VnReview
Hà Nội

Sony và Microsoft hãy dè chừng, Apple TV đang dần trở thành một máy chơi game đúng nghĩa

Apple TV không phải PlaySation hay Xbox, nhưng với tay cầm chơi game riêng, dịch vụ Apple Arcade và sự chú ý của Apple vào ngành công nghiệp trò chơi đang bùng nổ, nó đã sẵn sàng để chuyển mình thành một game console "đích thực".

Chặng đường đã qua

Hiện nay trên PC và console, nền tảng kiến trúc x86 đang vận hành mọi trò chơi, đặc biệt là sau khi cả Xbox lẫn PlayStation đều chọn các con chip có kiến trúc này làm đầu não xử lý. Trái lại, ARM lại là một kiến trúc khác biệt đang phổ biến trên các thiết bị di động, nền tảng chơi game lớn nhất. Rất nhiều người chơi không hề sở hữu cho mình một bộ PC cấu hình mạnh, hay một máy console của Sony, Microsoft. Với họ, mọi thứ gói gọn trong túi quần.

Trong lịch sử, khác biệt về kiến trúc xử lý khiến cho các tựa game không thể vận hành trơn tru trên các nền tảng khác nhau. Việc chuyển đổi cũng mất nhiều thời gian và công sức. Ví dụ như PS4 và PS4, khác biệt về kiến trúc CPU khiến các tựa game cũ không thể chơi được trên PS4. Trong khi PS4 và PS5 cùng chung kiến trúc x86 nên các trò chơi vận hành xuyên suốt dễ dàng.

Sức mạnh đồ họa của Apple SoC (ảnh: FlatpanelsHD)

Tuy nhiên, Apple hoàn toàn có thể nhảy vào cạnh tranh ở thị trường console với Microsoft và Sony, bất chấp việc thiết bị của họ chỉ sử dụng kiến trúc ARM so với x86 trên Xbox và PlayStation. Qua sự kiện WWDC vừa rồi, Apple đã chính thức tuyên bố chuyển dịch sang nền tảng ARM cho toàn bộ dải sản phẩm. Điều này có nghĩa họ có thể tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho gaming đủ mạnh để cạnh tranh với các ông lớn kia.

Chúng ta biết Sony và Microsoft có được vị thế ngày hôm nay không đơn giản nhờ vào một cỗ máy có cấu hình mạnh. Việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ và cộng đồng các nhà phát triển trò chơi, cũng như tự mình vận hành các studio game riêng, mới là yếu tố giúp họ vươn lên trên đỉnh ngành công nghiệp. Một khi Apple giải quyết được sự khác biệt về kiến trúc giữa các phần cứng của mình, họ có đủ cơ sở để biến điều đó thành hiện thực. Khi tất cả iDevices quy về một mối ARM.

Đo lường về sức mạnh đồ họa trên mỗi Watt điện tiêu thụ, chipset A series của Apple đang hiệu quả hơn PlayStation và Xbox. Điều này có nghĩa trên đường đua, chipset nào quản lý năng lượng và nhiệt độ hiệu quả hơn thì sẽ dai sức hơn, đem lại trải nghiệm mượt mà lâu dài. Các con chip này đang được sản xuất trên tiến trình bán dẫn 7nm bởi TSMC, công ty đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Hiệu suất đồ họa trên điện năng tiêu thụ của Apple SoC (ảnh: FlatpanelsHD)

Theo Apple công bố, ở thế hệ A12X (2018) trên iPad Pro, sức mạnh GPU đã đạt ngang với Xbox One S của Microsoft. Cần lưu ý một chút ở phép so sánh này, SoC A series là một con chip tiêu thụ điện năng thấp, chạy trong môi trường chật hẹp mà hệ thống tản nhiệt rất hạn chế. Còn Xbox One S tiêu thụ tới 70-80W khi chơi game, nó rất ồn và nóng.

Khi Sony và Microsoft công bố thế hệ máy chơi game mới nhất, nhiều người bàn tán xoay quang ổ cứng SSD NVMe tốc độ cao. Thứ đó đã xuất hiện từ năm 2017 trên Apple TV 4K, tất nhiên tốc độ khó sánh bằng sản phẩm được ra mắt vào năm 2020. Tuy nhiên, nó cho thấy về mặt phần cứng, Apple có sự chuẩn bị rất tốt so với hai ông lớn sản xuất máy console.

Mà thực tế chúng ta đều biết, game thủ mua console của Sony thay vì Microsoft một phần là vì trải nghiệm gaming đơn giản. Bạn không cần quan tâm cấu hình máy ra sao như với PC, chỉ cần quan tâm kho game của hãng có phù hợp hay không. Có nghĩa chạy đua cấu hình không phải thứ làm nên thành công với một hệ máy console. Nói về cấu hình, PC mới là trùm!

Arcade là nền tảng chơi game xuyên suốt các thiết bị Apple (ảnh: Apple)

Dịch vụ Arcade giúp sức

Bài toán về phần cứng sẽ là câu chuyện nóng hổi khi Apple vén màn Apple TV thế hệ mới, dự kiến trang bị con chip của iPad Pro là A12X. Còn bây giờ, chúng ta cần nhìn vào thách thức cốt lõi nếu Apple thực sự muốn tham gia sân chơi console. Như đã nói ở trên, gây thiện cảm với cộng đồng nhà phát triển, tạo dựng một hệ sinh thái gaming và mở studio riêng, chỉ có như vậy Apple mới đủ sức "cân kèo" với Sony và Microsoft.

