VnReview
Hà Nội

Tình thế ngặt nghèo của Samsung Display khi đương đầu với các đối thủ Trung Quốc

Vị thế của Samsung Display đang có chiều hướng suy yếu bởi cuộc chiến giá cả do Trung Quốc phát động, cũng như việc tăng đầu tư vào OLED cỡ vừa và nhỏ.

Samsung Display đã tăng mức đầu tư vào các dây chuyền sản xuất trong nửa đầu năm nay lên 1,62 ngàn tỷ won, gấp đôi so với 802,9 tỷ won cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng của hãng đã giảm mạnh trong ba năm qua, từ hơn 13 ngàn tỷ won năm 2017 xuống 2,9 ngàn tỷ won năm 2018. Sau đó giảm tiếp còn 2,1 ngàn tỷ won năm 2019.

Họ chủ yếu tập trung vào phân khúc OLED cỡ vừa và nhỏ. Dự báo kết thúc năm nay, mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ rơi vào khoảng trên dưới 3 ngàn tỷ won, ngang với năm 2018. Sự chững lại chủ yếu do các đối thủ Trung Quốc trỗi dậy quá mạnh mẽ, khiến giá tấm nền LCD rớt nhanh trong khi tăng trưởng của phân khúc OLED di động chậm hơn mong đợi.

Samsung Display liên tục bị giảm lãi ròng những năm vừa qua, dẫn tới chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng bị cắt giảm (ảnh: Nikkei)

Năm 2015, Samsung công bố lãi ròng 1,6 ngàn tỷ won, tiếp theo đến 2016 và 2017, lãi ròng lần lượt đạt gần 1,5 ngàn tỷ won và 3,3 ngàn tỷ won. Tuy nhiên, hai năm sau đó lại liên tục chứng kiến những con số yếu kém. Năm 2018 lãi ròng chỉ còn 1,2 ngàn tỷ won và 2019 là 407 tỷ won. Đối chiếu với mức chi tiêu ở trên, có thể thấy các con số có liên quan rất rõ ràng.

Các hãng Trung Quốc sở dĩ có thể gây khó khăn chỉ trong vài năm ngắn ngủi là nhờ có sự ủng hộ của chính phủ ở phía sau. Kinh doanh LCD của Samsung Display dần đi theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí rơi vào báo động đỏ. Kết cục là công ty Hàn Quốc buộc phải đầu hàng. Samsung đã xác nhận sẽ dừng hoạt động sản xuất tấm nền LCD kể từ năm 2021.

Đó là câu chuyện của kinh doanh LCD, đối với phân khúc chủ lực OLED vừa và nhỏ, những dự báo bùng nổ đã không trở thành sự thật. Apple đã phải trả cho Samsung hai khoản tiền đền bù hợp đồng vào năm ngoái và năm nay, lần gần nhất là 950 triệu USD. Cả hai đều vì doanh số iPhone tích hợp màn hình OLED thấp hơn mong đợi.

Những mẫu iPhone bán chạy nhất lại không sử dụng màn hình OLED của Samsung (ảnh: Counterpoint)

Các sản phẩm dùng tấm nền LCD như iPhone XR hay iPhone 11 luôn chiếm vị trí bán chạy nhất, bỏ xa iPhone X, 11 và 11 Pro Max vốn dùng màn hình Samsung. Hợp đồng độc quyền của Apple ban đầu tưởng là một món hời, giờ lại thành gánh nặng cho Samsung vì lượng thu mua không đạt mức cam kết. Bởi mục đích cuối cùng là tạo ra lợi nhuận, không phải để được nhận đền bù.

Apple không phải đầu tư dây chuyền sản xuất, do vậy họ ít thiệt hại hơn các đối tác đã bỏ vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Samsung thậm chí còn bị thâm hụt nặng nề bởi các khoản chi phí cố định do đã bỏ ra quá nhiều đầu tư máy móc, thiết bị, vật liệu,... Kết quả tất yếu, Samsung Display công bố lãi ròng chỉ 57,7 tỷ won trong 6 tháng đầu năm nay.

Con số này tiềm ẩn một sự thật, Samsung Display thực ra đã phải báo lỗ nếu không có khoản đền bù hợp đồng của Apple. Điều này lặp lại chuyện đã xảy ra của năm 2019, giai đoạn sáu tháng đầu năm thực ra họ bị lỗ liền hai quý, nhưng khoản đền bù giúp đảo ngược thành khoản tiền lãi ghi nhận một lần. Đó không phải điều mà Samsung kỳ vọng khi đặt bút ký hợp đồng iPhone.

LG Display và Trung Quốc đang cố bắt kịp công nghệ Y-OCTA của Samsung (ảnh: IHS Markit)

Cuối năm nay, Apple sẽ triển khai dòng iPhone 12 với cả bốn mẫu đều dùng màn hình OLED, nhưng chúng bị hoãn ra mắt cho tới tháng Mười vì dịch. Hơn nữa nhu cầu vẫn rất khó đoán vì đang là thời điểm người dân thắt chặt chi tiêu, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày,... được ưu tiên hơn các món hàng xa xỉ. Samsung Display vẫn sẽ lãi lớn trong quý 3 nhờ iPhone, nhưng vấn đề luôn là sau đó, khi nhu cầu iPhone xuống thấp.

