VnReview
Hà Nội

Giữa đại dịch, lãi ròng Sony tăng 53% nhờ video game, smartphone lãi gấp 11 lần năm ngoái

Tập đoàn Nhật Bản vừa công bố báo cáo tài chính cho quý đầu tiên của năm tài khóa 2020, kéo dài từ tháng Tư tới tháng Sáu dương lịch. Trong khi COVID-19 gây thiệt hại nặng nề tới cảm biến hình ảnh và thiết bị điện tử, kinh doanh video game và phim ảnh lại thăng hoa mạnh mẽ.

Nhu cầu chơi game và xem phim tại nhà của người dân đã tăng mạnh, 'cứu' cho Sony một quý kinh doanh không bị xuống dốc khi TV và máy ảnh sa sút. CFO Hiroki Totoki thừa nhận kinh doanh trò chơi "đã chứng kiến tác động tích cực ngoài mong đợi từ nhu cầu giải trí tại gia trong mùa dịch bùng phát".

Đi sâu hơn vào số liệu, tập đoàn ghi nhận doanh thu quý vừa rồi tăng nhẹ 2% lên 18,59 tỷ USD, lợi nhuận hoạt động giảm 1,1% còn 2,15 tỷ USD. Đáng chú ý là khoản lãi ròng 2,19 tỷ USD, tăng mạnh 53% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đang là thời kỳ kinh tế đi xuống. Kết quả này cao hơn cả dự tính của các nhà phân tích trước đó. Tuy vậy, Sony cảnh báo kết quả cả năm có thể không được như kỳ vọng do môi trường thay đổi.

Doanh thu và lợi nhuận từ kinh doanh trò chơi tăng lần lượt 32% và 68%

Mảng kinh doanh trò chơi đạt được thành công lớn nhất trong quý vừa qua. Lợi nhuận tăng lên 1,15 tỷ USD còn doanh thu cũng tăng lên 5,66 tỷ USD. Sony giải thích thành công này đến từ hai trò chơi The Last of Us Part IIGhots of Tsushima trên hệ PS4, đều trở thành cú hit lớn với hàng triệu lượt tải về ngay những ngày đầu phát hành.

Dịch vụ PS Plus cũng ghi nhận số thuê bao tăng lên 45 triệu tính đến cuối tháng Sáu. Doanh số bán phần cứng giảm còn 1,9 triệu máy và Sony từ chối cung cấp dự báo cho cả năm nay. Tuy nhiên, PS4 đã đến cuối vòng đời nên điều nó không còn quan trọng nữa. Tất cả đều hướng tới màn ra mắt cuối năm của PS5, được Sony hứa hẹn sẽ là cú huých lớn.

Hai hoạt động còn lại cả lĩnh vực giải trí chứng kiến kết quả trái ngược, trong khi Âm nhạc bị suy giảm thì Phim ảnh lại tăng trưởng bất ngờ. Chỉ có doanh thu từ loại hình streaming là tăng trưởng, đạt 640 triệu USD trong quý vừa qua, còn lại đều giảm mạnh do tác động của đại dịch như doanh số bán đĩa hay tổ chức sự kiện.

Bài hát 'Gurenge' do ca sĩ LiSA thể hiện là một trong năm dự án thành công nhất của Sony ở Nhật Bản (ảnh: Moshi Moshi Nippon)

Nhờ sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ như Harry Styles, Trasvis Scott, Khalid, milet, LiSA, Sony đạt doanh thu quý vừa qua 1,65 tỷ USD, lợi nhuận 325 triệu USD, đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng cũng điều chỉnh dự báo kết quả cuối năm nay thấp hơn trước đó. Trong quý 2, đơn vị âm nhạc của Sony còn phát hành một trò chơi di động là Disney Twisted-Wonderland, đạt kết quả mở màn khả quan.

Kinh doanh Phim ảnh hưởng lợi lớn từ đại dịch khi doanh thu giảm nhẹ xuống 1,63 tỷ USD, nhưng lợi nhuận lại tăng vọt lên 230 triệu USD. Doanh thu bán vé giảm 96% vỏn vẹn 6 triệu USD, nhưng giải trí tại gia lại tăng trưởng 60% lên 319 triệu USD, phản ánh xu hướng của thế giới khi đại dịch quét qua rạp chiếu phim. Trong quý 2, Sony cũng không phát hành bộ phim nào ra rạp.

Với tình hình phức tạp, Sony cảnh báo cả những khía cạnh tiêu cực bên cạnh mặt tích cực. Nhu cầu giải trí tại nhà lên cao, doanh số bản kỹ thuật số cũng hưởng lợi khi người ta không thể ra rạp. Tuy nhiên, công ty phải trì hoãn tiến độ nhiều chương trình truyền hình và phim chiếu rạp, cũng như tác động tiêu cực của việc trì hoãn phát hành phim sẽ còn lâu dài thêm 2-3 năm nữa.

Không phải smartphone, camera mới là đơn vị đáng báo động nhất trong quý vừa rồi (ảnh: Digital Trends)

Kinh doanh đồ điện tử chịu thiệt hại nặng nhất trong quý vừa qua vì COVID-19. Các mặt hàng máy ảnh kỹ thuật số, TV và đồ âm thanh nghe nhìn đều suy giảm, khiến Sony bị lỗ khoảng 85 triệu USD quý vừa rồi. Đây là quý thua lỗ hiếm hoi sau một thời gian dài kinh doanh điện tử phục hồi. TV bán được 1,5 triệu đơn vị và doanh số smartphone là 800.000 trong quý 2.

Một thông tin khiến nhiều người bất ngờ là smartphone Sony đã thu lãi khoảng 102 triệu USD trong quý vừa rồi, chủ yếu nhờ thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm chi phí. Bất chấp việc doanh thu có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái cũng như số bán kém hơn. Quý 2 cũng là thời điểm Sony bán ra Xperia 1 Mark 2.

Đối lập với tình hình Xperia có khởi sắc, máy ảnh mirrorless lại chứng kiến kết quả đi xuống thê thảm. Doanh thu máy ảnh trong quý 2 đã giảm hơn 50%, thậm chí đang chưa bằng một nửa so với... smartphone. Công ty Nhật Bản đã dừng công bố số bán camera, cho thấy tình hình đang diễn biến khá xấu.

Lãi ròng Sony tăng mạnh 53% còn lợi nhuận hoạt động chỉ bị giảm 1,1% trong kỳ đại dịch;

Cuối cùng là cảm biến hình ảnh, một động lực tăng trưởng quan trọng khác trong tập đoàn. Do đại dịch tác động, công việc kinh doanh không còn thuận lợi như những kỳ vọng trước đó. CFO công ty lưu ý rằng "khách hàng đang chuyển dịch xuống phân khúc sản phẩm tầm trung và giá rẻ". Điều này bất lợi cho Sony khi cảm biến của họ chủ yếu nằm ở nhóm sản phẩm cao cấp.

Dự báo cho cả năm tài khóa 2020 sẽ kết thúc vào tháng Ba năm 2021, tập đoàn Nhật Bản cho biết doanh thu sẽ rơi vào khoảng 77,6 tỷ USD, lợi nhuận giảm 27% xuống còn 5,79 tỷ USD. Trong các đơn vị kinh doanh, chỉ có trò chơi và tài chính là tăng trưởng, còn lại đều bị suy giảm vì môi trường kinh doanh biến động.

Ambitious Man

Chủ đề khác