VnReview
Hà Nội

Khác biệt giữa Exynos và Snapdragon có thể tách Galaxy Note 20 thành hai dòng

Giống với những điện thoại cao cấp trước đây của Samsung, đánh giá về Galaxy Note 20 và Note 20 Ultra sau sự kiện ra mắt được chia thành nhiều ý kiến cho những biến thể. Tất nhiên là tranh cãi lớn nhất nằm ở sự khác biệt giữa bộ xử lý Snapdragon và Exynos, mà cụ thể hơn là Snapdragon 865 Plus và Exynos 990. Samsung luôn tránh so sánh hiệu năng giữa các biến thể của hãng và điều này hoàn toàn có lý do.

Cuộc tranh luận đã diễn ra trong suốt nhiều thế hệ Galaxy và lên đến đỉnh điểm vào đầu năm 2020 khi so sánh điểm benchmarks giữa Exynos 990 và Snapdragon 865. Điểm số cụ thể thì quá rõ nhưng điểm mấu chốt ở đây là Exynos không chỉ chậm hơn, đặc biệt là khi chơi game, mà còn hoạt động kém hiệu quả hơn trước những tác vụ cần CPU.

Không may là những khách hàng ở các nước phương Tây (ngoài Mỹ) lại được trang bị bản nâng cấp 865 Plus, còn mạnh hơn so với 865, khiến sự khác biệt giữa hai biến thể của cùng một dòng sản phẩm càng lớn hơn nữa.

Ảnh: Eric Zeman/ Android Authority

Với điện thoại Asus ROG Phone 3, bộ xử lý Snapdragon 865 Plus có tốc độ nhanh hơn phiên bản Snapdragon 865 khoảng 7%. Trong khi đó, bộ xử lý Exynos vẫn không có cải tiến mới khiến hiệu năng của Galaxy Note 20 không có gì nổi trội so với Galaxy S20 đã ra mắt trước đó. Đây không phải là điểm cộng để có thể thu hút người mua, trong khi Galaxy Note đáng ra phải là chú "ngựa chiến" hàng năm của Samsung.

Dù không quá chú trọng vào SoC nhưng hai phần ba người dùng tham khảo sát của trang Android Authority cho rằng việc sử dụng lại bộ xử lý Exynos 990 có thể sẽ tác động tiêu cực đến quyết định mua Note 20 của họ.

Và hiện tại, nhiều người dùng cảm thấy yêu thích những chiếc điện thoại với mức giá phải chăng hơn. Dù Exynos 990 không hoàn toàn chậm chạp trong tác vụ thường ngày, nó chỉ yếu thế hơn khi bị đem ra so sánh. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ sẽ có khác biệt doanh số khi bán ra hai phiên bản cùng lúc với cùng một mức giá.

Qua những thông số kỹ thuật, chúng ta có thể biết chắc rằng Snapdragon Note 20 và Exynos Note 20 sẽ không thể mang lại cho người dùng trải nghiệm giống nhau, nhất là về thời lượng pin. Do vậy, đây là lý do chính đáng để người dùng lẫn người hâm mộ Samsung phàn nàn. Tại sao Exynos của Samsung lại tụt hậu như vậy?

Samsung đánh giá sai thị trường SoC di động hiện nay

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của Exynos 990 là lõi Mongoose M5 của nó mạnh mẽ nhưng ngốn điện và không cân bằng. Thật ra Samsung đã có thiết kế CPU M6, dù vậy nhóm thiết kế sắp bị giải thể nên chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy CPU này ra mắt. Có lẽ đó lại là điều tốt.

Nhiều năm qua, Samsung tập trung vào theo đuổi Apple về mặt hiệu suất nhưng lại không chú trọng những yếu kém về vấn đề thiết kế lõi bộ xử lý. Dường như Samsung đã bỏ qua tầm quan trọng của điện toán phức hợp trong cuộc chạy đua vũ trang cho SoC. Những SoC flagship đã chuyển sang tăng hiệu suất xử lý một lượng lớn tác vụ cùng lúc và hiệu năng máy chỉ là một dấu cộng trong số đó.

Không may là Samsung không thể làm gì để tăng hiệu suất "rùa bò" của GPU Mali. Hay ít nhất là khi công ty này không đổ thêm tiền đầu tư vào cộng nghệ bán dẫn. Có thể thỏa thuận giữa Samsung và AMD sẽ có kết quả vào năm 2021, có khả năng AMD sẽ cung cấp cho Samsung những giải pháp cao cấp và cạnh tranh hơn. Giờ thì chúng ta chỉ có thể chờ xem kết quả sẽ như thế nào.

Về mặt lý thuyết, Exynos 990 cũng có vài điểm cộng. Nó được trang bị dual-NPU để xử lý tác vụ AI, quay video 8K cũng như mã hóa x265 và VP9. Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ tính năng khi bộ xử lý này được ra mắt. Theo đánh giá của Anandtech, ban đầu, NPU của Samsung không hỗ trợ các ứng dụng bên thứ ba sử dụng phần cứng thông qua Neural Networking APIs, trong khi cả Qualcomm và Huawei đều cho phép. Vì vậy, chỉ có ứng dụng của Samsung mới có thể sử dụng những tính năng đặc biệt của phần cứng.

