VnReview
Hà Nội

Phong trào 'bài Nhật' của người Hàn Quốc không ảnh hưởng tới Sony và Nintendo

Năm ngoái, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bị cuốn vào cuộc chiến thương mại liên quan tới những ‘vết đen' trong lịch sử giữa hai nước. Kết quả, người dân Hàn nổi cơn thịnh nộ, trút giận lên các nhãn hàng xuất xứ từ Nhật kinh doanh tại đây.

Theo EDaily của Hàn Quốc, đợt tẩy chay diện rộng đã có tác động ghê gớm tới các ngành kinh doanh của người Nhật như thực phẩm và đồ uống, ô tô, đồ gia dụng. Tuy nhiên, một số công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hay trò chơi điện tử không những bị suy giảm mà tăng trưởng hơn trước.

Theo kết quả phân tích kết quả kinh doanh của 31 công ty hàng tiêu dùng Nhật Bản, mới được công bố hôm 5/7, thiệt hại nặng nề nhất là ngành thực phẩm và đồ uống. Một số công ty không những bị giảm doanh thu và lợi nhuận mà còn quay đầu thua lỗ. Ví dụ, Lotte Asahi phân phối bia Asahi chứng kiến doanh số giảm 50%, lỗ 30,8 tỷ won.

Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Nhật Bản thiệt hại nặng vì bị dân Hàn tẩy chay (ảnh: Yonhap)

Ajinomoto Hàn Quốc lần lượt giảm 34% doanh thu và lợi nhuận hoạt động giảm tới 70,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế tiếp là phụ tùng ô tô và và mặt hàng gia dụng, đều chứng kiến làm ăn đi xuống so với một năm trước, khi hai nước chưa rơi vào căng thẳng ngoại giao. Honda Hàn Quốc bị giảm doanh số 11,4 tỷ won (âm 22,3%), lỗ ròng 14,6 tỷ won.

UNIQLO, thương hiệu thống trị ngành thời trang Hàn Quốc cũng bị giảm doanh thu 31% so với năm ngoái. Nhiều công ty phân phối quần áo, bột giặt hay nước rửa tay khác đã giảm doanh số hàng loạt. Hệ thống cửa hàng tiện lợi Ministop, vốn có cổ phần của Ministop Nhật Bản (96,06%) và Mitsubishi (3,94%), cũng bị giảm.

Bên cạnh các ngành kinh doanh bị thiệt hại, doanh nghiệp Nhật ở một số nơi khác lại chứng kiến tăng trưởng. Tại lĩnh vực công nghệ thông tin, nhu cầu cao về các thiết bị high-tech. Doanh số nhóm này tăng 10,8%, lợi nhuận hoạt động và lãi ròng tăng lần lượt 2% và 10%.

Các sản phẩm âm thanh của Sony rất phổ biến ở Hàn Quốc (ảnh: Internet)

Những cái tên tăng trưởng ngược dòng ‘bài Nhật' gồm có Nintendo Hàn Quốc (36,6%), Hitachi Hàn Quốc (27%) và Sony Hàn Quốc (19,5%), doanh số năng mạnh bất chấp làn sóng tầy chay. Nhưng cũng có một số lại không may mắn được như vậy. Chi nhánh kinh doanh tại Hàn Quốc của Canon, Epson, Panasonic và Nikon đều bị giảm tới hai chữ số.

Nintendo được xem là trường hợp ngoại lệ điển hình. Họ hoàn toàn không bị cuốn vào cơn giận dữ của những người dân Hàn Quốc, nhờ vào máy chơi game Switch cực kỳ phổ biến. Một cái tên khác là Sony, công ty dẫn đầu thị trường thiết bị âm thanh ở Hàn Quốc và công chúng vẫn rất quan tâm tới sản phẩm của họ.

Một quan chức trong ngành cho hay, sau khi chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng, những cái tên xuất hiện trong danh sách "NO Japan" (nói ‘không' với hàng Nhật) phải vật lộn với hoạt động bán hàng và tiếp thị. Tuy nhiên, Nintendo, Sony và Shiseido chỉ bị chững lại ở giai đoạn đầu. Càng về sau, họ càng cải thiện và nhanh chóng phục hồi kinh doanh.

Ambitious Man

Chủ đề khác