VnReview
Hà Nội

Trung Quốc có động thái đầu tiên can thiệp vào thương vụ mua bán TikTok

ByteDance đã bị gây sức ép, buộc phải thoái vốn ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok khỏi thị trường Mỹ trong bối cảnh Nhà Trắng lo ngại về an ninh quốc gia và cách thức xử lý dữ liệu người dùng mà ứng dụng này đang nắm giữ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, chuyên gia thương mại Trung Quốc cho biết các quy tắc sửa đổi mới của Trung Quốc xoay quanh lĩnh vực xuất khẩu công nghệ đã giúp Bắc Kinh có thêm tiếng nói trong việc quyết định ByteDance có được bán hoạt động TikTok ở Mỹ cho các công ty khác hay không.

Walmart, Microsoft và Oracle là một trong những cái tên tiêu biểu quan tâm đến thương vụ mua bán TikTok Mỹ, cũng như tại các nước Canada, New Zealand và Úc. Tuy nhiên vào cuối tuần qua, Trung Quốc đã lần đầu tiên sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu sau 12 năm ban hành luật.

Giáo sư thương mại quốc tế Cui Fan tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh, cho biết những thay đổi mới được chỉnh sửa nhằm nhắm đến TikTok. "Nếu ByteDance có kế hoạch xuất khẩu các công nghệ liên quan, họ phải thực hiện các thủ tục cấp phép", ông cho biết. Theo đó, có thể mất tới 30 ngày để các cơ quan Trung Quốc phê duyệt sơ bộ công văn xuất khẩu công nghệ.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã bổ sung 23 danh mục, bao gồm các công nghệ như dịch vụ đẩy thông tin cá nhân dựa trên phân tích dữ liệu và giao diện tương tác trí thông minh nhân tạo vào danh sách hạn chế và cần phê duyệt kỹ lưỡng.

Vũ khí bí mật của TikTok được cho là thuật toán đề xuất, khiến người dùng phải dán mắt hàng giờ liền vào màn hình điện thoại vì nội dung lôi cuốn. Cụ thể, thuật toán này được đưa vào phần "Dành cho bạn" trên TikTok và mỗi khi người dùng vuốt lên hoặc xem hết video hiện có, ứng dụng sẽ dựa trên phân tích hành vi người dùng rồi tự động đưa ra nội dung thích hợp.

Cui cho biết sự phát triển của ByteDance ở nước ngoài phụ thuộc vào công nghệ thuật toán cốt lõi được phát triển phần lớn tại Trung Quốc. Vì thế công ty sẽ cần chuyển mã phần mềm hoặc quyền sử dụng cho chủ sở hữu mới của TikTok từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

"Do đó, ByteDance cần nghiêm túc cân nhắc điều chỉnh một số danh mục và xem xét cẩn thận xem có cần phải tạm dừng các cuộc đàm phán bán TikTok cho các công ty Mỹ hay không", ông nói.

Về phần mình, ByteDance không đưa ra bất kỳ bình luận nào khi được hỏi. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ phản đối kịch liệt các lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump áp đặt lên TikTok, đồng thời nói rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Minh Hoàng theo Reuters

Chủ đề khác