VnReview
Hà Nội

Nhu cầu sắm TV tăng vọt nhờ phần lớn mọi người vẫn ở nhà ‘cày phim’ tránh dịch

Không phải quốc gia nào cũng có thể khống chế dịch Covid-19 thành công như Việt Nam. Và ở những nước đó, mọi người đều cố tránh ra đường nếu không quá cần thiết. Đa phần đều dành thời gian ở nhà để ‘cày phim' trên Netflix.

Một khách hàng đứng tại quầy TV của chuỗi bán lẻ điện tử Big Camera nói với Nikkei: "Tôi đã sở hữu một chiếc TV từ 10 năm trước, bây giờ có lẽ là thời điểm thích hợp để nâng cấp nó. Tôi đang ở nhà nhiều hơn để xem TV, vậy nên tôi quyết định sẽ lấy một chiếc TV 4K". Nhu cầu tiêu thụ TV màn hình phẳng tại quốc gia mặt trời mọc đã tăng tới 6% trong tháng Tư.

Trong tháng Năm kế tiếp, số lô hàng nhảy vọt 17% - mức tăng hai chữ số rất hiếm khi xảy ra - đạt 363 ngàn chiếc. Đặc biệt phân khúc màn hình lớn của loại từ 50 inch trở lên đã tăng trưởng nhanh chóng, vượt quá 60%. Theo công ty nghiên cứu thị trường BCN, dự báo xu hướng sẽ tiếp tục trong tháng Sáu với doanh số hàng tuần tăng đều đặn 30-50%.

Nhu cầu sắm TV màn hình lớn cao hơn mong đợi do người ở nhà "cày phim" tránh dịch (ảnh: Nikkei)

Theo Panasonic cho biết doanh số gộp của năm 2020 và 2021 có thể đạt 10 triệu đơn vị. Công ty thường bán được 4,5 triệu TV tại quê nhà mỗi năm, nhưng nhu cầu xem phim tại gia tăng mạnh khiến họ tin tưởng con số này sẽ bị phá vỡ. Sharp cũng báo cáo doanh số tăng 20% trong tháng Năm và Sáu, còn Mitsubishi cũng cho thấy số bán đi lên so với năm 2019.

Nhìn chung, trái với lo ngại trước đó rằng TV sẽ ế ẩm do người dân ngại chi tiêu, nhu cầu TV toàn cầu đang cao hơn mong đợi. Theo hãng nghiên cứu DSCC, tiêu thụ TV tại Bắc Mỹ đã tăng 7% trong tháng Tư và vọt lên 16% trong tháng Năm. Mức tăng trưởng gây bất ngờ khi so với ba tháng đầu năm đã bị giảm 10%. Tại Trung Quốc, số lô hàng tăng 5% trong tháng Năm.

Ngay cả phân khúc 32 đến 43 inch cũng bán chạy trở lại, khi người ta sắm TV cho phòng riêng để tránh phải tụ tập. Đại diện Sony xác nhận nhu cầu đối với TV tăng gấp đôi như với màn hình máy tính, khi ngày càng nhiều người ở nhà học tập, làm việc và giải trí. Đồng quan điểm, chi nhánh LG Electronics Nhật Bản nói rằng ngành hàng giải trí tại gia đang bùng nổ.

Các hãng TV Nhật Bản chứng kiến doanh số tăng giữa đại dịch (ảnh: Reuters)

Số thuê bao của dịch vụ streaming video Netflix đã tăng 23% trên toàn cầu, đạt hơn 182 triệu thuê bao. Đại dịch khiến mọi người đổ xô đăng ký các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Disney+ để xem phim. Nhờ đó, ngành hàng truyền hình cũng được thơm lây khi người ta nâng cấp TV cũ lên màn hình lớn hơn, giải trí đã hơn.

Không chỉ các hãng Nhật Bản tận hưởng doanh số tăng trưởng, hai công ty Hàn Quốc là Samsung Electronics và LG Electronics cũng chứng kiến mức tiêu thụ TV tăng ngoài mong đợi. Báo cáo từ Business Korea cho biết, một số mẫu TV giá rẻ của Samsung và LG còn rơi vào cháy hàng tại chuỗi Best Buy. TV QLED và NanoCell cỡ 55 và 65 inch thiếu hụt 20% so với nhu cầu.

Dự báo, doanh số gộp của hai hãng TV Hàn Quốc có thể rơi vào 6,6 triệu đơn vị trong tháng Bảy này. Nửa sau năm 2020, phân khúc cao cấp cũng có thể tăng trưởng gấp đôi số lô hàng. Mặc dù các hãng đều e dè tình hình dịch bệnh có thể khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng, nhưng các con số dự báo bên thứ ba lại tương đối lạc quan.


Ambitious Man

Chủ đề khác