Chúng tôi cũng không nghe bất cứ thông tin nào về cải tiến bộ xử lý hình ảnh (ISP) từ Samsung, trong khi đây là một yếu tố chính cấu thành nên những chiếc điện thoại cao cấp. Huawei tự hào với bộ xử lý Kirin 990 ISP với phần cứng giảm nhiễu BM3D, trong khi Snapdragon 865 của Qualcomm là bộ xử lý đầu tiên tích hợp trực tiếp thuật toán tối ưu hóa thị giác vào ISP. Thậm chí Google cũng tự thiết kế Visual Core riêng để cải thiện AI và xử lý hình ảnh. Còn Samsung thì lại chẳng đưa ra bất cứ thông tin nào về việc nâng cấp, điều đó cho thấy họ không thể đạt được những thành tựu tương tự như các đối thủ của mình trên lĩnh vực điện toán.

Hiện tại, Samsung đang phải miễn cưỡng nói về những điểm nổi trội của Exynos 990 vì bị so sánh với Snapdragon là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, chúng ta không thể chắc chắn về khả năng cạnh tranh của Exynos. Đánh giá tổng thể bên ngoài thì dường như Samsung tập trung vào cải thiện hiệu năng của CPU hơn. Đây có thể là cái giá mà Samsung phải trả khi không theo kịp cuộc đua vũ trang AI và ISP.

Vì sao Samsung vẫn dùng bộ xử lý Exynos?

Ảnh: Android Authority

Hiện tại, Exynos kém hơn Snapdragon là điều mà ai cũng biết, dù xét về những tác vụ thường ngày thì Exynos cũng không hẳn quá lép vế. Nhưng vì sao Samsung vẫn cứ bám víu lấy Exynos mà không chuyển hoàn toàn sang bộ xử lý của Snapdragon?

Tất nhiên, chúng tôi chỉ có thể suy đoán nhưng lý do chính có thể là Samsung đã mù quáng tin tưởng vào sản phẩm của mình. Công ty này đã đầu tư rất nhiều vào đội ngũ phát triển sản phẩm và không muốn vứt bỏ toàn bộ thành quả chỉ vì thua nhau ở vài con số. Mặt khác, lợi nhuận cũng là một vấn đề lớn. Bộ xử lý Snapdragon 865 và những linh kiện 5G có giá không hề rẻ.

Trong khi đó, Samsung có một bộ xử lý "của nhà trồng được" với giá thành rất cạnh tranh. Samsung Semiconductor, đơn vị nghiên cứu và sản xuất Exynos, cũng sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu toàn bộ thiết bị Galaxy Note và Galaxy S chuyển sang sử dụng Snapdragon do TSMC sản xuất.

Cuối cùng, Samsung cần Exynos để chống lại các đối thủ cạnh tranh như TSMC và Qualcomm. Sự cạnh tranh là một yếu tố cần thiết trong thị trường này. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn do Exynos của Samsung đang dần tụt lại phía sau. May mắn là dường như Samsung đang có một sự thay đổi lớn.

Một Exynos hoàn toàn mới đang được phát triển

Nhóm thiết kế CPU của Samsung sẽ bị giải thể vào tháng 10/2020, vì vậy Exynos 990 sẽ là bộ xử lý cuối cùng sử dụng lõi CPU Mongoose tùy biến. Đây có lẽ là nước đi đúng đắn vì những CPU lõi ARM đã thể hiện rất tốt. Và chúng ta cũng đã biết ông trùm Arm Cortex-X1 sẽ ra mắt vào năm 2021. Rất có thể Samsung sẽ sử dụng bộ xử lý này và đạt hiệu năng lớn nhất từ trước đến nay.

Hy vọng là Samsung sẽ kết hợp với một GPU mạnh mẽ hơn dựa trên kiến trúc RDNA của AMD. Như vậy, thiết kế Exynos trong tương lai có thể hỗ trợ cả AI, ISP, 5G và cả những công nghệ tiên tiến quan trọng khác. Về mặt lý thuyết thì chúng ta sẽ có một bộ xử lý mới với khả năng cạnh tranh cao hơn và ít bị chê bai hơn.

Nếu không chịu thay đổi thì Exynos của Samsung sẽ tiếp tục thụt lùi cả về hiệu năng lẫn hiệu suất năng lượng. Cuối cùng, áp lực từ khác biệt giữa các biến thể dùng Exynos và Snapdragon sẽ đạt đến đỉnh điểm có thể khiến Samsung sẽ phải tách thương hiệu. Đây sẽ là một lựa chọn rất khó khăn cho bộ phận tiếp thị và sản phẩm của Samsung.

Hy vọng rằng những thay đổi sắp tới của Samsung sẽ giúp họ tránh được viễn cảnh trên. Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta biết liệu Exynos và loạt sản phẩm Samsung Galaxy có thể hồi sinh hay không. Nhưng dù sao thì người dùng Samsung vẫn sẽ phải chịu đựng Exynos thêm một thời gian nữa với Note 20.

Minh Bảo;(Theo Android Authority)

Chủ đề khác