VnReview
Hà Nội

Những game di động kiếm tiền khủng nhất thế giới

Danh sách các trò chơi di động có doanh thu tích lũy cao nhất chứng kiến sự áp đảo của các công ty Nhật.;

Theo Newzoo, trong ba nền tảng chơi game hiện nay là PC, console và di động (mobile) thì nền tảng thứ ba luôn chiếm vị trí dẫn đầu về doanh thu. Với sự phổ biến của smartphone, game di động dần trở thành một miếng bánh màu mỡ mà ông lớn nào cũng thèm khát. Nhưng trong đó, chỉ có một số ít tựa game được xem là "cá mập" thực sự, với nhóm dẫn đầu thị trường có doanh thu tích lũy gộp lại gần 45 tỷ USD.

1. Monster Strike (8,1 tỷ USD)

Đây là trò chơi nhập vai chiến lược kết hợp với giải câu đố do hãng Mixi (Nhật Bản) phát hành trên iOS và Android, ra mắt ngày 8/8/2013 tức đã có tuổi đời 7 năm. Vào tháng Tám năm 2015, trò chơi kiếm được số tiền 4,2 triệu USD mỗi ngày và đạt mốc tích lũy 7 tỷ USD vào tháng Mười năm 2018.

Game di động có doanh thu tích lũy cao nhất toàn cầu (ảnh: Sensor Tower)

Một trong những game ăn khách hàng đầu tại Nhật Bản dù không phổ biến ở thị trường quốc tế. Nhờ sức thành công của phiên bản game di động, nhà phát triển sau đó đã tung ra nhiều hình thức giải trí ăn theo khác như anime, giải đấu thể thao điện tử (eSport). Không nhiều game di động giữ được sức hút lâu như Monster Strike.

2. Honor of Kings / Arena of Valors (7,8 tỷ USD)

Được phát hành bởi ông lớn Trung Quốc Tencent, trò chơi thuộc thể loại chiến thuật MOBA quen thuộc với cộng đồng Việt Nam qua tên gọi "Liên quân Mobile". Đây là game di động ăn khách nhất thị trường Trung Quốc và thường xuyên lọt top game có doanh thu cao nhất hàng tháng, theo thống kê của Sensor Tower.

"Liên quân Mobile" cũng nằm trong top game di động ăn khách nhất (ảnh: VentureBeat)

Sự phổ biến tại đất nước tỷ dân buộc chính phủ Trung Quốc phải giám sát chặt chẽ. Bên cạnh hỗ trợ tổ chức các giải thi đấu chuyên nghiệp bài bản nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, phát triển nền công nghiệp eSport, chính quyền tại đây cũng nhiều lần can thiệp để điều chỉnh mức độ "nghiện game" của người chơi. Điển hình là quy định giới hạn giờ tham gia theo độ tuổi.

Theo ước tính, Trung Quốc chiếm tới hơn 90% doanh thu của game, vốn hàng tháng thường đạt trên 100 triệu USD. Tại Việt Nam, game được phát hành bởi Ganera và có cộng đồng người chơi đông đảo, chủ yếu là tầng lớp học sinh, sinh viên. Cùng với đó, nhóm người chơi chuyên nghiệp cũng được đà phát triển rất mạnh.

3. Puzzle & Dragons (7,7 tỷ USD)

Một trong những trò chơi từng gây sốt tại Nhật Bản (ảnh: Gungho Online)

Lại thêm một cái tên nữa đến từ Nhật Bản. Trò chơi Puzzle & Dragons được công ty Gungho Online phát hành vào ngày 20/2/2012, được xem là một tượng đài của làng game Nhật. Lối chơi pha trộn giữa nhiều thể loại như nhập vai, giải đố lẫn gacha.

Tại riêng quê nhà và là thị trường chính đem lại thành công, nó đã thu hút hơn 46 triệu lượt tải về. Hiện tại, số lượng người chơi của Puzzle & Dragons đã giảm đáng kể. So với Monster Strike, tuy cùng thuộc lớp lão làng nhưng game không còn duy trì được sức nóng cho đến thời điểm hiện tại nữa.

4. Clash of Clans (7 tỷ USD)

Tựa game chiến thuật lâu đời từng khuynh đảo thị trường. Game do hãng Supercell có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, phát hành vào năm 2012. Là một trò chơi thuộc thể loại chiến lược, game vẫn được nhiều người nhớ tới như là đỉnh cao một thời của game di động. Hiện tại, áp lực cạnh tranh từ nhiều game mới khiến cho Clash of Clans giảm sức hút nghiêm trọng, không còn xuất hiện trong bảng xếp hạng doanh thu hàng tháng.