Ưu thế về công nghệ cũng đang bị đe dọa. Samsung Display từng đi trước các đối thủ với công nghệ Y-OCTA, tích hợp tấm cảm ứng vào tấm hiển thị giúp màn hình mỏng hơn. LG Display được cho là đã phát triển thành công công nghệ cảm ứng trên bề mặt (TOE), sẵn sàng giao tới đối tác. Họ tin tưởng đã xóa bỏ khoảng cách về công nghệ với Samsung.

Theo thông tin chính thức, công nghệ TOE sẽ được triển khai ngay trên màn hình smartphone. Cùng với đó, BOE và Visionox của Trung Quốc cũng đang phát triển một phiên bản của riêng mình, một khi thành công sẽ lập tức đe dọa tới vị thế của Samsung Display. Vấn đề lớn nhất mà công ty Hàn Quốc có thể gặp phải, đó là khó tạo ra lợi nhuận một khi Trung Quốc xóa nhòa chênh lệch về trình độ công nghệ ở OLED di động.

Samsung đang dẫn đầu phân khúc OLED di động với khoảng 85% thị phần (ảnh: Sony)

Đây là phân khúc độc tôn của hãng bấy lâu nay, nếu để mất thì họ không còn thị trường nào khác để bám vào. Theo hãng nghiên cứu thị trường Omdia, thị phần tấm nền OLED trên smartphone đạt 85% vào quý 4 năm 2019, vẫn rất vững chắc. Tuy nhiên sau 5 năm nữa, con số này có thể giảm xuống rất nhanh.

Hãng nghiên cứu DSCC dự báo vào năm 2025, tổng thị phần của các công ty Trung Quốc sẽ vượt qua Hàn Quốc tại phân khúc OLED di động. Theo họ, BOE sẽ có thị phần gần bằng Samsung Display, nhờ khoản đầu tư bổ sung trị giá 46 tỷ nhân dân tệ vào một dây chuyền OLED Gen 6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Phân khúc OLED cỡ lớn đang được xem là phương án phòng thủ cho Samsung Display, sau khi dừng sản xuất hoàn toàn LCD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại đưa ra một dự đoán không mấy tích cực - Samsung Electronics sẽ không hỗ trợ kế hoạch sản xuất OLED cỡ lớn của Samsung Display.

Samsung Display đặt cược vào Blue OLED kết hợp với chấm lượng tử để cạnh tranh với LG Display, sử dụng White OLED và bộ lọc màu (ảnh: Nanosys)

Công nghệ mà Samsung Display hướng tới là Blue OLED làm nguồn sáng, kết hợp với chấm lượng tử để tái tạo màu sắc. Hiện tại, LG Display đang độc tôn ở phân khúc này nhờ thương mại hóa White OLED kết hợp bộ lọc màu. Khi Samsung thành công thì họ sẽ chia đôi thị trường cùng LG Display, tất nhiên công suất vẫn chưa thể bằng người đồng hương đã đi trước.

Lại nói về Samsung Electronics, hiện vẫn chưa có thông tin chính xác họ có tiếp nhận tấm nền OLED từ Samsung Display hay không. Họ từng sản xuất TV OLED với công nghệ RGB OLED năm 2013, nhưng sau đó thất bại và phải rút lui chỉ sau một năm. Chủ yếu do quy trình sản xuất hàng loạt gặp quá nhiều lỗi, cùng mức giá thiếu tính cạnh tranh.

Sau đó, các lãnh đạo đứng đầu Samsung Electronics bao gồm Kim Hyun-suk, phụ trách mảng điện tử tiêu dùng, cùng với người dẫn dắt mảng nghe nhìn, ông Han jong-hee, đều chấp thuận rằng sẽ không thương mại TV OLED. Họ một mực khẳng định công nghệ OLED không khả thi trên TV, rồi quay sang đầu tư vào QD-LCD được tiếp thị bằng cái tên "TV QLED".

Tuy nhiên, kế hoạch của Samsung Display lại không được ủng hộ bởi Samsung Electronics;

Theo Business Korea, sự mâu thuẫn trong chiến lược giữa hai bên này khiến chính Samsung Display cũng khó xử. Họ phải gọi công nghệ QD-OLED đang hướng tới của mình bằng một cái tên khá mơ hồ - màn hình chấm lượng tử (QD display). Cách gọi này không thực sự phân định rạch ròi về mặt công nghệ.

Và trong khi OLED rất khó được mang lên TV Samsung một lần nữa, họ đã lên kế hoạch mua bổ sung tấm nền LCD Trung Quốc bù cho phần Samsung Display bỏ trống. Cùng với đó, liên hệ với các công ty nước ngoài như Sanan, Epistar, Lextar, Play Nitride để sản xuất TV microLED. Kể cả khi Samsung Display thương mại OLED vào năm sau đúng kế hoạch, có thể nó sẽ xuất hiện trên TV Trung Quốc chứ không phải công ty mẹ.

Ambitious Man

Chủ đề khác