốt nhiều năm qua. Họ không chỉ phải tổ chức toàn bộ các buổi giới thiệu trực tuyến, mà đối tượng họ nhắm đến còn là các nhà phát triển đang kìm nén những bất mãn không thể nói ra được.

Chaim Gartenberg từng đăng tải một danh sách khá dài những tính năng bạn có thể thấy trên các hệ điều hành của Apple trong năm nay – mà nói ngắn gọn là những bản cập nhật tính năng sắp sửa ra mắt cho các nền tảng dựa trên iOS như iPadOS, tvOS, watchOS, và…iOS, cùng với việc macOS chuyển từ Intel sang ARM.

Đó là những điều bạn nên trông chờ. Còn dưới đây là 5 thay đổi mà bất kỳ iFan nào cũng đã, và đang mong muốn Apple mang lại từ trước đến nay. Một vài trong số này thực ra đã được đồn đại gần đây, một số khác là những thứ mà Apple nên làm đơn giản bởi chúng cần thiết. Liệu có thay đổi nào thực sự có khả năng xảy ra? Câu trả lời dành cho hầu hết chúng là…không. Bạn hi vọng chúng sẽ xảy ra, nhưng trong thâm tâm bạn biết chúng sẽ không. Có lẽ chúng ta sẽ được thấy ít nhất một thay đổi; nếu hai thì quá tốt; còn nếu ba hoặc nhiều hơn? Thật không tưởng!

Nhưng như đã nói ở trên, mọi thứ trong danh sách dưới đây là những thứ mà người dùng lẫn nhà phát triển đã trông chờ từ lâu.

1. Apple thay đổi chính sách liên quan App Store

Khoản hoa hồng 30% mà Apple thu từ App Store đã bị chỉ trích nặng nề trong tuần qua, và dù Apple có thể bình ổn làn sóng bất mãn, sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức để công ty thoát khỏi suy nghĩ rằng các nhà phát triển lo sợ Apple. Các nhà phát triển, từ nhỏ đến lớn, đều tỏ ra không mấy vui vẻ giống như những gì Hey và Spotify đang bày tỏ với những điều khoản của Apple – nhưng ai cũng ngần ngại không muốn nói ra.

iFan hi vọng điều gì ở đây? Có nhiều cách để giải quyết. Cách đơn giản nhất là Apple giảm khoản hoa hồng 30% hiện nay (xuống mức 15% đối với các subscription lâu dài chẳng hạn) và chờ đợi xem điều đó có làm mọi người hài lòng hay không. Họ có thể cho phép side-load ứng dụng như Android. Họ cũng có thể đơn giản là từ bỏ 30% kia và cho phép các ứng dụng sử dụng các hệ thống thanh toán không thuộc về Apple – hoặc họ có thể theo chân Google, chỉ yêu cầu các game phải sử dụng hệ thống thanh toán của mình. Có rất nhiều lựa chọn.

Nhưng có lẽ Apple sẽ không đưa ra lựa chọn nào tại WWDC. Đây là sự kiện dành riêng để vén màn những tính năng mới và thông báo quá trình chuyển dịch sang ARM của máy Mac. Rõ ràng WWDC 2020 không phải là nơi Apple sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề này, bởi đó không phải cách làm của Apple dưới thời Tim Cook. Đặc biệt với scandal lần này, mọi thứ Apple từng nói đều dẫn đến một điều: công ty tin họ đang làm đúng. Sẽ chẳng có một hội thảo nào với khán phòng dày đặc các nhà phát triển sẵn sàng càu nhàu nếu Apple không đề cập đến thứ họ trông chờ - nhưng trên Twitter sẽ nhộn nhịp lắm đây.

2. Cho phép người dùng chọn ứng dụng yêu thích làm mặc định

Đã có nhiều tin đồn rằng Apple cuối cùng cũng chấp nhận cho phép bạn đặt các ứng dụng không phải của Apple làm mặc định đối với một vài tính năng cốt yếu. Bấm vào email, và nó sẽ mở ra Outlook thay vì Apple Mail – hoặc có thể là Gmail, hay…Hey (đùa thôi). Điều tương tự cũng diễn ra khi bấm vào các đường link dẫn đến các trang web.

Nghe hay thật đấy, nhưng bạn nên biết rằng Apple đã kiên quyết phản đối điều đó từ khi iOS ra đời đến nay. Và quyết định của họ cũng chẳng khiến trải nghiệm iPhone tồi tệ hơn là bao, chỉ là người dùng sẽ tốn công thao tác một chút!

