VnReview
Hà Nội

Huawei đầu tư vào Nga, tập trung kinh doanh điện toán đám mây nhằm thoát Mỹ

Bên cạnh việc giải quyết những khó khăn đến từ lệnh cấm của Mỹ, Huawei cũng đang tập trung cho bộ phận điện toán đám mây của mình.

Khi các tập đoàn công nghệ của Mỹ còn đang vật lộn với những tổn thất kinh doanh và sự chậm trễ cung ứng dịch vụ do các hạn chế giao dịch từ phía Mỹ đối với gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc Huawei Technologies, thì những công ty đến từ một siêu cường toàn cầu khác như Nga có thể tận dụng mối lợi này.

Trong chuyến thăm đến các trường đại học thuộc top đầu của Trung Quốc vào tháng trước, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết: "Sau khi Mỹ đưa chúng tôi vào danh sách Entity List, chúng tôi đã quyết định chuyển nguồn đầu tư từ Mỹ sang Nga, gia tăng đầu tư tại đất nước này, mở rộng đội ngũ nhà khoa học Nga và tăng lương cho các chuyên gia người Nga".

Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trong Quý II vừa qua cũng đã kịp soán ngôi Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến lại đang trở thành một con tốt trong trò chơi quyền lực giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Huawei đang phải trải qua giai đoạn sinh tử khi mà chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt khả năng tiếp cận của Huawei đến những công nghệ cốt lõi của Mỹ, ví dụ như là ngành công nghiệp bán dẫn.

Đích thân Richard Yu Chengdong, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã phải thừa nhận công ty đã không còn có thể phát triển những thiết bị sử dụng con chip Kirin cao cấp của mình sau năm 2020 do tác động từ lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Theo thông tin từ truyền thông địa phương, tại một hội nghị ở thành phố Thanh Đảo, miền đông Trung Quốc vào cuối tuần qua, Yu cho biết Huawei vẫn đang "cố gắng tìm cách chống chọi với lệnh cấm của Mỹ".

Vào tháng trước, trong cuộc gặp của mình với các trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc, Nhậm Chính Phi khẳng định Huawei sẽ phải "tiếp tục đi theo con đường tự cải thiện và mở cửa" để tồn tại. "Nếu bạn muốn trở nên thật sự mạnh mẽ, bạn phải học tập từ tất cả mọi người, ngay cả đối với chính những kẻ thù của bạn", nhà sáng lập Huawei nói.

Mặc dù Nhậm Chính Phi nói rằng "một số chính trị của Mỹ muốn Huawei phải chết", ông vẫn muốn tái khẳng định tập đoàn của mình không hề có ác ý với Mỹ, "dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ không bao giờ thù ghét Mỹ. Đây chỉ là động cơ của một số chính khách và nó không hề đại diện cho những công ty Mỹ, trường học và xã hội Mỹ".

Theo Financial Times đưa tin hôm Chủ nhật, bên cạnh việc tập trung đầu tư nhiều hơn vào các thị trường khác, Huawei cũng đang có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây. Vào tháng 1 năm nay, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu đưa bộ phận phát triển điện toán đám mây của mình (vẫn được quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ) lên ngang hàng với mảng kinh doanh thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh.

Hiện tại, các nhà cung cấp bán dẫn chịu tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty Trung Quốc vẫn đang tiếp tục vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump nới lỏng các lệnh hạn chế mới nhất. Qualcomm, nhà cung ứng chip của Mỹ, vốn là một khách hàng lớn của Huawei đang cố gắng để có được sự chấp thuận của chính quyền nhằm nối lại kênh bán hàng với Huawei, trong khi nhà thiết kế chip MediaTek của Đài Loan đã đệ trình đơn lên chính phủ Mỹ để được cấp phép tiếp tục cung cấp chip cho công ty Trung Quốc.

Giang Vu theo SCMP

Chủ đề khác