Dù đã đạt tới doanh thu tích lũy 7 tỷ USD, "Clash of Clans" dần biến mất trên bản đồ game di động toàn cầu (ảnh: Medium)

5. Candy Crush Saga (5,4 tỷ USD)

Cũng là một hiện tượng của làng game di động toàn cầu như Clash of Clans, Candy Crush Saga trở thành "cố máy in tiền" cho nhà phát hành King (Anh). Game thuộc thể loại giải đố xếp hàng 3 quen thuộc, với đồ họa bắt mắt và lối chơi dễ tiếp cận, ngay từ những ngày đầu đã đứng top doanh thu trên cả ba nền tảng: iOS, Android và Windows.

Đây là "món tủ" của các chị em và dân văn phòng, đạt số lượng tải về hơn 500 triệu và đứng trong nhóm các game di động có nhiều người chơi nhất. Cho đến nay, Candy Crush Saga vẫn được xem là một game dễ gây nghiện lẫn cơn sốt trên khắp thế giới. Thậm chí, nó còn trở thành một hiện tượng văn hóa và là lí do chính khiến Activision Blizzard chịu mua lại King, giá 5,9 tỷ USD.

Những viên kẹo sặc sỡ giống như một loại "ma túy" với nhóm dân văn phòng và nữ giới (ảnh: Variety)

6. Pokémon Go (4,7 tỷ USD)

Cơn sốt toàn cầu của những chú Pokémon vào năm 2016 đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Dựa trên thương hiệu truyền thông ăn khách nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi trò chơi thực tế tăng cường (AR) này trở thành con sốt toàn cầu ngay từ khi chỉ có trailer giới thiệu. Chỉ sau 7 tháng phát hàng, nó đã mang về Niantic (Mỹ) hơn 1 tỷ USD.

Sức hút của game lớn đến mức đã trở thành hiện tượng văn hóa ngay từ khi ra mắt. Hàng chục triệu người đổ xô ra đường để bắt Pokémon, truyền thông nhắc về nó liên tục còn hệ thống máy chủ của hãng game thì thường xuyên bị quá tải. Thậm chí đã có không ít các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra trong hành trình bắt thú ảo của người chơi, dẫn tới một số lệnh cấm và khuyến cáo từ cơ quan chính quyền.

Hiện tượng văn hóa từng khiến cả thế giới điên đảo năm 2016 (ảnh: Gamepur)

Bất chấp không ít những cái nhìn thiếu thiện cảm của một số người, game vẫn liên tục nằm trong top doanh thu hàng tháng. Bên cạnh hoạt động mua vật phẩm của người chơi, Niantic còn kiếm được nhiều tiền thông qua hoạt động quảng cáo và tài trợ của các nhãn hàng. Hiện tại, trò chơi ước tính đã vượt quá 1 tỷ lượt tải.

7. Fate/Grand Order (4 tỷ USD)

Cuối cùng là một trò chơi được phát triển bởi Delightworks và phát hành qua Aniplex, công ty con của Sony. Game có lối chơi pha trộn giữa nhập vai và gacha, cực kỳ thành công tại quê nhà Nhật Bản và còn lan sang cả một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc. Phiên bản tiếng Anh phát hành cho thị trường Bắc Mỹ cũng vừa vượt mốc 11 triệu lượt tải.

"Fate/Grand Order" được mệnh danh là "mỏ vàng" của Sony (ảnh: WSJ)

Được phát hành từ năm 2015, game đã đạt doanh thu tích lũy hơn 4 tỷ USD theo Sensor Tower thống kê. Đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu App Annie từng xếp hạng đây là game ăn khách thứ 5 trong thập niên 2010. Trong dịp năm mới đầu 2020 này, game cũng kiếm được nhiều tiền nhất theo App Annie thống kê. Tạp chí Famitsu cũng cho biết đây là trò chơi ăn khách nhất Nhật Bản năm 2019 với doanh thu hơn 71 tỷ yên.

Trong hai năm liền 2018 và 2019, Fate/Grand Order là trò chơi điện tử được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter, vượt qua cả Fortnite hay PUBG. Báo Wall Street Journal từng gọi đây là trò chơi sinh lời cao nhất lịch sử Sony, hơn cả các đầu game bom tấn console. Để tối ưu hóa lợi nhuận, Sony cũng phát hành anime và nhiều loại hàng hóa ăn theo trò chơi, ví dụ như mô hình nhân vật.

Ambitious Man

Chủ đề khác