Công ty Mỹ đã từng mắc một sai lầm với hệ điều hành tvOS trên Apple TV. Khi công bố năm 2015, hãng yêu cầu các nhà phát triển trò chơi phải hỗ trợ cho điều hướng bằng Siri. Nó không bao giờ thành công. Các nhà phát triển nhanh chóng bỏ qua tvOS và mọi thứ như một quả bóng bị xì hơi. Vậy là họ đã bỏ lỡ một cơ hội để thuyết phục cộng đồng phát triển chú ý vào tvOS.

Năm 2019 khi Tim Cook công bố chiến lược xoay trục Apple, đưa dịch vụ lên làm ưu tiên số 1 thay vì cứ mãi nói về iPhone, iPad, MacBook. Lúc này, Apple dường như đang cố sửa chữa sai lầm trong quá khứ. Một mặt, họ công bố dịch vụ chơi game thuê bao Arcade, cộng tác với rất nhiều đơn vị phát triển trò chơi. Mặt khác, chính thức hỗ trợ tay cầm bên ngoài như DualShock, Xbox. Yêu cầu hỗ trợ chơi game bằng Siri bị loại bỏ.

Hỗ trợ tay cầm chơi game là bước tiến lớn đối với trải nghiệm chơi game trên Apple TV (ảnh: FlatpanelsHD)

Vậy trải nghiệm mà Arcade đem lại như thế nào?

Có cả mặt làm tốt lẫn chưa tốt. Về khía cạnh tích cực, có thể liệt kê ra như:

  • Hàng tuần đều có các game mới được cập nhật;

  • Apple TV luôn ở chế độ chờ nên bạn có thể bắt đầu vào màn chơi rất nhanh;

  • Hầu hết các trò chơi đều hỗ trợ tay cầm gắn ngoài, một số cho phép chơi đến 4 người, giống như ngày xưa bạn chơi điện tử bốn nút vậy;

  • Trò chơi vận hành ổn định không gặp trục trặc giữa chừng;

  • Không bị làm phiền bởi quảng cáo và không có mua bán trong game;

  • Chi phí rẻ.

Trong khi đó, có vài điểm chưa khiến khách hàng hài lòng như:

  • Sức mạnh đồ họa vẫn bị giới hạn.

  • Thiếu các trò chơi bom tấn có chiều sâu.

  • Không hỗ trợ hình ảnh HDR và âm thanh Dolby Atmos, làm giảm trải nghiệm nghe nhìn so với Xbox và PlayStation.

Trải nghiệm chơi game giống như thời điện tử bốn nút (ảnh: FlatpanelsHD)

Con đường phía trước

Arcade tập hợp các trò chơi tương thích cả di động lẫn màn hình lớn, xuyên suốt tvOS, iOS, iPadOS và macOS. Việc hỗ trợ tay cầm là bước tiến lớn giúp nó dễ dàng được chấp nhận, bởi trải nghiệm gaming chỉ thực sự trọn vẹn khi chúng ta có trong tay một bộ điều khiển thực sự. Màn hình cảm ứng rõ ràng không phù hợp để chơi game lâu dài nghiêm túc, trong khi bàn phím và touchpad trên laptop vốn không để phục vụ chơi game.

Apple TV giờ đã đủ mạnh để chơi được nhiều trò chơi trong quá khứ ở các hệ console cũ, vậy nên Apple cần tiếp tục thuyết phục các nhà phát triển đem sản phẩm của họ lên nền tảng này. Sức mạnh xử lý của Apple TV không hề thua kém so với các máy console trước đây, đó là một mấu chốt quan trọng.

Ngoài ra, Apple cũng cần cởi mở hơn với một số trò chơi "nặng đô" mà câu chuyện xoay quanh những chủ đề gây tranh cãi. Nếu họ chỉ muốn Apple TV cung cấp các trò chơi thân thiện với gia đình, kiểu như mô hình của Nintendo, sẽ rất khó để những game như vậy có thể xuất hiện trên Arcade.

Apple hoàn toàn có thể biến Apple TV thành một máy console nếu muốn (ảnh: The Verge)

Chặng đường biến Apple TV thành một chiếc console vẫn còn dài, khi mà Apple chỉ vừa mới chạy đà cho chiến lược dài hơi của họ. Khi dịch vụ được ưu tiên và hãng chú trọng hơn đến thị trường gaming, họ cần giải quyết các giới hạn kỹ thuật để sẵn sàng đối đầu với Microsoft và Sony trong cuộc chiến console.

Apple cần nâng cấp phần cứng nhanh hơn, mạnh hơn. Hỗ trợ hình ảnh HDR trong game như với các chương trình truyền hình và phim điện ảnh, hỗ trợ âm thanh Dolby Atmos chân thực hơn, bổ sung ray-tracing,... CPU, GPU, RAM và bộ nhớ đều cần kiện toàn, đặc biệt là bộ nhớ lưu trữ vì ngay cả PS5 lẫn Xbox Series X đều rất chú trọng khoản này.

Chắc chắn chúng ta sẽ không vì Apple TV mà bỏ qua PlayStation hay Xbox, nhưng sự xuất hiện của nó trong phòng khách sẽ là một bổ sung hoàn hảo, khi mà màn hình iPhone hay iPad quá nhỏ để bạn chơi game. Giống như Switch có thể chơi ngoài đường và về nhà cắm vào dock xuất hình ra TV, bạn có thể chơi tiếp ván game dở trên Arcade, thay vì cắm mặt vào iPhone lần nữa.

Còn tùy vào chiến lược của Apple, ai mà biết tương lai Arcade và Apple TV sẽ tiến xa được đến đâu.

Ambitious Man (Tham khảo Flatpanelshd)

Chủ đề khác