VnReview
Hà Nội

Facebook đang kiếm tiền trên sự dối trá, lừa lọc ở Việt Nam

Facebook không chủ động ngăn chặn quảng cáo mạo danh thương hiệu, tiếp tay cho lừa đảo người tiêu dùng và tổn hại uy tín các sàn thương mại điện tử và các nhãn hàng lớn ở Việt Nam.

Đầu tháng 7, nhiều người dùng phản ánh việc họ thường xuyên nhìn thấy các quảng cáo tới từ các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay các thương hiệu smartphone như Samsung, Xiaomi…

Các mẩu quảng cáo này có nội dung rao bán smartphone với giá siêu rẻ nhưng thực chất, những loại máy này đều là hàng nhái.

Mạo danh trang lớn để lừa bán hàng giả

"Hấp dẫn, Note10+ chỉ 4,5 triệu đồng. Chỉ dành cho 289 số điện thoại đặt hàng trong hôm nay. Máy nguyên Fullbox-phụ kiện. Bảo hành 12 tháng, 1 đổi 1 trong vòng 30 ngày tại các cửa hàng TGDĐ, Điện máy xanh", bài viết trên fanpage có tên Lazada_voucheruudai quảng cáo.

Những quảng cáo giả mạo thương hiệu Samsung và Shopee xuất hiện trên;Facebook.

Bài viết này được chạy quảng cáo trên Facebook từ ngày 11/7. Theo Lazada, những trang này giả mạo thương hiệu của sàn thương mại điện tử này. Để tăng tính xác thực, trang Facebook Lazada_voucheruudai thường xuyên đăng tải các bài viết của Lazada Việt Nam.

"Nếu không để ý sẽ rất khó phát hiện đây là trang giả mạo. Từ ảnh đại diện, ảnh bìa đến các bài đăng đều sao chép toàn bộ của Lazada. Những bài quảng cáo sản phẩm giả sẽ được ẩn đi, chỉ hiện thị với người dùng được Facebook nhắm mục tiêu", Minh Hiệp, người làm quảng cáo Facebook chuyên nghiệp tại TP.HCM chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, chủ cửa hàng quận 10, TP.HCM, với mức giá rẻ dưới 5 triệu đồng, chiếc Note10+ được fanpage trên rao bán không thể là sản phẩm chính hãng từ Samsung. Hiện các hệ thống bán lẻ lớn niêm yết Galaxy Note10+ với giá 20 triệu đồng. Trong khi, hàng qua sử dụng có giá không dưới 13 triệu đồng.

Ngoài trang Lazada_voucheruudai, hàng trăm fanpage khác vẫn đang giả mạo các thương hiệu và mua quảng cáo của Facebook để tiếp cận nhiều người dùng hơn.

Thậm chí, một số fanpage còn kết hợp nhiều thương hiệu như "SamSung - Trợ Giá Shopee", "Lazada- Trợ Giá Điện Thoại SamSung", "Shopee - Thế Giới Di Động"…

Dễ dãi duyệt quảng cáo bẩn, Facebook kiếm tiền trên sự dối trá, lừa lọc ở Việt Nam

Trả lời Zing, đại diện Shopee cho biết đối với các trường hợp đối tượng xấu lập website, tài khoản giả mạo Shopee trên mạng xã hội để lừa đảo người tiêu dùng công ty đã và sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị vận hành mạng xã hội để khóa, gỡ bỏ các nội dung, tài khoản vi phạm.

"Ngoài ra, chúng tôi có cơ chế phối hợp với Cơ quan An Ninh Mạng nhằm cập nhật thông tin và có hướng xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh trên môi trường mạng theo quy định pháp luật", đại diện Shopee nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Thế Giới Di Động cho biết Facebook giải quyết các vấn đề giả mạo thương hiệu chậm trễ.

"Trước giờ bên công ty cũng có yêu cầu phía Facebook để giải quyết tình trạng giả mạo thương hiệu. Nhưng phải có lượng report (báo cáo) lớn với trang giả mạo. Bên cạnh đó, việc xác minh của Facebook cũng mất nhiều thời gian xử lý", ông Đặng Thanh Phong, đại diện truyền thông Thế giới Di động nói với Zing.