Khả năng điều này thành hiện thực là 50/50 – xét những tin đồn vừa qua. Nhưng đừng quá hi vọng Apple sẽ nới lỏng một số chính sách – mọi trình duyệt web trên iOS đều đang bị buộc phải sử dụng engine dựng trang web webkit của Apple đấy. Một hi vọng khác là sẽ có một thiết lập toàn hệ thống để chặn các trình duyệt in-app (trình duyệt tích hợp trong các ứng dụng), hoặc cho phép các trình duyệt như vậy chia sẻ cookies với nhau (như trên Android). Bạn sẽ không phải đăng nhập lại các website trong mọi ứng dụng mà bạn cần bấm vào đường link nữa.

wwdc

3. Tùy biến homescreen

Có khả năng Apple sẽ cho phép bạn xem các ứng dụng dưới dạng danh sách – có lẽ tương tự như app drawer trên Android vậy. Bạn cũng có thể thêm các widget vào homescreen. Tuy nhiên, một số iFan từng trông chờ widget nay đã không còn hứng thú như xưa nữa, vì trang widget ở bên trái homescreen trên iOS rõ ràng có cách quản lý widget tốt hơn hẳn so với cách quản lý của Android.

Nhưng ai cũng muốn được đặt một widget thời tiết hay lịch trên homescreen. Một tùy chọn tuyệt vời. Và các iFan còn muốn được di chuyển các biểu tượng xuống đáy màn hình, để phần trên màn hình trống trải, rộng rãi hơn. iPhone ngày càng lớn, và các biểu tượng nên nằm ở vị trí dễ tiếp cận hơn. Buộc chúng phải lấp đầy các vị trí từ góc trên bên trái như hiện nay là một tội ác. Đến lúc thay đổi rồi, Apple!

4. Hỗ trợ đa người dùng đúng nghĩa trên iPad

Đây là một tính năng rất quan trọng. Thật khó hiểu khi một thiết bị như iPad lại chỉ cho phép một tài khoản người dùng chính. Trong môi trường giáo dục, Apple cho phép thiết lập đa người dùng, nhưng với người tiêu dùng thông thường thì không.

Có thể bạn chưa có con, và hai vợ chồng bạn dư đả đủ để sắm mỗi người một chiếc iPad. Nhưng dường như Apple muốn chiếc tablet của họ trở thành một món đồ có mặt trong mọi hộ gia đình, và không hỗ trợ đa người dùng đơn giản là một nước đi khó hiểu.

Hỗ trợ đa người dùng trên iPad có nghĩa bạn có thể đưa nó cho con và an tâm rằng chúng không thể xâm nhập vào các tin nhắn iMessage hay email công việc hay bất kỳ thứ gì bạn đã cài đặt. Có nghĩa là mọi gia đình có thể thiết lập iPad của họ như những thiết bị dùng chung, một thứ thuộc về mọi người thay vì chỉ một người.

Bạn có thể mua một chiếc tablet giá 40 USD từ Amazon nhưng làm được điều iPad không thể: hỗ trợ đa người dùng, bao gồm nhiều công cụ kiểm soát dành cho phụ huynh, và nạp vào đó một loạt các ứng dụng dành cho trẻ em với giá rẻ mạt. Apple đã quá chậm trễ trong việc mang lại một tính năng tương tự.

Nếu bạn định tranh luận rằng iPad không phải là một chiếc máy tính bởi nó không hỗ trợ đa người dùng, thì không cần nói nhiều, bạn thắng! Cơ hội để điều này thành sự thật là…25%.

5. iMessage cho Android, RCS lên iPhone

Điều này thực sự rất khó xảy ra. Thật đấy. Giống như việc bạn sẽ không trúng số vào chiều nay vậy.

Nhưng việc mang iMessage lên Android là điều đúng đắn mà Apple phải làm. Đó sẽ là một cách để người dùng Android sử dụng được một dịch vụ nhắn tin mã hóa mà không phải lạy lục bạn bè chuyển sang Signal. Đừng nói rằng mang iMessage lên Android sẽ là một cơn ác mộng về bảo mật đối với Apple: Signal đang làm rất tốt điều này. WhatsApp cũng vậy.

Về RCS, nếu không phải năm nay, thì phải vào năm sau. Dù muốn hay không, RCS cũng sẽ trở thành một chuẩn chung toàn cầu để thay thế SMS, và Apple nên nhập hội càng sớm càng tốt. Nhưng bạn biết rồi đấy, Apple chắc chắn sẽ chờ cho đến khi có một chuẩn nhằm mã hóa các tin nhắn kia xuất hiện rồi mới hỗ trợ nó.

Minh.T.T (theo TheVerge)

Chủ đề khác