Bất chấp nỗ lực báo cáo với Facebook của Shopee 10 mẩu quảng cáo mạo danh được mua từ ngày 9/7 đến nay vẫn tồn tại.

Ông Phong cho biết thêm, để xử lý các vấn đề này nhanh chóng hơn, công ty có đội pháp lý. Đội pháp lý sẽ tìm ra những người đang quản lý trang giả mạo từ đó đưa ra cảnh báo về việc xâm phạm thương hiệu, vi phạm pháp luật. Trong trường hợp, đối tượng không hợp tác, công ty sẽ liên hệ pháp luật để giải quyết. Tuy nhiên, số lượng các trang giả xuất hiện ngày càng nhiều.

"Những trang nhái này mọc như nấm. Phía Lazada có đội rà soát và report với Facebook. Tuy vậy, việc tạo một trang Facebook và mua quảng cáo quá đơn giản nên ai cũng có thể mạo danh thương hiệu", đại diện Lazada cho biết.

Trả lời Zing, đại diện Facebook Việt Nam cho biết nền tảng này có công cụ để thương hiệu tự báo cáo nội dung vi phạm. Đồng thời, Facebook đầu tư máy học để nhận diện nội dung giả mạo.

Tuy nhiên, những gì xảy ra cho thấy những cơ chế này không hiệu quả. Đội ngũ kiểm duyệt quảng cáo của Facebook có vấn đề khi không chủ động ngăn chặn từ đầu những quảng cáo gây tổn hại thương hiệu dù vẫn nhận tiền, duyệt chạy chiến dịch quảng cáo.

"Facebook sử dụng công nghệ tự động để xem xét các bài đăng và quảng cáo trên Marketplace vi phạm chính sách của chúng tôi trước khi được đăng tải, và chặn các nội dung có nguy cơ đăng bán hàng giả dựa trên các dấu hiệu như tên thương hiệu, logo, từ khóa, giá, chương trình giảm giá, hoặc một số dấu hiệu đáng ngờ khác", đại diện Facebook cho biết.

Sau phản ánh của Zing, nhiều trang Facebook đã bị xóa bỏ. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, hàng loạt trang khác được tạo mới và tiếp tục mua những mẩu quảng cáo lừa đảo bán smartphone giá rẻ với logo, hình ảnh và nội dung mạo danh trắng trợn các thương hiệu. Điều này cho thấy "máy học" của Facebook không thật sự giải quyết được vấn đề.

Theo nguồn tin riêng của Zing, Facebook đã cắt bớt nhân sự bộ phận duyệt quảng cáo ở Việt Nam trong mùa dịch Covid-19.

"Nội dung miễn phí không duyệt nổi đã đành. Quảng cáo là những nội dung nhận tiền để hiển thị, Facebook cần có trách nhiệm kiểm duyệt kỹ hơn để bảo vệ người dùng và cả đối tác của họ", ông Hiệp nói thêm.

Chiêu trò sử dụng uy tín các thương hiệu lớn để lừa đảo không phải lần đầu xuất hiện. Trong bài viết từ tháng 8/2019, Zing đã phản ánh chi tiết chiêu thức lừa đảo này.

Năm 2019, bà Phương Chi, một khách hàng ở Hà Nội đã mua phải chiếc điện thoại giả mạo Samsung Galaxy A70 dùng IMEI của điện thoại OPPO. Chiếc điện thoại này được bán ở website samsunga70.dealhot24h.com, vốn được thiết kế bắt mắt như một trang thuơng mại điện tử uy tín.

Chia sẻ với Zing, bà Chi cho biết mình tình cờ bấm vào một quảng cáo từ fanpage giả mạo Lazada. Quảng cáo này dẫn tới trang web có nội dung "Xả kho trưng bày hàng mẫu Galaxy A70", với mức giá giảm 49%. Thế nhưng, mặt hàng thật sự bà Chi nhận được là một chiếc smartphone giả, giá chưa đến 1 triệu đồng.

Theo Zing

Chủ đề khác